Phó Tổng thống lâm thời Mali, Đại tá Assimi Goita hôm 25/5 đã tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước. Quốc tế tiếp tục đưa ra phản ứng quan ngại về tình hình Mali. Dự kiến, tối nay (26/5), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp kín về vấn đề này.
Phát biểu trên truyền hình, Cố vấn của Phó Tổng thống lâm thời Mali, ông Baba Cisse cho biết: Trong quá trình cải tổ nội các, Thủ tướng lâm thời đã đưa ra 1 danh sách các thành viên chính phủ mới đã được thống nhất với Tổng thống lâm thời; song không tham khảo ý kiến của Phó Tổng thống Assimi Goita – người chịu trách nhiệm về vấn đề quốc phòng, an ninh theo quy định. Do đó, hành động thay thế Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng An ninh của Tổng thống và Thủ tướng lâm thời đã vi phạm các điều khoản quy định của chính quyền chuyển tiếp, phá hoại quá trình chuyển đổi dân chủ. Do đó, những người này sẽ bị phế truất.
Ông Cisse nói: "Phó Tổng thống lâm thời không có lựa chọn nào khác ngoài việc can thiệp để bảo vệ các quy định của chính quyền chuyển đổi, gạt Tổng thống và Thủ tướng và những người có liên quan sang 1 bên. Phó Tổng thống lâm thời kêu gọi người dân tiếp tục công việc của mình và quá trình chuyển tiếp sẽ vẫn tiếp tục với kế hoạch bầu cử vào năm 2022 được giữ nguyên.”
Hiện các nước phương Tây đã lên tiếng chỉ trích hành động của giới chức quân đội bắt giữ các nhà lãnh đạo Mali. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gọi động thái này là "một cuộc đảo chính trong đảo chính”, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt nếu tình hình không được cải thiện. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ và Anh kêu gọi quân đội Mali thả tự do cho các nhà lãnh đạo ngay lập tức, đồng thời cho biết ủng hộ quá trình chuyển đổi chính trị phù hợp với Hiến pháp.
Một phái đoàn quan chức Khối Cộng đồng Kinh tế Tây Phi hôm 25/5 đã lên đường tới Mali để tìm hiểu tình hình cũng như hỗ trợ các bên Mali đối thoại. Khối này có vai trò rất quan trọng trong việc thành lập chính phủ lâm thời tại Mali hồi tháng 9/2020, sau cuộc đảo chính diễn ra thời điểm đó 1 tháng.
Hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi các bên Mali giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, đảm bảo hòa bình, ổn định và thống nhất Mali. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp hôm nay cũng tiến hành họp kín thảo luận về tình hình Mali. Phiên họp này do các nước Pháp, Niger, Tunisia, Kenya và Saint Vincent – Grenadines đề xuất và do Trung Quốc, nước giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 5 chủ trì tổ chức.
Trước đó, tối ngày 24/5, quân đội Mali đã bắt giữ Tổng thống lâm thời Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane và đưa đến căn cứ quân sự Kati, ngoại ô thủ đô Bamako. Đây cũng là nơi cựu Tổng thống Mali Keita bị đưa đến và ép từ chức hồi tháng 8 năm ngoái.Những diễn biến chính trị tại Mali hiện nay khiến thế giới không khỏi lo lắng về sự bất ổn vốn đã diễn ra nhiều năm nay với việc các nhóm khủng bố trỗi dậy.
(Theo VOV)