5 quốc gia họp về chủ quyền Bắc Cực
- Cập nhật: Thứ năm, 29/5/2008 | 12:00:00 AM
Đại diện của 5 quốc gia tiếp giáp với Bắc Cực có cuộc gặp quan trọng tại Ilulissat, Greenland, Đan Mạch ngày 28/5 để bàn về tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng băng giá này và tìm phương cách chia sẻ nguồn tài nguyên khổng lồ.
Bắc cực đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khí hậu
|
Cuộc gặp lần đầu tiên ở cấp bộ trưởng giữa 5 quốc gia lớn tiếng nhất trong cuộc chạy đua tranh giành chủ quyền Bắc Cực là Nga, Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch nhằm làm dịu bớt những căng thẳng kéo dài suốt gần một năm qua.
Cuộc chạy đua tranh giành chủ quyền Bắc Cực trở nên nóng bỏng từ đầu tháng 8/2007 sau khi Nga cử tàu Mir lặn sâu xuống đáy biển Bắc Cực ở độ sâu 4.200 m nước và cắm quốc kỳ bằng titanium tại đây.
Ngay lập tức, Mỹ, Canada, Anh và Đan Mạch đã có hàng loạt động thái thăm dò, nghiên cứu khoa học và đưa ra những bằng chứng về lịch sử, địa lý để chứng tỏ chủ quyền ở vùng biển chiếm khoảng 25% trữ lượng dầu lửa, khí đốt của thế giới cùng nhiều loại khoáng sản quý hiếm.
Theo Ngoại trưởng Nga Seigei Lavrov, 5 quốc gia “muốn hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế và sử dụng các dữ liệu khoa học khi đưa ra quyết định về vấn đề chủ quyền”.
Trước cuộc họp quan trọng này, ông Lavrov cũng tuyên bố việc Nga cắm quốc kỳ không có nghĩa là Nga khẳng định chủ quyền tại Bắc Cực sau khi so sánh với sự kiện Mỹ cắm cờ trên Mặt Trăng năm 1969.
Ngoài vấn đề chủ quyền, quan chức 5 quốc gia còn thảo luận về thực trạng tan băng, hợp tác về giao thông đường biển, an ninh hàng hải, khai thác tài nguyên... tại Bắc Cực.
Giải quyết tranh chấp chủ quyền Bắc Cực không chỉ liên quan đến một số quốc gia tiếp giáp mà là vấn đề khẩn cấp của toàn cầu vì các nhà khoa học dự báo phần lớn băng ở Bắc Cực sẽ tan trong ít thập kỷ tới.
Theo Công ước về Luật biển (1982) của Liên Hợp Quốc (LHQ), bất kỳ quốc gia nào chứng minh được rằng vùng biển thuộc Bắc Cực là một phần thềm lục địa của họ đều có quyền đối với nguồn khoáng sản ở đó.
Luật pháp quốc tế còn quy định mỗi quốc gia tiếp giáp với Bắc Cực được nắm giữ chủ quyền mở rộng ra 200 hải lý (370 km).
Tất cả các quốc gia tuyên bố chủ quyền Bắc Cực đều đã phê chuẩn Công ước của LHQ, ngoại trừ Mỹ. Các nước thúc ép LHQ đưa ra quyết định về quyền kiểm soát Bắc Cực trước năm 2020.
Ngay sau sự kiện Nga cắm quốc kỳ dưới Bắc Cực, Mỹ đã cử 1 tàu phá băng tới đây và Quốc hội Mỹ thậm chí đã phê chuẩn khoản ngân sách trị giá 8 tỷ USD nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thám hiểm Bắc Cực.
Thủ tướng Canada Stephen Harper ngay lập tức có chuyến công du 3 ngày ở Bắc Cực để xúc tiến kế hoạch xây dựng 2 căn cứ quân sự mới ở đây.
Ngày 12/8/2008, Đan Mạch cử một tàu thám hiểm chở 40 nhà khoa học thực hiện chuyến hành trình tới Bắc Cực để thu thập bằng chứng chứng tỏ rằng khu vực này là phần mở rộng của đảo Greenland thuộc Đan Mạch, quốc gia có gần 6 triệu dân.
Tháng 9/2007, Bộ Tài nguyên thiên nhiên Nga tuyên bố, trong cuộc thám hiểm vào tháng 5 - 6, các tàu nghiên cứu của nước này đã thu thập được nhiều cứ liệu khoa học cho thấy: một khu vực dài 2000 km là phần mở rộng của dãy núi Lomonosov, thuộc chủ quyền của Nga.
Cuộc thám hiểm khác được tiến hành năm 2005 cũng chứng tỏ đáy biển Bắc Cực là một phần kéo dài của dãy núi Mendeleev của Nga.
(Theo TPO)
Các tin khác
Đại diện của 111 nước hôm 28/5 đã nhất trí về một hiệp ước mang tính bước ngoặt về việc cấm bom chùm, Bộ Ngoại giao Ireland cho hay. Tuy nhiên, thỏa thuận này không nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất và tàng trữ lớn loại vũ khí chết người này.
Ngày 27-5, hàng đoàn xe tải nặng đã qui tụ về London (Anh) để phản đối giá nhiên liệu tăng cao. Cùng ngày, ngư dân nhiều nước châu Âu khác đã mở rộng đình công với yêu cầu chính quyền phải có những biện pháp giúp đỡ họ một cách thiết thực trước cơn bão giáo nhiên liệu.
Indonesia tuyên bố sẽ rút khỏi tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Bộ trưởng Năng lượng Purnomo Yusgiantoro đã xác nhận thông tin này.
Ngày 27/5, một quan chức tình báo cấp cao của Afghanistan cho biết, vài tháng trước, cơ quan này đã nhận được thông tin cho rằng Osama bin Laden hiện đang ẩn náu ở khu vực miền bắc Pakistan, sát biên giới Afghanistan.