Tuy nhiên, WFP sẽ tiếp tục hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng trong trường hợp khẩn cấp và thiên tai thông qua các biện pháp can thiệp khẩn cấp.
Đây là lần thứ bảy WFP tuyên bố cắt giảm viện trợ cho Syria. Thông báo mới nhất là vào ngày 13-6 khi tuyên bố cắt giảm hỗ trợ lương thực cho khoảng 2,5 triệu người, giảm so với mức 5,5 triệu trước đó, với lý do khủng hoảng tài chính.
Người phát ngôn của WFP cho biết: "WFP hiện đang ở một bước ngoặt quan trọng tại Syria, đòi hỏi phải có những quyết định khó khăn”.
Tuyên bố cho biết, cách tiếp cận mà WFP đang theo đuổi là cung cấp lượng thực phẩm nhỏ hơn để cố gắng tiếp cận nhiều người hơn. Mặc dù vậy, nguồn lực vẫn không đủ, khiến chương trình phải đánh giá lại cách tiếp cận hỗ trợ lương thực ở Syria.
Theo đó, WFP thông báo rằng, trong số các chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ, có chương trình hỗ trợ sinh kế cho các gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng với các biện pháp can thiệp hỗ trợ hệ thống thực phẩm địa phương.
Tuyên bố cho biết: "Bắt đầu từ năm 2024, mục tiêu của chương trình là chuyển từ hỗ trợ chung trên diện rộng sang viện trợ có mục tiêu hơn, hướng các nguồn lực hạn chế một cách hiệu quả hơn đến những người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng”.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc ước tính, vùng Tây Bắc Syria là nơi sinh sống của 4,5 triệu người, trong đó 1,9 triệu người sống trong các trại dành cho người phải di tản.
Yasmin Alhamou, một bà mẹ 23 tuổi có 3 con sống ở một khu vực nông thôn, cho biết: "Quyết định cắt giảm hỗ trợ của WFP đã khiến chúng tôi suy sụp tâm lý và sẽ tạo gánh nặng tài chính vì không đủ khả năng mua thực phẩm”.
Số gia đình ở Tây Bắc Syria sống dưới mức nghèo khổ đang gia tăng nhanh chóng và con số này lên tới 91,1% vào cuối năm nay. Các gia đình phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực đã tăng lên 40,78%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung đã lên tới 88,74%.
Việc giảm viện trợ nhân đạo vào Syria kể từ tháng 7 đã khiến giá cả tăng cao. Ngoài ra, tỷ giá hối đoái của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ được sử dụng trong khu vực tăng vọt đã dẫn đến mức tăng giá từ 14-66% đối với nhiều loại hàng hóa.
"Việc Liên hợp quốc ngừng hỗ trợ cho người dân trong khu vực sẽ làm suy yếu sức mua, buộc các nhà cung cấp và nhà đầu tư phải giảm sản xuất và đầu tư, dẫn đến thương mại sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp và mức nghèo đói gia tăng”, Hayan Hababa, chuyên gia kinh tế đến từ thành phố Idlib nhận định rằng, khu vực này tiếp tục trải qua tình trạng suy thoái kinh tế do thiếu hụt tài nguyên và giá cả tăng cao do làn sóng lạm phát toàn cầu gây ra.
(Theo HNMO)