Sắc lệnh đặt ra mức giá yêu cầu các công ty dược phẩm thực hiện trong vòng 30 ngày tới, và chính phủ sẽ có hành động tiếp theo để giảm giá nếu những công ty này không đạt được "tiến bộ đáng kể” trong thực hiện mục tiêu đề ra.
Các nhà đầu tư, nhà phân tích và chuyên gia về định giá thuốc đánh giá sắc lệnh này không nghiêm trọng như lo ngại trước đó, đồng thời bày tỏ hoài nghi về tính khả thi.
Giá cổ phiếu của các công ty dược vốn đã giảm do lo ngại về chính sách "tối huệ quốc” đã phục hồi và tăng trở lại trong ngày 12/5.
Tại một cuộc họp báo, ông Trump tuyên bố chính phủ sẽ áp thuế nếu giá thuốc tại Mỹ không ngang bằng với các quốc gia khác, đồng thời ông hướng đến mức cắt giảm từ 59% - 90%.
"Giá thuốc phải được cân bằng. Mọi người nên trả cùng một mức giá”, ông Trump nói.
Mỹ hiện là quốc gia có mức giá thuốc kê đơn cao nhất thế giới, thường cao gần gấp 3 lần so với các quốc gia phát triển khác. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng cố gắng điều chỉnh mức giá này nhưng bị tòa án ngăn chặn.
Đề xuất giảm giá thuốc của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh ông đang nỗ lực thực hiện cam kết đưa ra lúc tranh cử nhằm kiểm soát lạm phát và giảm giá một loạt mặt hàng thiết yếu với người dân Mỹ, từ trứng đến xăng xe.
Ông Trump cho biết sắc lệnh này phần nào bắt nguồn từ cuộc trò chuyện với một người bạn đã tiêm một loại thuốc giảm cân với giá 88 USD tại London, trong khi cùng loại thuốc đó tại Mỹ có giá lên đến 1.300 USD.
Nếu các công ty dược không đáp ứng yêu cầu của chính phủ, chính quyền sẽ ban hành quy định để đưa giá thuốc về mức quốc tế và xem xét một loạt biện pháp khác, bao gồm nhập khẩu thuốc từ các quốc gia phát triển và áp hạn chế xuất khẩu.
Sắc lệnh cũng yêu cầu chính phủ xem xét triển khai các chương trình bán thuốc trực tiếp đến tay người tiêu dùng với giá tương đương các quốc gia khác.
Các hiệp hội đại diện cho ngành công nghệ sinh học và dược phẩm chỉ trích động thái này.
"Việc nhập khẩu giá thuốc từ các quốc gia sẽ là một thỏa thuận tồi cho bệnh nhân và người lao động Mỹ. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc có ít phương pháp điều trị và chữa bệnh hơn, đồng thời đe dọa hàng trăm tỷ đô la mà các công ty thành viên của chúng tôi đang có kế hoạch đầu tư tại Mỹ”, ông Stephen Ubl, CEO của tổ chức PhRMA, tuyên bố.
Ông Ubl cho rằng nguyên nhân thực sự khiến giá thuốc ở Mỹ cao là do "các quốc gia khác không trả phần chi phí công bằng của họ và những khâu trung gian làm đội giá thuốc ở Mỹ”.
Sắc lệnh cũng yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) kiểm tra và phát hiện những hành vi phản cạnh tranh của các công ty dược.
Tại một buổi họp báo, một quan chức Nhà Trắng đã chỉ ra các chiến thuật mà ngành dược phẩm sử dụng để ngăn chặn cạnh tranh, như thỏa thuận với các công ty sản xuất thuốc tương đương biệt dược nhằm trì hoãn việc đưa thuốc giá rẻ ra thị trường.
Theo các chuyên gia về luật, sắc lệnh hành pháp này dự kiến sẽ đối mặt với việc kiện tụng, vì nó vượt quá giới hạn được pháp luật Mỹ cho phép, bao gồm việc nhập khẩu thuốc từ nước ngoài.
"Gợi ý về việc nhập khẩu trực tiếp cho người tiêu dùng vượt quá rất nhiều so với những gì luật hiện hành cho phép”, luật sư chính sách y tế Paul Kim cho biết.
(Theo TPO)