Châu Á: Rung chuyển vì giá dầu
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/5/2008 | 12:00:00 AM
Trước tình hình giá dầu thế giới leo thang liên tục, có lúc lên tới 135 USD/thùng trong mấy ngày qua, một số nước, vùng lãnh thổ châu Á đã buộc phải giảm trợ giá và tăng giá xăng dầu. Những điều chỉnh này làm đau đầu không ít chính phủ khu vực vì một mặt phải bảo vệ được dân nghèo; mặt khác phải giữ mức giảm thâm hụt ngân sách để không tụt tới mức nguy hiểm.
Xếp hàng mua xăng tại tỉnh Xa-ma-rin-đa (In-đô-nê-xi-a).
|
Ở Thái Lan, vào thời điểm này, giá xăng tại Băng Cốc lên đến gần 40 bạt/lít (khoảng 1,6 USD). Giá dầu tăng cao khiến tỷ lệ lạm phát của nước này được dự báo trong 6 tháng đầu năm vào khoảng 6%. Giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là dân nghèo. Tại Băng Cốc, nhiều người đã chuyển sang sử dụng tàu điện ngầm. Vào giờ cao điểm (sáng từ 7h30-8h30) tàu điện ngầm thường xuyên chật kín người. Trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do giá dầu thế giới tăng kỷ lục, ngày 27-5 vừa qua, nội các Thái Lan đã họp phiên đặc biệt để tìm biện pháp khắc phục. Sau đó, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra đề nghị khuyến khích người dân sử dụng khí ga thay cho xăng; đồng thời thúc đẩy dự án giao thông bằng đường ray. Chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn ngân sách 34 tỷ bạt để mở rộng đường ống dẫn khí đến các địa phương và miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô sử dụng khí ga và các loại khí khác. Hiện nay đã có nhiều xe ta-xi tại Băng Cốc chuyển sang sử dụng khí ga, vì giá rẻ hơn xăng. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Su-ra-pong Su-ê Bong-li đã phải áp dụng “sáng kiến” cho công chức làm việc tại nhà để tiết kiệm năng lượng. Việc này được Bộ Tài chính thử trước; nếu hiệu quả, các cơ quan khác của Thái Lan cũng sẽ áp dụng.
Trước đó, ngày 24-5, Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã chính thức tăng giá bán lẻ xăng dầu lên trung bình 28,7% nhằm giảm bớt gánh nặng trợ giá nhiên liệu cho ngân sách quốc gia trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới không ngừng leo thang. Theo quyết định trên, giá xăng tăng 33,33%, từ 4.500 ru-pi lên 6.000 ru-pi /lít (khoảng 10.400 VNĐ). Tuy nhiên, In-đô-nê-xi-a vẫn được xem là một trong những nước có mức giá xăng dầu rẻ nhất thế giới. Đây cũng là đợt tăng giá xăng dầu lần đầu tiên tại nước này trong vòng gần 3 năm trở lại đây.
Theo Bộ trưởng Tài chính In-đô-nê-xi-a Sri Mu-ly-a-ni In-đra-oát-ti, nếu không tăng giá, nước này sẽ phải chi 190.000 tỷ ru-pi, tương đương 20 tỷ USD, cho việc trợ giá xăng dầu trong năm nay. Hiện mức trợ cấp xăng dầu của In-đô-nê-xi-a đã lên 14 tỷ USD, chiếm 3% GDP nước này.
Tương tự như In-đô-nê-xi-a, Đài Loan (Trung Quốc) đã lên kế hoạch tăng giá xăng dầu trong trong một hai ngày tới. Đây là đợt tăng giá xăng đầu tiên trong 6 tháng qua tại vùng lãnh thổ này. Để trợ giúp cho các hộ gia đình trung lưu và có thu nhập thấp trong lần tăng giá này, Đài Loan sẽ chi khoảng 569 triệu USD trợ cấp trực tiếp cho người tiêu dùng. Mặc dù vậy, tâm lý lo ngại vẫn bao trùm trên khắp Đài Loan vì giá xăng tăng. Nhiều người dân từ Cao Hùng đến Đài Bắc đã tận dụng tất cả những gì có thể chứa để mua xăng tích trữ trước khi tăng giá.
Trong khi đó, Ma-lai-xi-a cho biết, nước này cũng sẽ sớm đưa ra chính sách trợ giá xăng dầu mới để duy trì chi phí trợ giá nhiên liệu của nước này tương đương ở mức 40 tỷ rin-gít (khoảng 12,5 tỷ USD) như của năm 2007. Ước tính, với giá dầu là 130 USD/thùng, chi phí trợ giá sẽ lên tới 48 tỷ rin-gít trong năm tài chính 2008 này, vượt cả con số 40 tỷ rin-gít mà chính phủ dự kiến đầu tư cũng trong năm nay vào cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển khác. Ma-lai-xi-a dự kiến áp dụng hệ thống 2 giá xăng dầu cho người giàu và người nghèo.
Trong cơn bão giá, quốc gia đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ vừa cho hay cũng sẽ tăng giá xăng dầu trong ít ngày tới...
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng, giá dầu thế giới leo thang khiến tình hình ngân sách nhiều quốc gia xấu đi do các khoản “bù lỗ” xăng dầu khổng lồ. Nếu giá dầu tiếp tục cao như hiện nay, các biện pháp trợ giá xăng dầu như trước đây sẽ gây tác hại dài hạn nhiều hơn là có lợi. Cũng theo các nhà tài chính, nhiều nền kinh tế châu Á đang đứng trước sức ép cắt giảm chi phí trợ giá xăng dầu trong khi vẫn phải làm gì đó để giúp dân nghèo trong lúc giá dầu tăng.
(Theo HNMĐT)
Các tin khác
Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) ngày 29-5 cho biết trong vài năm tới, giá lương thực toàn cầu sẽ giảm từ mức cao kỷ lục hiện nay. Tuy nhiên, FAO cho rằng chi phí lương thực của mỗi gia đình vẫn cao hơn so với 10 năm qua.
Sau trận động đất khủng khiếp tại Tứ Xuyên, ngoài nguy cơ dịch bệnh bùng phát, người dân trong khu vực còn bất an với những khối nước khổng lồ tích lũy ngày càng nhiều trên núi cao, sẵn sàng trở thành trận đại hồng thủy nhấn chìm họ.
Đại diện của 5 quốc gia tiếp giáp với Bắc Cực có cuộc gặp quan trọng tại Ilulissat, Greenland, Đan Mạch ngày 28/5 để bàn về tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng băng giá này và tìm phương cách chia sẻ nguồn tài nguyên khổng lồ.
Đại diện của 111 nước hôm 28/5 đã nhất trí về một hiệp ước mang tính bước ngoặt về việc cấm bom chùm, Bộ Ngoại giao Ireland cho hay. Tuy nhiên, thỏa thuận này không nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất và tàng trữ lớn loại vũ khí chết người này.