Cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/3/2023 | 8:11:49 AM

YênBái - Thời gian qua, việc triển khai Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thu hút được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Dưới đây là một số ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

■ Bà Lê Thị Hoài - Kiểm soát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái: 



Tại Điều 225 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho Tòa án nhân dân giải quyết, UBND các cấp không giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết. 

Việc quy định như trên để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp, đảm bảo tính nghiêm minh, thống nhất của pháp luật, một việc chỉ giao cho một cơ quan giải quyết, phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp của Nhà nước, thông lệ luật pháp quốc tế. Với thực tế kiểm sát việc giải quyết tranh chấp về đất đai hiện nay, chúng tôi cho rằng vẫn nên giữ quy định hiện hành đối với trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì được lựa chọn cơ quan giải quyết là Tòa án nhân dân hoặc UBND.

Bởi vì giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND các cấp là biện pháp hợp lý để tháo gỡ những mâu thuẫn về tranh chấp đất đai trên cơ sở thỏa thuận. Việc hòa giải tại cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt tạo sự thống nhất giữa các bên và hạn chế tốn kém, kéo dài thời gian, thuận lợi hơn cho các bên có tranh chấp. Mặt khác, Nhà nước là chủ thể quản lý đất đai, vì vậy việc tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy tờ để UBND giải quyết là phù hợp với chức năng quản lý đất đai của Nhà nước.

■ Ông Hoàng Mạnh Hùng - Chi hội Luật gia Ban Nội chính Tỉnh ủy:



Đối với quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp "quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm” được nêu tại Điều 36 dự thảo Luật Đất đai lần này đã bổ sung quyền đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm theo hướng người được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được quyền thế chấp, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất.

Đồng thời, Điều 50, dự thảo Luật đã quy định khi thực hiện quyền này phải đảm bảo các tiêu chí: Tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận, trừ trường hợp phải thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành hoặc kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra; ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp. 

Tôi thống nhất cao việc bổ sung quy định này, bởi việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp "quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm” sẽ góp phần khuyến khích việc thực hiện hình thức cho thuê đất thu tiền hàng năm, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước, góp phần thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết số 18 của Trung ương. 

Tuy nhiên, đây là quy định mới cần được cân nhắc, xem xét kỹ, đánh giá tác động của việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc thẩm định, quản lý và xử lý tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng…

■ Ông Trần Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Yên Bái:



Hiện nay, công tác đền bù, tái định cư và giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn trong việc bố trí tái định cư cho người dân. Do đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định cụ thể hơn về tái định cư cho người dân khi giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, khi thực hiện việc thu hồi và bồi thường tái định cư cho người dân cần phân định rõ giữa trường hợp thu hồi đất không có bồi thường và trưng mua quyền sử dụng đất có bồi thường, tái định cư. Điều này không chỉ góp phần minh định hai nhóm trường hợp mà còn nâng cao nhận thức của công chức thừa hành về quyền và lợi ích chính đáng của người có quyền sử dụng đất bị trưng mua.

■ Ông Đỗ Viết Khoa - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh:



Tại khoản 2, Điều 89 quy định: "Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Với quy định này thì chỉ có thể áp dụng đối với trường hợp thu hồi đất ở (nơi ở cũ), còn đối với trường hợp thu hồi các loại đất khác thì chưa có quy định. Trong khi đó, khi thu hồi đất nông nghiệp rất cần đảm bảo cho người nông dân có đất để trồng trọt, sản xuất hoặc có việc làm nếu không còn đất để canh tác…, nên đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, làm rõ hơn nội dung này.

Hồng Oanh 
(thực hiện)

Tags Yên Bái chính sách pháp luật đất đai dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục