Vai trò của máy bay bị hạn chế đáng kể
Mặc dù Nga và Ukraine vẫn sử dụng máy bay chiến đấu, nhưng những vũ khí phòng không mà hai nước sở hữu chẳng hạn như hệ thống S-300 hay tên lửa vác vai Stinger, đã buộc các bên phải điều chỉnh chiến thuật, tiến hành các cuộc tấn công tầm xa thay vì điều máy bay trực tiếp hỗ trợ trên không cho tiền tuyến.
Tướng James Hecker, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE) ước tính Ukraine mất hơn 60 máy bay còn Nga mất hơn 70 chiếc. Hiện cả Nga và Ukraine chưa xác nhận thông tin này. Ông James Hecker cho rằng, không quân Nga và không quân Ukraine chắc chắn vẫn còn nhiều máy bay chiến đấu để sử dụng cho một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài.
"Vấn đề nằm ở chỗ hai bên đều rất thành công trong việc tích hợp các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, khiến vai trò của máy bay bị hạn chế đáng kể. Chúng khó phát huy tối đa lợi thế do sự cản trở của hệ thống phòng không và vì vậy, khó thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ trên không ở tầm gần”, ông James Hecker lưu ý.
Cảm biến hiện đại và tên lửa tầm xa cho phép máy bay Nga nhắm mục tiêu vào máy bay của Ukraine ở phía sau chiến tuyến để hạn chế hoạt động trên không của đối phương.
Trong khi đó, máy bay chiến đấu của Kiev vẫn tiếp tục tấn công các lực lượng Nga bằng tên lửa do phương Tây cung cấp. Các kỹ sư Mỹ đã phối hợp với không quân Ukraine tìm cách tích hợp tên lửa chống radar cho máy bay chiến đấu có từ thời Liên Xô của nước này, cho phép phi công Ukraine tấn công vào radar và hệ thống phòng không của Nga. Bên cạnh đó, Mỹ cũng chuyển giao những bộ kit mới cho phép máy bay của Ukraine sử dụng bom lượn chính xác cao JDAM- ER, cung cấp khả năng tấn công vượt trội so với những hệ thống vũ khí phóng từ trên không và trên mặt đất hiện có.
Sử dụng những vũ khí đó cùng các loại khí tài khác, lực lượng không quân Ukraine có thể thực hiện một vài cuộc tấn công mỗi ngày ở phạm vi xa hơn một chút so với tầm bắn của hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS.
Môi trường chiến đấu ngày càng khắc nghiệt hơn
Tướng Charles Brown, Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Mỹ cho rằng, việc quân đội Nga và Ukraine thiếu sự hỗ trợ trên không và sự xuất hiện dày đặc của các hệ thống phòng không trong cuộc xung đột này hoàn toàn khác biệt so với những gì quân đội Mỹ phải đối mặt trong các cuộc chiến gần đây.
"Dù không thể dự đoán những môi trường chiến đấu trong tương lai nhưng tôi cho rằng nó sẽ tiềm ẩn nhiều thách thức lớn hơn. Sự hỗ trợ trên không ở tầm gần trong các cuộc xung đột tương lai có thể sẽ hạn chế hơn so với các cuộc xung đột trong quá khứ, đặc biệt là ở Trung Đông - nơi chúng tôi ít chứng kiến các mối đe dọa từ trên không”.
Ngay từ khi đảm nhận vị trí đứng đầu Lực lượng không quân Mỹ vào tháng 8/2020, Tướng Brown đã cảnh báo rằng, những chiến trường tương lai sẽ tiềm ẩn nhiều thách thức và nguy hiểm hơn đối với lực lượng không quân. Ông đã công bố sáng kiến "Gấp rút thay đổi hoặc chấp nhận thua cuộc”, nhằm tìm cách thay thế các phi đội máy bay già cỗi và loại bỏ những khía cạnh không phù hợp với môi trường chiến đấu tương lai. Một trong những kế hoạch đầu tiên là loại bỏ cường kích A-10 Thunderbolt - dòng máy bay tấn công mặt đất được chế tạo vào những năm 1970 dành riêng cho nhiệm vụ hỗ trợ tầm gần.
Trước đây, Quốc hội Mỹ từng nhiều lần phản đối kế hoạch loại bỏ cường kích A-10 do lo ngại sẽ không có loại máy bay chuyên dụng tương tự để thay thế. Nhưng vào tháng 12/2022, các nhà lập pháp Mỹ đã cho phép không quân cho nghỉ hưu 21 chiếc đầu tiên vào năm 2023 và 260 chiếc còn lại vào những năm 2030.
Ông Brown cho rằng, tiến trình này có thể diễn ra nhanh hơn. Phát biểu với báo chí, ông cho biết: "A-10 là một máy bay rất tuyệt vời nhưng chỉ trong môi trường không có sự cạnh tranh. Thách thức với chúng ta là sẽ phải chiến đấu trong nhiều môi trường có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong tương lai. Hiện, quân đội nhiều nước trên thế giới rất ít quan tâm đến loại máy bay này vì nó chỉ là máy bay thực hiện một nhiệm vụ”.
Tướng Mark Kelly, người đứng đầu Bộ chỉ huy tác chiến trên không của Không quân Mỹ, chịu trách nhiệm giám sát đào tạo phi công cho biết, cách lực lượng không quân thực hiện hoạt động hỗ trợ tầm gần (CAS) trong tương lai có thể thay đổi, nhưng dù sao đi chăng nữa thì việc chiếm ưu thế trên không sẽ mang lại rất nhiều lợi thế trên chiến trường.
Ông Kelly cho rằng, các cuộc giao tranh tại Ukraine trong những tháng gần đây đã biến thành những trận đấu pháo ác liệt gây thương vong nặng nề cho cả hai bên. Sở dĩ cả Nga và Ukraine đều chịu tổn thất lớn là vì không bên nào giành được ưu thế trên không hoặc triệt hạ hệ thống phòng không của đối phương.
(Theo VOV)