Đài RT (Nga) dẫn lời ông Kaminski cho biết Ba Lan đã bắt đầu xây dựng hàng rào điện tử ở biên giới với vùng Kaliningrad của Nga từ sáng hôm 18/4.
"Đó sẽ là một bức tường vô cùng hiện đại, giống như ở biên giới với Belarus. Rất nhiều máy quay giám sát ngày và đêm, cùng cảm biến chuyển động,” Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan nói.
Theo ông Kaminski, khi việc xây dựng hàng rào hoàn thành vào khoảng mùa thu tới, chính quyền Ba Lan sẽ có thể "giám sát đầy đủ” khu vực biên giới với Nga và có khả năng "chuẩn bị hoàn hảo” để đối phó với mọi hoạt động bất hợp pháp. Ông tuyên bố: "Đây sẽ là biên giới an toàn nhất của Liên minh châu Âu (EU).”
Trước đó, Warsaw tuyên bố nước này sẽ xây dựng hàng rào thép gai ở biên giới với Nga vào tháng 11 năm ngoái. Các quan chức tuyên bố cần phải ngăn chặn những người di cư bất hợp pháp từ Trung Đông và châu Phi đến lãnh thổ Ba Lan sau khi bay đến Nga.
Vào thời điểm đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bình luận quyết định đó là vấn đề nội bộ của Ba Lan. Tuy nhiên, ông nói rằng "lịch sử luôn chứng minh sự ngớ ngẩn của các quyết định xây dựng tường rào biên giới, bởi vì trong nhiều năm hoặc qua nhiều thập kỷ, tất cả các bức tường này đều sụp đổ.”
Theo báo cáo tiến độ, tính đến tháng 3, quân đội Ba Lan đã hoàn thành dựng một nửa hàng rào dài khoảng 200km, có 3 hàng dây thép gai, mỗi hàng cao 2,5 mét và rộng 3 mét. Giới chức cũng đang lắp đặt máy quay giám sát và cảm biến theo một phần dự án ban đầu.
Ba Lan, quốc gia thành viên EU, cũng đã xây tường ở biên giới với Belarus, đồng minh thân cận của Nga, để ngăn dòng người nhập cư trái phép vào nước này. Quá trình xây dựng được khởi công vào năm 2021 giữa cuộc khủng hoảng người di cư và hoàn thành vào tháng 6 năm ngoái.
Song dự án này đã bị các nhà môi trường chỉ trích. Họ cho rằng nó đe dọa động vật hoang dã trong rừng Belovezhsky (Bialowieza), một khu rừng rộng lớn thuộc quyền kiểm soát của cae hai quốc gia. Các nhà hoạt động môi trường cho biết hàng rào đã "cắt đôi” môi trường sống tự nhiên của động vật hoang dã.
Warsaw từng cáo buộc Moskva và Minsk sử dụng làn sóng người di cư như một phần của "chiến tranh lai”, nhằm gây bất ổn ở châu Âu. Khi căng thẳng leo thang vì xung đột Ukraine, Ba Lan lo ngại một cuộc khủng hoảng di cư tái diễn như hồi năm 2021.
Về phần mình, Belarus phủ nhận cáo buộc tạo điều kiện cho người di cư đi qua lãnh thổ để vào châu Âu. Minsk cũng đổ lỗi cho Ba Lan và EU về cuộc khủng hoảng nhân đạo khiến nhiều người di cư phải bỏ mạng trong các khu rừng dọc biên giới.
Ngoài Ba Lan, Phần Lan đã bắt đầu xây dựng rào chắn đầu tiên ở biên giới với Nga do lo ngại dòng người di cư từ quốc gia láng giềng. Động thái dựng rào chắn biên giới của Phần Lan diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi nước này gia nhập NATO, từ bỏ chính sách không liên minh quân sự kéo dài hàng thập kỷ.
Cụ thể, hàng rào an ninh bằng lưới thép trang bị hệ thống giám sát bắt đầu được phía Phần Lan dựng lên ở biên giới với Nga hôm 14/4. Dự kiến tới cuối năm 2026, khoảng 200 km hàng rào sẽ được xây dựng tại những đoạn quan trọng nhất dọc biên giới hai nước.
Phần Lan có chung đường biên giới dài tổng cộng 1.300 km với Nga, nhưng có rất ít hoạt động của con người. Năm ngoái, Phần Lan chỉ phát hiện 30 vụ vượt biên, trong khi lực lượng biên phòng Nga ngăn chặn khoảng 800 người tìm cách vào lãnh thổ Phần Lan trái phép.
"Tình hình ở biên giới Phần Lan - Nga ổn định vào lúc này. Nhưng trong bối cảnh an ninh đã thay đổi hoàn toàn, Phần Lan phải có biện pháp kiểm soát biên giới đáng tin cậy và độc lập hơn, giảm phụ thuộc vào phía Nga", tướng biên phòng Phần Lan Jari Tolppanen nói.
Trước đó, phần biên giới này chỉ được ngăn cách bằng một hàng rào thấp, chủ yếu nhằm ngăn gia súc và vật nuôi đi lạc.
Tháng 7/2022, do lo ngại Nga có thể sử dụng dòng người di cư để gây áp lực chính trị, Phần Lan đã qua luật biên phòng sửa đổi, cho phép xây dựng hàng rào biên giới kiên cố hơn.
(Theo Tin tức)