Giá dầu sẽ lên tới đâu?
- Cập nhật: Thứ tư, 30/4/2008 | 12:00:00 AM
Giữa lúc giá dầu liên tiếp lập kỷ lục thì Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) lại bắn đi một thông điệp gây lo ngại.
Dân Mỹ biểu tình đòi chính phủ đối phó với giá dầu tăng cao - Ảnh: AFP
|
Giá dầu thô giao dịch tại Mỹ hôm 28.4 đã lên tới mức kỷ lục 119,9 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tại Anh cũng đạt đỉnh 117,51 USD/thùng, theo Hãng tin BBC. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô trên thế giới đã tăng 25%. Có nhiều nguyên nhân khiến giá dầu tăng nhanh. Đầu tiên phải kể đến là sự sụt giá của USD. Sự xuống dốc của đồng tiền này đã khiến cho dầu lửa trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tình hình an ninh bất ổn, những mâu thuẫn chính trị trên thế giới cũng góp phần đẩy giá dầu lên. Có thể kể ra ở đây là quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Iran, Syria, các vụ tấn công bạo lực của quân nổi loạn nhằm vào hệ thống khai thác dầu ở đồng bằng Nigeria khiến một loạt cơ sở phải đóng cửa. Cuối tuần trước, việc Tập đoàn BP đóng cửa một đường ống lớn ở Biển Bắc do nhân viên đình công đã góp phần đẩy giá dầu lên. Mùa bão Đại Tây Dương đang đến gần cũng là một nguyên nhân nữa. Trong khi nền kinh tế và chính trị thế giới diễn biến đáng lo ngại thì OPEC vẫn không tăng sản lượng dầu. Hôm thứ hai vừa qua, OPEC đã phát đi thông điệp khiến cả thế giới lo ngại. Phát biểu trên Báo El Moudjahid của Algeria, Chủ tịch OPEC Chakib Khelil nói rằng không loại trừ khả năng giá dầu sẽ lên mức 200 USD/thùng. "Về cơ bản, dự trữ dầu hiện rất cao, cán cân cung - cầu không quá chênh lệch. Vì thế, nếu USD không mất giá và tình hình chính trị, an ninh không tồi tệ thì giá dầu không tăng cao như hiện nay. Giá dầu tăng cao là do sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ tác động tới nhiều nền kinh tế khác, tình hình này đẩy USD đi xuống. USD giảm giá 1% thì mỗi thùng dầu sẽ tăng 4 USD, và ngược lại", ông Khelil, cũng là Bộ trưởng Năng lượng và Hầm mỏ Algeria, phân tích. Ông nói thêm: "Tôi không cho rằng việc OPEC tăng sản lượng dầu sẽ làm giá hạ xuống". Có thể thấy ngay trong phát biểu của người đứng đầu OPEC những tín hiệu dự báo giá dầu sẽ còn tăng. Ông Khelil tập trung đổ lỗi tình trạng tăng giá hiện nay cho các vấn đề kinh tế, chính trị trong khi loại trừ yếu tố nguồn cung. Điều này cho thấy rõ lập trường không tăng sản lượng dầu của tổ chức này. Một khi OPEC không tăng cung, áp lực sẽ càng đè nặng lên các nền kinh tế lớn vốn ngốn rất nhiều dầu như Mỹ, Trung Quốc, EU... Thông điệp của ông Khelil cũng coi như là một câu trả lời đối với các nghị sĩ Mỹ, những người gần đây đã đe dọa sẽ buộc Nhà Trắng ngưng hỗ trợ quân sự cho một số thành viên OPEC nếu tổ chức này không nhượng bộ. Lập trường không đổi của OPEC, tình hình an ninh, chính trị, kinh tế thế giới không sáng sủa là "môi trường" tốt để giá dầu tiếp tục tăng. Và giá dầu tăng sẽ càng khiến cho cuộc khủng hoảng lương thực, giá cả hàng hóa toàn cầu thêm trầm trọng. (Theo Thanh Niên)
Các tin khác
Ngày 29-4, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon thông báo sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu hiện nay.
3 cơn lốc xoáy đã tràn qua Virginia, Mỹ vào hôm qua 28/4 khiến hàng loạt nhà cửa, xe cộ bị phá hỏng và hơn 200 người bị thương.
Ngày 28/4, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran, ông Saeed Jalili đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Valentin Sobolev về một kế hoạch trọn gói của Iran nhằm giải quyết các vấn đề của thế giới, trong đó có bế tắc hạt nhân giữa Iran với phương Tây.
Một vụ tai nạn tàu hỏa thảm khốc đã xảy ra vào sáng 28-4 ở làng Hà Gia, ngoại ô TP Tư Ba, tỉnh Sơn Đông miền Đông Trung Quốc, làm ít nhất 70 người chết và 416 người bị thương, trong đó có 70 người đang trong tình trạng nguy kịch.