Tại Đông Nam Á, một số nước ghi nhận mức nhiệt cao nhất lịch sử trong tuần này. Lào là quốc gia mới nhất có kỷ lục mới khi Luang Prabang nóng 42,7 độ C hôm 18/4, vượt qua kỷ lục cũ là 42,3 độ C tại Seno vào tháng 4/2016, theo nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera.
Sử dụng dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng Thái Lan, Herrera cho biết, Thái Lan chạm ngưỡng 45 độ C lần đầu tiên trong lịch sử vào cuối tuần qua. Cụ thể, thành phố Tak ở phía tây bắc đạt 45,4 độ C hôm 15/4. Nhiều nơi ở nước này đã ở mức trên dưới 40 độ C từ cuối tháng 3.
Đầu tháng này, các nhà chức trách Thái Lan phát cảnh báo sức khỏe với một số tỉnh khi chỉ số nóng bức (heat index) được dự báo lên tới 50,2 độ C tại quận Bang Na, thủ đô Bangkok. Chỉ số nóng bức là mức nhiệt theo cảm giác, tính đến cả độ ẩm lẫn nhiệt độ không khí. Hôm 18/4, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ lo ngại về "nhiệt độ cao nguy hiểm ở nhiều khu vực của Thái Lan" và cho biết tại Bang Na, mức nhiệt có thể lên tới 52,3 độ C.
Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất năm ở Nam Á và Đông Nam Á, nhiệt độ tăng cao trước khi xuất hiện những cơn mưa theo mùa. Tuy nhiên, nắng nóng ở Thái Lan còn đi kèm với khói mù khiến mức ô nhiễm tăng vọt. Thành phố du lịch nổi tiếng Chiang Mai được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong 7 ngày liên tiếp do khói từ cháy rừng và đốt cây trồng làm giảm chất lượng không khí. Ít nhất một bệnh viện trong thành phố cho biết, họ đã đạt "công suất tối đa" khi bệnh nhân đến điều trị các vấn đề hô hấp.
Myanmar lập kỷ lục nhiệt độ tháng 4 vào ngày 17/4 khi thị trấn Kalewa chạm mức 44 độ C, theo Herrera.
Nắng nóng cũng hoành hành tại Trung Quốc. Theo Herrera, hôm 18/4, nhiệt độ tại Nguyên Dương lên tới 42,4 độ C, chỉ cách 0,3 độ C so với kỷ lục nhiệt độ tháng 4 của cả nước. Hôm 17/4, hơn 100 trạm thời tiết ở 12 tỉnh ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ tháng 4, theo nhà khí hậu học Jim Yang.
Tại Nam Á, tình hình nắng nóng cũng rất nghiêm trọng, thậm chí gây chết người. Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Bangladesh đều ghi nhận mức nhiệt lên tới 40 độ C trong nhiều ngày.
Theo Cơ quan Khí tượng Ấn Độ, 48 trạm thời tiết đã ghi nhận mức nhiệt trên 42 độ C hôm 18/4, với mức cao nhất là 44,2 độ C ở bang Odisha, phía đông Ấn Độ. Tại bang Maharashtra ở phía tây, ít nhất 13 người chết do sốc nhiệt sau khi tham dự một lễ trao giải của bang ở thành phố Navi Mumbai ngày 16/4. Hơn 1 triệu người đã tham dự sự kiện và khoảng 50 - 60 người phải nhập viện.
Sóng nhiệt ở Ấn Độ thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 7, nhưng những năm gần đây, hiện tượng này trở nên gay gắt hơn, thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Năm ngoái, Ấn Độ hứng chịu một đợt sóng nhiệt dữ dội, nhiều khu vực nóng tới hơn 49 độ C.
Giới khoa học nhận định, khi tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra trở nên trầm trọng hơn và nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng, các đợt sóng nhiệt sẽ trở nên phổ biến hơn. Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Đại học Harvard và Đại học Washington đăng trên tạp chí Communications Earth and Environment năm 2022, các đợt sóng nhiệt nguy hiểm sẽ xuất hiện thường xuyên hơn gấp 3 - 10 lần vào năm 2100.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra, ở vùng nhiệt đới, bao gồm phần lớn châu Á, người dân có thể tiếp xúc với mức nhiệt nguy hiểm hầu hết các ngày trong năm. Những ngày có nhiệt độ ở mức cực kỳ nguy hiểm - chạm ngưỡng 51 độ C - có thể tăng gấp đôi, thách thức giới hạn về khả năng sinh tồn của con người.
Tình trạng nắng nóng gay gắt tại Nam Á và Đông Nam Á dự kiến vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, nhiều nơi ở Trung Quốc có thể mát mẻ hơn vì nhiệt độ dự kiến giảm từ mức khoảng 10 độ C trên trung bình xuống 10 độ C dưới trung bình vào cuối tuần này.
(Theo VnExpress)