Trong Hội nghị về tín dụng bất động sản mới tổ chức gần đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, không siết cho vay đối với bất động sản. Ngân hàng mở rộng cửa cho các dự án nhà ở hướng tới người mua ở thật, đặc biệt là nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, họ vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng và lãi suất cho vay vẫn đang ở mức cao. Ngoài ra, khó khăn của doanh nghiệp không chỉ có việc tiếp cận vốn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây khoảng 11%, vì vậy khó khăn của bất động sản sẽ kéo theo nhiều ngành nghề khác. Nguồn cung năm 2022 chỉ bằng khoảng một nửa so với năm trước đó. Khan hiếm cung, cộng với giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cao, riêng mặt hàng thép có lúc tăng tới 30%, đã khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Mới đây, đã có doanh nghiệp phải đề xuất phương án chuyển đổi hình thức hỗ trợ trực tiếp lãi suất vay ngân hàng cho khách hàng do gặp khó khăn về dòng tiền.
"Từ 2018 tới nay, việc cấp phép các dự án chậm hơn. Chủ đầu tư cũng đang bị đối mặt với các khó khăn liên quan tới chi phí đầu vào, chi phí đất gia tăng nên dẫn tới tổng chi phí đầu tư gia tăng hơn, giá khó đưa về mức hợp lý. Chúng ta trước nhất phải có thêm các dự án được phê duyệt", bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn- Savills Hà Nội cho biết.
Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định: "Sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa phải là quyết liệt. Về tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hay giải phóng mặt bằng rất khó khăn. Ngoài ra cũng phải cho doanh nghiệp và thị trường tự quyết định mức giá phù hợp với chi phí, doanh thu".
Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản là khó khăn về mặt pháp lý, thủ tục làm dự án. Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, trong số khoảng 700 dự án đang triển khai có tới hơn 140 dự án bị vướng mắc pháp lý.
"Chúng ta đang căng thẳng về vấn đề vốn, siết tín dụng… nhưng có nhiều vấn đề của bức tranh thị trường. Trong đó có vấn đề pháp lý, pháp lý chồng chéo sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Đơn vị tham gia trong quá trình phát triển thị trường họ cũng gặp khó khăn về thời gian", ông Huỳnh Phước Nghĩa - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chỉ rõ.
"Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi biết Thủ tướng đã lập Tổ công tác đặc biệt, giao cho Bộ Xây dựng làm thường trực. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn tổ công tác nắm được nhiều thông tin hơn, xử lý quyết liệt hơn nữa chắc sẽ gỡ vướng được khó khăn của các dự án, nhất là các dự án đã tồn tại một thời gian, cần xử lý. Tất nhiên ngân hàng phải giữ an toàn cho toàn hệ thống, nhưng cũng cần có sự cân bằng, chia sẻ lại lợi ích của ngân hàng và các doanh nghiệp nói chung. Rất mong có sự điều chỉnh lãi suất sớm", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần GP Invest cho biết.
Với định hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền, phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để biến các dự án thành hiện thực, các khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý cần sớm có lời giải.
Như vậy, những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay xoay quanh vấn đề nguồn vốn, tín dụng và chính sách, pháp lý. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có những chính sách điều tiết kịp thời như là thành lập Tổ công tác để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Dự kiến vào cuối tuần này, hội nghị về thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững sẽ diễn ra với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành. Để chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. Gói này sẽ cho vay với cả chủ đầu tư và người mua nhà.
(Theo VTV)