Hội nghị về Nước năm 2023 của Liên hợp quốc diễn ra vào thời điểm khủng hoảng liên quan đến nước chưa từng có: Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gây ra hạn hán và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng; nông nghiệp, khai khoáng và các ngành công nghiệp khác đang sử dụng gây ô nhiễm và nguồn nước ngày càng khan hiếm...
Được đồng tổ chức bởi Hà Lan và Tajikistan, Hội nghị về nước năm 2023 kéo dài 3 ngày (từ 22 đến 24-3) diễn ra tại New York (Mỹ) là hội nghị cấp cao đầu tiên sau 46 năm của Liên hợp quốc về vấn đề này. Hội nghị nhằm kêu gọi các quốc gia hợp tác với nhau để giải quyết tình trạng tiêu thụ nước quá mức, các ngành công nghiệp ngốn nước và khủng hoảng khí hậu.
Chương trình nghị sự đề ra một loạt cam kết hành động có ý nghĩa quan trọng, từ lựa chọn thực phẩm thông minh hơn cho tới việc đánh giá lại tài nguyên nước như một động lực kinh tế và là một phần di sản văn hóa của hành tinh. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh kết quả hội nghị với việc đưa ra một tầm nhìn chung đầy tham vọng; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hành động để điều chỉnh và bảo vệ nguồn tài nguyên nước nhằm ngăn chặn xung đột, bảo đảm sự thịnh vượng của thế giới trong tương lai.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, nước xứng đáng được đặt vào vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự chính trị toàn cầu và mọi hy vọng của nhân loại về tương lai phụ thuộc vào việc thế giới có thể đưa chương trình nghị sự nước vào cuộc sống theo hướng khoa học hay không.
Các đoàn tham dự hội nghị nhất trí rằng, tài nguyên nước là một phần của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đồng thời là một trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong bối cảnh thế giới đang chật vật ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước hiện nay. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu tham dự các phiên họp toàn thể và đặc biệt là phiên đối thoại về hợp tác nước. Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, ý kiến tham luận thiết thực, đóng góp vào thành công của hội nghị.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một phần tư dân số thế giới vẫn không được tiếp cận với nước uống an toàn trong khi một nửa thiếu điều kiện vệ sinh cơ bản và mặc dù có một số tiến bộ trong những năm gần đây, nhưng con số này có thể tăng lên do tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như lượng mưa lớn, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng.
Hội nghị về nước đầu tiên của Liên hợp quốc diễn ra tại Mar del Plata, Argentina, vào năm 1977. Đại diện của 118 quốc gia và vùng lãnh thổ đã họp trong 12 ngày và đưa ra Kế hoạch hành động Mar del Plata, trong đó khuyến nghị các quốc gia đạt được nước sạch và vệ sinh toàn cầu vào năm 1990 để tránh một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu vào cuối thế kỷ XX. Năm 2015, cộng đồng quốc tế đặt mục tiêu đến năm 2030 (theo Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc) cung cấp nước sạch cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, với tốc độ cải thiện hiện tại, 1,6 tỷ người vẫn thiếu nước uống an toàn tại nhà vào thời hạn cuối năm 2030.
Tiếp cận với nước là quyền cơ bản của con người; các nhu cầu cá nhân và sinh hoạt phải được ưu tiên hơn sử dụng trong công nghiệp và lợi nhuận. Hội nghị Nước Liên hợp quốc 2023 cho thấy quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế nhằm khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý báu này cho thế giới ngày nay và các thế hệ tương lai.
(Theo HNMO)