80 tỉ USD chống khủng hoảng tài chính châu Á

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/5/2008 | 12:00:00 AM

Bộ trưởng tài chính 13 nước châu Á, bao gồm ASEAN, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc, vừa quyết định thành lập quĩ ngoại tệ trị giá 80 tỉ USD để sử dụng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính khu vực.

Một cậu bé Philippines ăn vội miếng cơm trong cuộc biểu tình chống giá thực phẩm tăng hồi tháng 3-2008.
Một cậu bé Philippines ăn vội miếng cơm trong cuộc biểu tình chống giá thực phẩm tăng hồi tháng 3-2008.

Hãng tin AFP dẫn nguồn tuyên bố chung của 13 nước cho biết Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đóng góp 80% quĩ, 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) chịu trách nhiệm 20% còn lại. Tuyên bố chung được đưa ra sau các cuộc đàm phán bên lề hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh cho biết trước mắt 13 nước sẽ bàn biện pháp quản lý quĩ. "Chúng tôi cho rằng việc có một hệ thống giám sát nghiêm ngặt là vô cùng quan trọng" - AFP dẫn lời ông Ninh khẳng định. Theo thỏa thuận, 13 nước dù cùng đóng góp vào quĩ nhưng cũng sẽ quản lý dự trữ riêng. Hiện các bên vẫn chưa quyết định mức độ đóng góp cụ thể của từng nước.

Hãng tin AP cho biết ADB dự báo nền kinh tế châu Á (trừ Nhật) sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao 7,6% trong năm 2008, bất chấp kinh tế Mỹ đang suy thoái. Tuy nhiên, đổi lại lạm phát khu vực cũng sẽ tăng lên tới 5,1%, mức cao nhất trong một thập niên qua. 

Tuyên bố chung khẳng định nền kinh tế khu vực đang tiếp tục tăng trưởng mạnh, tuy nhiên khu vực đang phải đối mặt với nguy cơ xuất phát từ cuộc khủng hoảng tín dụng quốc tế cũng như từ áp lực lạm phát do giá dầu, hàng hóa và thực phẩm tăng cao.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998), 13 quốc gia châu Á nhất trí cần phải thành lập hệ thống trao đổi tiền tệ song phương, được biết đến với tên "Sáng kiến Chiang Mai", để bảo vệ nội tệ của các nước trong khu vực khỏi nguy cơ khủng hoảng trong tương lai. Tháng 5-2007, các nước đã quyết định bỏ một phần dự trữ ngoại hối để thành lập hệ thống dự trữ đa quốc gia, nhưng chưa quyết định qui mô quĩ và thời gian thành lập.

Hãng tin Bloomberg bình luận sự xuất hiện của quĩ 80 tỉ USD cho thấy chính quyền các nước châu Á đang tìm biện pháp tránh sự phụ thuộc vào các tổ chức tài chính quốc tế như Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF). Những tổ chức này thường gây sức ép buộc các nước áp dụng chính sách kinh tế ngặt nghèo để đổi lấy viện trợ tài chính.

Ví dụ như Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc khi đó phải vay từ IMF hơn 100 tỉ USD để thúc đẩy tài chính do các nhà đầu tư bán tống bán tháo tiền ba nước này. IMF đã buộc chính quyền ba nước cắt giảm ngân sách mạnh mẽ, bán các công ty quốc doanh và tăng lãi suất ngân hàng. Theo AFP, việc thành lập quĩ chống khủng hoảng là bước tiến to lớn hướng tới thành lập một tổ chức tài chính châu Á có qui mô tương đương IMF.

(Theo TTO)

Các tin khác
Một con phố bị tàn phá bởi bão ở Myanmar.

Ngoại trưởng Myanmar Nyan Win ngày 5/5 thông báo, hơn 10.000 người đã thiệt mạng và khoảng 3.000 người mất tích trong cơn lốc xoáy ở miền tây nước này.

Các Bộ trưởng Tài chính của 13 nước châu Á (gồm 10 nước ASEAN cùng Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) ngày 4-5 đã nhất trí thành lập một quỹ ngoại tệ trị giá ít nhất 80 tỉ USD để sử dụng trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính của khu vực.

Ngày 4/5, Thượng nghị sĩ Barack Obama đã so sánh đối thủ Hillary Rodham Clinton giống với Tổng thống Bush khi đe doạ "xoá sổ" Iran nếu nước này tấn công Israel đồng thời gọi kế hoạch tạm miễn thuế khí đốt của bà Hillary chỉ là một mánh lới tranh cử.

Một cơn lốc nhiệt đới đã quét qua Myanmar, làm thiệt mạng hơn 350 người, trong đó có 109 người ở đảo Haing Gyi, phá hủy hàng ngàn nhà cửa, công trình xây dựng, trường học, bệnh viện, sân bay quốc tế ở Yangon phải đóng cửa, theo đài truyền hình quốc gia hôm 4-5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục