Myanmar: Hơn 43.000 người chết do bão Nargis
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/5/2008 | 12:00:00 AM
Theo thông báo của Chính phủ Myanmar, tính đến ngày 15-5, số người chết do bão Nargis tại nước này đã lên đến 43.318 người, trong khi con số mất tích là hơn 27.800 người.
Một phụ nữ Myanmar đứng trên nền ngôi nhà bị phá hủy do bão ở ngoại ô Yangon
|
Tuy nhiên theo Hội Chữ thập đỏ và Hội Lưỡi liềm đỏ quốc tế, con số người chết vào khoảng 68.833 - 127.990 người, trong khi Liên hiệp quốc nói số người chết có thể hơn 100.000.
Cũng theo Liên hiệp quốc và Hội Chữ thập đỏ quốc tế, khoảng 1,6 - 2,5 triệu người đang cần thức ăn, nước uống và lều bạt khẩn cấp, tuy nhiên cho đến nay, các nhóm cứu trợ của họ mới chỉ đến được với 270.000 người.
Trước đó, ngày 14-5, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki Moon đã kêu gọi tổ chức cuộc họp khẩn cấp về vấn đề viện trợ cho các nạn nhân bão Nargis tại Myanmar. Theo ông Ban Ki Moon, mức độ nghiêm trọng của tình hình sau bão lũ ở Myanmar đòi hỏi phải "huy động mọi nguồn lực và nhân viên cứu trợ". Hiện công tác cứu hộ đã bước vào giai đoạn 2 và có thể là quá muộn với những nạn nhân bị bệnh tật và thiếu đói song mới chỉ nhận được rất ít sự trợ giúp từ phía chính phủ.
Ông cũng cho rằng mặc dù Chính phủ Myanmar đã thể hiện lập trường linh hoạt hơn nhưng hiện vẫn mất rất nhiều thời gian để phân phát hàng cứu trợ và làm các thủ tục xin visa cho nhân viên cứu trợ quốc tế vào Myanmar.
Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Lương nông của LHQ (FAO) cảnh báo Myanmar sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực kéo dài nếu nông dân nước này không bắt đầu các hoạt động sản xuất trong vòng 90 ngày tới để gieo trồng vụ lúa tiếp theo trước mùa mưa.
Theo LHQ, 350.000 học sinh Myanmar sẽ bắt đầu năm học mới, khai giảng vào ngày 1-6 tới, tại các cơ sở tạm bợ và được dựng sơ sài. Sau khi bão Nargis đi qua, ngành giáo dục Myanmar bị tổn thất nặng nề khi phải xây dựng lại gần 2.700 ngôi trường tiểu học cũng như phải tìm số giáo viên mới thay thế cho những người đã thiệt mạng hay bị mất tích. Để chạy đua với thời gian, ngành giáo dục đã tổ chức đào tạo khẩn cấp các giáo viên tình nguyện. 300.000 bộ bàn ghế cũng đang gấp rút hoàn thành nhằm sớm đưa vào lắp đặt tại các ngôi trường tạm. Cliff Meyers, cố vấn khu vực chuyên về giáo dục của tổ chức Quĩ Nhi đồng quốc tế (UNICEF), nhận định việc tái lập các hoạt động thường nhật như đến trường sẽ tác động tích cực đến trẻ, giúp chúng vượt qua những nỗi kinh hoàng mà chúng đã trải qua. |
Cao ủy phụ trách viện trợ nhân đạo của Liên minh châu Âu (EU) Louis Michel cũng cho rằng Myanmar có nguy cơ thiếu đói sau khi cơn bão Nargis phá hủy các kho gạo tại một khu vực nông nghiệp chủ chốt ở nước này.
Ông nói: "Việc vựa thóc của Myanmar bị tàn phá và tất cả các kho gạo bị phá hủy có nguy cơ gây ra nạn đói trên qui mô lớn". Ngày 14-5, ông đã tới Yangon nhằm thuyết phục chính quyền quân sự Myanmar cho phép quốc tế triển khai các hoạt động trợ giúp tại nước này.
Liên quan đến vấn đề trên, Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej ngày 14-5 cho biết ông đã không thuyết phục được ban lãnh đạo Myanmar mở cửa cho các hoạt động cứu trợ của quốc tế và nới lỏng qui định cấp thị thực cho các nhân viên cứu trợ.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp kéo dài hai giờ với Thủ tướng Myanmar Thein Sein ở Yangon, ông Samak nói: "Ông ấy cho rằng chính quyền của ông ấy có thể tự giải quyết các vấn đề. Họ không cần các chuyên gia, nhưng sẵn sàng tiếp nhận viện trợ từ mọi nước".
Mặc dù từ chối tiếp nhận nhân viên cứu trợ nước ngoài nhưng ngày 14-5, Myanmar đã bắt đầu cho phép các nhân viên cứu trợ từ các nước láng giềng nhập cảnh để tham gia cứu trợ nạn nhân. Hiện tại đã có nhân viên từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Bangladesh được nhập cảnh.
(Theo TTO)
Các tin khác
Ban thư ký ASEAN kết hợp với Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) đã quyết định thành lập Đội đánh giá nhanh tình trạng khẩn cấp (ERAT) và sẽ gửi nhóm này tới Myanmar với sự đồng ý của Chính phủ Myanmar.
Ngoài gần 15 nghìn người được xác định đã chết vì động đất ở Tứ Xuyên, số người mất tích hoặc còn nằm dưới đống đổ nát lên đến 41 nghìn.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hôm 14/5 đã tuyên bố Israel đang "hấp hối" và rằng người dân ở Trung Đông sẵn sàng phá huỷ nó nếu có cơ hội.
Ngày 13/5, các quan chức an ninh cho biết phe nổi loạn đã bắn bốn quả đạn cối vào các bộ Nội vụ và bộ Tư pháp của Irắc nằm ở trung tâm Bátđa, song không gây thương vong gì.