Thaksin lại làm đảo lộn chính trường Thái
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/6/2008 | 12:00:00 AM
Gần 2 năm sau một cuộc đảo chính lật đổ nhà lãnh đạo năng động nhất và gây chia rẽ nhất trong lịch sử hiện đại Thái Lan, cuộc tranh đấu vì tương lai của đất nước này lại tái diễn với mọi trọng tâm vẫn dồn về cùng một nhân vật: Thủ tướng bị truất quyền Thaksin Shinawatra.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin.
|
Hàng ngàn người biểu tình đã quay trở lại đường phố, những tin đồn về một cuộc đảo chính mới lan truyền khắp nơi, thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng và một bộ trưởng trong nội các buộc phải từ chức vì bị cáo buộc đã xúc phạm chế độ quân chủ ở nước này.
Sẽ không xảy ra thêm một cuộc đảo chính nào nữa ở Thái Lan, đó là tuyên bố của Chỉ huy quân đội Thái Lan Anupong Paochinda. Và chính Tư lệnh tối cao các Lực lượng vũ trang Thái Lan, Tướng Boonsrang Niumpradit, cũng đã xác nhận điều này.
Cả hai nhân vật trên đều đóng vai trò lớn trong cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006. "Tôi không nghĩ có bất kỳ viên chỉ huy nào muốn tiến hành một cuộc đảo chính vào lúc này, "Tướng Boonsrang phát biểu. "Những vấn đề trong nước chúng ta đã quá phức tạp để có thể giải quyết bằng một cuộc đảo chính" .
Mặc dù một cuộc đảo chính có thể không xảy ra nhưng các nhà phân tích cảnh báo sự chia rẽ sâu sắc mới nổi lên ở đất nước Thái Lan có thể sẽ gây cản trở đối với con đường tiến đến nền dân chủ toàn diện đầy chông gai của Thái Lan, phá hoại nền kinh tế và làm tê liệt hệ thống chính trị đang rất cần thiết để khởi động lại các cải cách đã bị trì hoãn từ bao lâu nay.
Chỉ 4 tháng sau khi một chính phủ liên minh do các đồng minh của ông Thaksin lên cầm quyền, các trận tuyến lại bắt đầu được dựng lên.
Một bên là những người chống đối Thaksin - những tầng lớp trung lưu, giàu có ở Bangkok, những nhóm hỗn hợp ủng hộ dân chủ và trung thành với Hoàng gia, và các thành phần trong quân đội. Bên kia chiến tuyến là chính phủ của Thủ tướng Samak Sundaravej và những người dân nông thôn và thành thị nghèo.
Cựu Thủ tướng Thaksin vẫn có uy tín và ảnh hưởng lớn đối với dân nghèo Thái Lan vì ông là Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử hiện đại Thái Lan thực sự đến gần với tầng lớp dân thường và đã thực thi một loạt những kế hoạch phúc lợi xã hội, trong đó có việc miễn phí gần như hoàn toàn dịch vụ y tế.
Các cuộc biểu tình đường phố, bắt đầu từ cách đây gần 2 tuần, đã được Đảng Nhân dân vì dân chủ (PAD) phát động lên. Chính đảng này đã đi tiên phong trong các cuộc biểu tình mở màn cho một cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin hồi tháng 9 năm 2006.
"Vẫn là một trò chơi hệt như cũ. Mục tiêu của họ vẫn là nhắm vào Thaksin và chút quyền lực còn đọng lại của ông", Thitinan Pongsidhirak, một nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nhận định. "Đảng PAD đã quay trở lại dẫn dắt một phong trào chống lại một di sản còn lại trong chương trình dân tuý của ông Thaksin".
Những người biểu tình cho rằng Thủ tướng Samak chỉ là một con rối trong tay ông Thaksin, người mới trở về nước sau hơn 1 năm sống lưu vong sau khi các đồng minh của ông này giành chiến thắng tại các cuộc bầu cử.
Thủ tướng Samak đã bị cáo buộc đang nỗ lực sửa đổi hiến pháp mà quân đội dựng lên để giúp cựu Thủ tướng Thaksin không phải đối mặt với công lý. Bị cấm tham gia chính trị thêm 4 năm nữa, ông Thaksin đang phải đối mặt với một loạt những cáo buộc liên quan đến tham nhũng.
"Sự can thiệp vào chính phủ của ông Thaksin là rất rõ ràng," Suriyasai Katasila, một nhà lãnh đạo phe biểu tình cho hay. "Ông ấy bị cấm tham gia vào chính trường nhưng chúng ta có thể nhìn thấy dấu tay của ông ta ở khắp nơi."
Để thể hiện sức mạnh của mình, đảng PAD đã buộc ông Jakrapob Penkair, một bộ trưởng và một đồng minh thân cận của Thaksin phải từ chức. PAD buộc tội ông này xúc phạm Quốc vương Bhumibol Adulyadej được tôn kính ở nước này trong một bài phát biểu hồi tháng 8 năm ngoái.
Việc ông Jakrapob từ chức đã giải toả phần nào những căng thẳng nhưng những người biểu tình vẫn thề sẽ tiếp tục cho đến khi chính phủ bị lật đổ.
"Đó là một cuộc đấu đá giữa hai nhóm tinh tuý của đất nước", Ji Ungpakorn, một giáo sư ngành khoa học chính trị tại trường Đại học Chulalongkorn, cho biết. "Họ đều muốn phần còn lại của xã hội đứng về phe họ",
Các đối thủ của ông Thaksin vẫn muốn phải "hạ đo ván" ông này.
Tuy nhiên, theo ông Thitinan, "dù bạn có thích hay không thích Thaksin thì sẽ không thể phủ nhận thực tế rằng hiện tượng ông Thaksin đã thay đổi bức tranh chính trị của Thái Lan".
Để hạ bệ ông Thaksin, ông Thitinan cho rằng những phe chống lại ông này cần phải cố gắng đặt nền móng cho nhiều hơn các cuộc can thiệp quân sự.
Nhưng các nhà phân tích nhấn mạnh quân đội sẽ không thể tiến hành một cuộc đảo chính không được lòng dân khác. Một cuộc đảo chính mới sẽ nhận được rất ít sự ủng hộ ở trong và ngoài nước.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Tính đến 7 giờ tối 4/6 (giờ địa phương), lượng nước trong hồ đã lên đến 212 triệu mét khối, mực nước cao xấp xỉ 738 m.
Ngày 6-6, hội nghị về an ninh lương thực được tổ chức tại Rome (Italia) dự kiến sẽ bế mạc với việc các nhà lãnh đạo đứng đầu thế giới chính thức thông qua kế hoạch hành động nhằm đối phó với tình trạng giá lương thực tăng cao và giảm đói nghèo. Ngoài ra vấn đề về viện trợ khẩn cấp và nhiên liệu sinh học cũng được đề cập trong bản dự thảo tuyên bố của hội nghị.
Mạng lưới khủng bố al-Qaeda ngày 4-6 tuyên bố đã thực hiện vụ đánh bom tự sát nhằm vào đại sứ quán Đan Mạch tại Pakistan, theo thông tin đăng tải trên một trang web của các phần tử vũ trang Hồi giáo.
Hãng ABC News đưa tin Thượng nghị sĩ Hillary chưa thừa nhận thất bại trước đối thủ Obama song sẵn sàng làm việc đó sau khi nói chuyện với các nghị sĩ Dân chủ cấp cao trong Quốc hội Mỹ.