Bảo đảm chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống cho người có đất bị thu hồi

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/3/2023 | 7:27:29 AM

YênBái - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng có nhiều nội dung đang thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân như: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giá đất, bảng giá đất; tài chính về đất đai; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai…; đặc biệt là “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa nội dung “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Người dân xã Văn Phú, thành phố Yên Bái tham gia ý kiến về việc hợp pháp hóa và chuyển mục đích sử dụng đất.
Người dân xã Văn Phú, thành phố Yên Bái tham gia ý kiến về việc hợp pháp hóa và chuyển mục đích sử dụng đất.

Chương VII dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người bị thu hồi đất, cụ thể tại Điều 89 dự thảo Luật thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến đời sống của người dân khi Nhà nước thu hồi đất, từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống và sản xuất. 

Theo đó, Khoản 2 Điều 89 dự thảo Luật đã quy định: "Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Theo đó, vấn đề người dân quan tâm là khi Luật có hiệu lực thi hành thì hiểu và thực hiện quy định này như thế nào và thế nào là chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ?

Để thể chế hóa được nội dung này theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 18-NQ/TW, trên cơ sở thực tiễn áp dụng của Luật 2013 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo Luật gia Hà Thị Bàn thì nội dung Khoản 2 Điều 89 dự thảo Luật nếu thể chế hóa trong Luật thì chỉ mang tính định khung. Do đó, phải cần thiết được cụ thể hóa bằng văn bản dưới luật, đó là nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. 

Đồng thời, ngay từ thời điểm lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện tại, Quốc hội cần chỉ đạo Chính phủ giao cho bộ chuyên ngành xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ có hiệu lực thi hành cùng thời điểm có hiệu lực với Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Nghị định cần xác định cụ thể phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng để quy định rõ đối tượng nào, điều kiện hoàn cảnh như thế nào để được áp dụng theo Khoản 2 Điều 89 của dự thảo Luật. 

Về giá bồi thường đối với đất bị thu hồi luôn là vấn đề nhạy cảm, nên cần có quy định trong nghị định về việc đối thoại hoặc thỏa thuận giữa người có đất bị thu hồi với cơ quan có thẩm quyền và tổ chức, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ quyết định giá đất cụ thể cho phù hợp và bảo đảm lợi ích của người dân trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. 

Bên cạnh đó, cũng cần xác định đầy đủ giá trị đền bù cho thiệt hại của người dân thuộc diện tái định cư, nhất là những thiệt hại khách quan, giúp người dân có điều kiện ổn định và yên tâm sinh sống tại nơi ở mới.

Một vấn đề quan trọng nữa là cần xây dựng các tiêu chí trong nghị định về khu tái định cư. Cụ thể là, cần giao việc xây dựng các tiêu chí đánh giá về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở khu tái định cư cho một cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể. 

Theo đó, phương thức thực hiện xây dựng các tiêu chí là: trước khi thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chủ trương thu hồi đất và thiết lập khu tái định cư, cơ quan thẩm quyền hoặc giao chủ đầu tư dự án khảo sát, điều tra thông tin, đánh giá về giá đất, xác định tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, tiêu chí về hạ tầng xã hội của khu vực đất bị thu hồi để xây dựng khu tái định cư đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. 

Cụ thể, về hạ tầng kỹ thuật bao gồm các tiêu chí: điện, đường, trường, trạm; hệ thống cung cấp nước và hệ thống xử lý rác thải, nước thải, hệ thống viễn thông. Các tiêu chí này phải được thiết lập sao cho phù hợp với hạ tầng kỹ thuật đô thị đối với việc thu hồi đất đô thị, hạ tầng kỹ thuật nông thôn đối với thu hồi đất nông thôn. 

Đặc biệt, các tiêu chí cần đảm bảo tại khu tái định cư như điện để chiếu sáng, phục vụ sản xuất, sinh hoạt; đường gồm hệ thống cầu, đường phục vụ giao thông đường bộ; trường gồm hệ thống các trường học công lập, dân lập, bán công; trạm gồm các trạm xá đến bệnh viện các cấp; hệ thống xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp; hệ thống cung cấp nước; hệ thống thông tin liên lạc, mạng điện thoại, Internet, sóng phát thanh - truyền hình. 

Đối với hạ tầng xã hội, ngoài bao gồm các tiêu chí của hạ tầng kỹ thuật thì hạ tầng xã hội còn có các tiêu chí như: công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và công trình khác như: các dịch vụ công cộng như phòng cháy chữa cháy, bệnh viện, công an, trường học; các công trình quảng trường, công viên, cây xanh, mặt nước. 

Đây là các tiêu chí quan trọng và cần thiết đưa vào Nghị định để chủ đầu tư dự án thực hiện quy hoạch, xây dựng khu tái định cư. 

Có như vậy, mới có thể tạo ra môi trường dịch vụ tốt nhất cho người dân trong khu vực tái định cư, đảm bảo người dân có đất bị thu hồi có "Nơi ở mới bằng nơi ở cũ” hoặc "Nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”. Ngoài ra, cũng cần có quy định về trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức chính trị - xã hội… để kịp thời phát hiện những thiếu sót, tiêu cực trong thực hiện dự án tái định cư. 

Mặt khác, để đảm bảo thu nhập cho người có đất bị thu hồi thì vấn đề đào tạo nghề, tạo việc làm là nhu cầu quan trọng và cần thiết. Do đó, cần quy định trong nghị định về việc thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi. Có phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm để người bị thu hồi đất nói chung và người bị thu hồi đất là đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng có sinh kế ổn định, bảo đảm thu nhập và phải có nhiều phương án để người dân lựa chọn. 

Nếu người dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp, nếu có quỹ đất thì phải được giao đất ngay và phải phù hợp với tập quán sản xuất, sinh kế của người bị thu hồi đất. Nếu chuyển nghề phi nông nghiệp thì việc đào tạo, dạy nghề phải gắn với nhu cầu thị trường địa phương chứ không nên dạy nghề và thị trường địa phương không có nhu cầu hoặc ít nhu cầu. Vì vậy, cần xây dựng và thực hiện các dự án đào tạo nghề cho người dân ở khu vực bị thu hồi đất trong địa bàn của địa phương. 

Vấn đề này, cần nên quy định cụ thể trong nghị định, giúp người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đặc biệt, nghị định cũng cần phải có quy định về an sinh xã hội của người dân có đất bị thu hồi khi đến sinh sống tại nơi ở mới tái định cư như: việc làm, thu nhập và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế…); bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin... 

Có như vậy, sau thu hồi đất và tái định cư, người dân mới đảm bảo điều kiện sống tốt hơn, sinh kế tốt hơn, đồng thời giảm tối đa các khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai.

Thanh Hương - Nhật Quang

Tags Yên Bái Luật Đất đai (sửa đổi) thu hồi đất tái định cư

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục