Ngày 18/3, Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi Bheki Cele đã kêu gọi lực lượng cảnh sát cần kiên quyết thực thi pháp luật nếu phải đối đầu với các thành phần quá khích trong cuộc biểu tình do đảng đối lập Những chiến binh vì tự do kinh tế (EFF) khởi xướng, dự kiến diễn ra vào ngày 20/3 trên toàn quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, phát biểu với các sỹ quan cảnh sát ở tỉnh KwaZulu-Natal, nơi ông Cele đang có chuyến thị sát công tác chuẩn bị cho việc đối phó với một cuộc biểu tình có nguy cơ trở thành bạo loạn, ông Cele cảnh báo các sỹ quan nỗ lực tránh để xảy ra tình trạng bất ổn như vào tháng 7/2021.
Ở thời điểm đó, một cuộc biểu tình trên diện rộng nổ ra ở tỉnh KwaZulu-Natal để phản đối việc tòa án tối cao phán cựu Tổng thống nước này Jacob Zuma phải ngồi tù do coi thường tòa án.
Cuộc biểu tình sau đó lan sang tỉnh Gauteng, nơi có thủ đô hành chính Pretoria và trung tâm kinh tế lớn Johannesburg, và nhanh chóng trở thành bạo loạn, cướp bóc, gây hoảng loạn trên khắp đất nước.
Chỉ trong 8 ngày của vụ bạo loạn, hơn 350 người đã thiệt mạng, buộc khoảng 25.000 binh sỹ đã được triển khai để hỗ trợ cảnh sát.
Khoảng 5.500 người đã bị bắt sau đó. Đây được gọi là vụ bạo lực tồi tệ nhất mà Nam Phi từng trải qua kể từ khi kết thúc chế độ Apartheid năm 1994.
Để sẵn sàng ứng phó với cuộc biểu tình dự kiến trong ngày 20/3, Bộ trưởng Cele nhấn mạnh cảnh sát sẽ bắt giữ bất kỳ đối tượng nào vi phạm pháp luật.
Trước đó, Chủ tịch EFF Julius Malema đã phát động cuộc biểu tình và đe dọa sẽ làm tê liệt mọi hoạt động tại các trường học, cơ quan, công sở và giao thông trên khắp đất nước trong ngày 20/3 nhằm kêu gọi chấm dứt việc cắt điện và đòi đương kim Tổng thống Cyril Ramaphosa từ chức.
Hôm 17/3, Tổng thống Ramaphosa đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc với những người lên kế hoạch làm tê liệt mọi hoạt động trong nước và nhấn mạnh rằng tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ sẽ không được dung thứ.
Phát biểu tại Phủ Tổng thống, ông Ramaphosa cho biết mặc dù quyền biểu tình được quy định trong Hiến pháp, nhưng cách duy nhất để khiến ông bị phế truất là thông qua một cuộc bỏ phiếu chứ không phải âm mưu lật đổ chính phủ.
Cơ quan tình báo và đặc nhiệm quốc gia đã đưa ra các cập nhật về an toàn và an ninh trước cuộc biểu tình đồng thời cũng cho biết Lực lượng phòng vệ quốc gia Nam Phi (SANDF) cũng sẵn sàng hỗ trợ cảnh sát đảm bảo an ninh nếu cuộc biểu tình trở nên vượt tầm kiểm soát.
Lực lượng cảnh sát cũng sẽ được tăng cường tại các cảng xuất nhập cảnh trên cả nước. Trong khi đó, cơ quan an ninh cảnh báo khách du lịch cần dự phòng thêm thời gian, tính đến các biện pháp an ninh sẽ được áp dụng để đảm bảo an toàn và an ninh cho bất kỳ ai, kể cả khách du lịch.
Nhiều cơ quan, công sở và trường học đã tuyên bố đóng cửa trong ngày 20/3 để đảm bảo an toàn cho nhân viên và học sinh.
Nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và cảnh báo rủi ro tại Nam Phi TopixWorx cũng đã công bố danh sách những địa điểm có nguy cơ rủi ro cao gồm sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg (tỉnh Gauteng), sân bay quốc tế Cape Town (tỉnh Western Cape) và Cảng xuất khẩu than Richards Bay (tỉnh KwaZulu-Natal).
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Alan Waller, Giám đốc điều hành Tập đoàn khai thác cảng xuất khẩu than Richards Bay nói: "Ở giai đoạn này, tâm lý chung là mọi người đều đã sẵn sàng cho cuộc biểu tình. Tôi tin là không có nhiều người ủng hộ nó. Người dân muốn tiếp tục làm việc, chúng tôi muốn làm việc hiệu quả. Là một quốc gia, chúng ta thực sự không thể để mất một ngày hoạt động kinh tế. Và với tư cách là một cảng xuất khẩu than lớn nhất Nam Phi, chúng tôi đã áp dụng tất cả các biện pháp có thể để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ hoạt động cả ngày, chúng tôi sẽ bốc xếp các chuyến hàng và chúng tôi sẽ nhận các chuyến tàu. Rõ ràng là chúng tôi đã bảo vệ nó từ quan điểm của người sử dụng lao động để đảm bảo rằng không ai bị đe dọa dưới bất kỳ hình thức nào và mọi biện pháp an ninh cần thiết đã được áp dụng".
(Theo Vietnam+)