Dù cuộc bầu cử Thái Lan thu hút nhiều đảng phái tham gia, song có vẻ như đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha chỉ có hai đối thủ chính: tướng Prawit Wongsuwan của Đảng Palang Pracharat và Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, đại diện Đảng Pheu Thai.
Cạnh tranh với tướng Prawit
Tin tức trên báo chí Thái Lan hôm 26-3 tạo một chút cảm giác yên ổn. Ủy ban bầu cử nước này thông báo tổng cộng đã có 32.805 cử tri đã đăng ký đi bầu sớm.
Trên thực tế, cuộc bầu cử năm nay đang được khởi động trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa chính các tướng quân đội đang cầm quyền. Thủ tướng Prayut là người lãnh đạo các cuộc đảo chính lật đổ hai trào thủ tướng gia tộc Shinawatra - ông Thaksin và em gái Yingluck.
Ông Prayut đã gia nhập Đảng UTNP vào đầu năm nay, thay vì ứng cử trong thành phần Đảng Palang Pracharat (PPRP) cầm quyền.
Lý do của việc ông Prayut "bỏ" PPRP là do đảng này đã bị phân hóa đến mức vào đầu năm ngoái đã phải khai trừ đảng tới 21 đảng viên "gộc" đang đòi cải tổ mạnh mẽ đảng này, theo Thai Inquirer.
Việc Đảng PPRP phân hóa là tất yếu do sự "cạnh tranh" giữa tướng Prawit Wongsuwan với Thủ tướng Prayut.
Năm ngoái, tướng Prawit, lúc đó đang là lãnh đạo đảng này và đang giữ chức phó thủ tướng, muốn lên làm thủ tướng, thôi không hậu thuẫn ông Prayut trong cuộc bầu cử năm 2023 nữa, viện lẽ ông Prayut đã nắm quyền gần hết hai nhiệm kỳ "là đủ rồi".
Tuy nhiên, ông Prayut thấy vẫn còn một số công việc quan trọng chưa hoàn thành, và do đó muốn nắm quyền ít nhất hai năm nữa, cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào giữa năm 2025.
Vấn đề là tướng Prawit có lợi thế chính trị vì Đảng PPRP của ông, đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền, bao gồm nhiều nghị sĩ có kinh nghiệm, những người có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới với các chân rết chính trị mạnh mẽ của họ. Tướng Prawit cũng có nhiều đồng minh hùng mạnh hơn và ít kẻ thù chính trị hơn.
Điểm hấp dẫn của tướng Prawit là đã cố gắng tránh xa cuộc đảo chính năm 2014. Tháng 1 năm nay, ông ra một thư ngỏ thông báo đồng ý để cựu tướng quân đội Prayut "ra riêng". Ông Prayut cuối cùng đã bỏ Đảng PPRP để gia nhập một đảng mới thành lập có tên là Đảng Dân tộc Thái Thống nhất với tư cách là chiến lược gia trưởng và sẽ là ứng cử viên số 1 cho chức vụ thủ tướng trong cuộc bầu cử tháng tới.
Chuyện các tướng Prawit và Prayut "cạnh tranh" nhau chiếc ghế thủ tướng không phải là lần đầu ở đất nước mà cách đây đúng 100 năm đã trải qua cuộc chính biến đầu tiên gọi là Cuộc nổi loạn Boworadet, nhằm khôi phục chế độ quân chủ tuyệt đối mới bị kết liễu trước đó một năm bởi cuộc Cách mạng Xiêm La năm 1932, và đã từng trải qua 13 cuộc chính biến thành công và cả bất thành, mà vụ gần nhất là vào năm 2014.
Một trào Shinawatra thứ ba?
Thế nhưng, cuộc bầu cử tới đây sẽ có sự tham gia của một phụ nữ mang họ Shinawatra. Đó là Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ năm 2006, và là cháu gái của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị bãi chức thủ tướng năm 2014 bởi Tòa án Hiến pháp, với tội danh lạm quyền.
Bà Paetongtarn Shinawatra hôm 24-3 tuyên bố bà tự tin sẽ chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tới. Bà đang dẫn đầu tỉ lệ ủng hộ (38,2%) trong một cuộc thăm dò Viện Quản lý phát triển quốc gia (NIDA) công bố gần đây, trong khi đó tướng Prayut, người lên nắm quyền kể từ cuộc đảo chính năm 2014 chống lại chính phủ Pheu Thai, đang ở vị trí thứ ba với 15,65%.
Giải thích ưu thế của mình, ứng cử viên của gia tộc Shinawatra nói: "Thái Lan cần phải xử lý một số vấn đề, cần phải có những chính sách tốt để giảm gánh nặng cho dân chúng bớt khổ".
Trong quá khứ, cả ông Thaksin lẫn bà Yingluck từng bị tố cáo có sai phạm. Tuy nhiên trên bề nổi, vẫn có những chính sách nhắm đến những người dân nghèo. Chẳng hạn như những xe buýt không bán vé để người lao động đi làm. Hay như chính sách "Y tế 30 baht" được đưa ra bởi ông Thaksin, theo đó người dân chỉ phải "đồng chi trả" có 30 baht cho mỗi lần khám bệnh hay nhập viện...
Đã có những nghiên cứu về tác động của chính sách "30 baht" này. Limwattananon và cộng sự (2015) nhận thấy rằng do khoản đồng thanh toán cố định 30 baht, rủi ro chi phí y tế của hộ gia đình đã giảm 3/5. Về kết quả sức khỏe, do khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đặc biệt là đối với người nghèo, chương trình 30 baht giúp giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh từ 13 - 30%.
Thế nhưng chưa hẳn với một Shinawatra "đệ tam", Thái Lan sẽ ra khỏi chu kỳ bất ổn. Kinh nghiệm cho thấy đã từng có những cuộc bầu cử thành công, song lại không chấm dứt đối đầu. Bài học dân chủ 100 năm qua với hơn một chục cuộc chính biến ở xứ chùa vàng cũng rút ra được vài ý nghĩa.
(Theo TTO)