"Trung Quốc phản đối thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Syria. Chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia liên quan dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương, bất hợp pháp nhằm vào Syria", theo thông cáo công bố sau cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 22/9 ở Hàng Châu.
Ông Tập khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Syria tái thiết nền kinh tế và đối phó với những thách thức trong nước. Ông Tập đánh giá việc Trung Quốc và Syria thiết lập quan hệ đối tác chiến lược "trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ song phương".
"Quan hệ hai nước đã vượt qua thử thách của những thay đổi trên trường quốc tế", ông Tập nói. "Tình hữu nghị giữa hai nước được củng cố theo thời gian".
Đây là lần đầu tiên ông Assad đến thăm Trung Quốc từ năm 2004. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói "chúng tôi tin rằng chuyến thăm của Tổng thống Assad sẽ làm sâu sắc thêm sự tin cậy chính trị lẫn nhau và hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa hai nước".
Cuộc gặp với ông Tập được đánh giá là cú hích cho nỗ lực trở lại chính trường quốc tế của Tổng thống Assad hơn một thập kỷ sau khi chiến sự tại Syria bùng nổ.
Chính phủ của Tổng thống Assad đã tái kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria, thiết lập lại quan hệ với các nước láng giềng Arab từng hậu thuẫn phiến quân. Syria trở lại Liên đoàn Arab, tổ chức các nước khu vực Trung Đông, vào tháng 5.
Phương Tây áp các lệnh trừng phạt ngày càng nặng nề nhằm vào Syria sau khi chiến sự tại quốc gia Trung Đông bùng phát năm 2011. Mỹ là nước áp lệnh trừng phạt mạnh nhất nhằm vào Syria, khi cấm gần như toàn bộ giao dịch và quan hệ tài chính giữa hai nước.
Mỹ cũng cấm tái xuất khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa, phần mềm, công nghệ và dịch vụ của nước này đến Syria, trừ viện trợ nhân đạo gồm lương thực và thuốc men, cũng như cấm ngân hàng và công ty nước ngoài dùng hệ thống tài chính Mỹ để xử lý giao dịch với Syria.
Liên minh châu Âu (EU) và Anh cũng có những lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân, tổ chức tại Syria mà họ là liên quan "nội chiến hoặc vi phạm nhân quyền", cũng như cấm xuất khẩu một số hàng hóa và công nghệ nhất định.
Giới phân tích cho rằng Syria đang cần đầu tư nước ngoài để tái thiết hạ tầng và công nghiệp. Tình hình kinh tế khó khăn đã châm ngòi một số cuộc biểu tình ở miền nam Syria với thông điệp phản đối chính phủ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể chưa muốn vội vã đầu tư vào Syria vì rủi ro an ninh và rắc rối pháp lý. Các lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua Đạo luật Ceasar 2020 cho phép chính phủ Mỹ đóng băng tài sản của mọi cá nhân và tổ chức làm ăn với Syria.
(Theo VnExpress)