"Ukraine đã lãng phí cơ hội có được một bước ngoặt thuận lợi như vậy. Bất kỳ thỏa thuận nào có thể đạt được bây giờ cũng sẽ chỉ phản ánh sự đầu hàng của họ", Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyanskiy hôm 16/12 bình luận.
Ông Polyanskiy dường như đề cập đến thỏa thuận sơ bộ giữa Nga và Ukraine tại vòng hòa đàm diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3/2022.
"Mọi người đều biết rằng, thỏa thuận đó do chính các nhà đàm phán của Ukraine đưa ra. Và cũng nhiều người biết rằng, Mỹ và Anh đóng vai trò trực tiếp trong việc thuyết phục chính quyền Ukraine từ bỏ thỏa thuận", ông nói.
Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Hai bên đã đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ngay sau đó và gần như đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 3/2022. Tuy nhiên, Kiev bất ngờ rút lại thỏa thuận, ngừng đàm phán với Nga.
Moscow nhiều lần cáo buộc phương Tây, đặc biệt là Anh, đã hối thúc Ukraine hủy bỏ thỏa thuận và tiếp tục chiến đấu chống lại Nga.
Người đứng đầu nhóm đàm phán hòa bình của Moscow, Vladimir Medinsky, cũng cho biết Kiev có thể đã chấm dứt xung đột vào tháng 4/2022 bằng cách công nhận nền độc lập của Donbass (miền Đông Ukraine) và công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga. Tuy nhiên phương Tây đã dập tắt khả năng này.
"Trong số những yêu cầu không thể thương lượng của chúng tôi là công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, công nhận độc lập của các nước cộng hòa vùng Donbass", ông Medinsky nói và nhấn mạnh thêm rằng "Nga chưa bao giờ đặt mục tiêu là chinh phục Ukraine" và mục tiêu chính của chiến dịch quân sự đặc biệt là bảo vệ những người dân thường nói tiếng Nga.
Tháng trước, trưởng phái đoàn Ukraine tham gia đàm phán ở Istanbul David Arakhamia nói rằng Moscow từng đề xuất chấm dứt chiến sự nếu Kiev cam kết duy trì trung lập và không gia nhập NATO.
Ông Arakhamia cũng tiết lộ, thời điểm đó, một số đồng minh phương Tây đã khuyên Kiev không chấp nhận thỏa hiệp vì Moscow không đưa ra những đảm bảo an ninh thực chất. Những nước này cho rằng Kiev nên tiếp tục chiến đấu để giành ưu thế trên chiến trường, từ đó chiếm ưu thế trên bàn đàm phán với Nga.
Tuy nhiên, gần hai năm kể từ khi xung đột nổ ra, chiến sự chưa có dấu hiệu lắng xuống. Theo Moscow, Ukraine ngày càng rơi vào tình thế khó khăn. Sau cuộc phản công mùa hè bất thành, Ukraine đang chật vật thuyết phục đồng minh duy trì viện trợ để đảm bảo nguồn lực cho cuộc xung đột.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 15/12 cho biết, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã đề cập với ông về khả năng đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Ông nhấn mạnh, Nga luôn sẵn sàng đàm phán, miễn là các bên tôn trọng lợi ích cốt lõi của Moscow.
"Tôi không muốn nêu tên, nhưng một số lãnh đạo cấp cao phương Tây, trong đó có một nhà lãnh đạo rất nổi tiếng, thông qua ít nhất 3 kênh liên lạc để gửi tín hiệu rằng tại sao chúng ta không gặp nhau và nói về những việc cần làm với Ukraine và an ninh châu Âu", ông Lavrov nói.
(Theo Dân Trí)