Hàn Quốc rối ren vì thịt bò Mỹ
- Cập nhật: Thứ ba, 10/6/2008 | 12:00:00 AM
Chính quyền của Tổng thống Lee Myung Bak đang chạy nước rút trong việc tìm giải pháp cho "cơn khủng hoảng thịt bò" đe dọa đẩy chính phủ đến bờ vực sụp đổ.
Người dân cầm biểu ngữ có chữ "Hãy đàm phán lại" trong cuộc biểu tình ngày 7-6 tại Seoul.
|
Theo báo Korea Times, một nhóm quan chức Hàn Quốc đã lên đường đi Mỹ ngày 9-6 để đàm phán lại với Washington về thỏa thuận nhập thịt bò. Một phái đoàn gồm năm nghị sĩ thuộc đảng GNP cầm quyền cũng đã đến Washington để làm việc với các lãnh đạo quốc hội và các nhà chăn nuôi gia súc Mỹ về vấn đề này. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Hàn Quốc để xoa dịu dư luận sục sôi mấy ngày gần đây quanh chuyện nhập khẩu thịt bò.
Vào ngày 8-6, Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin từ văn phòng tổng thống cho biết Thủ tướng Han Seung Soo và nhiều bộ trưởng sẽ đệ đơn từ chức. Dự kiến Tổng thống Lee sẽ thay thế khoảng sáu bộ trưởng liên quan đến thỏa thuận nhập khẩu thịt bò Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Yu Myung Hwan, Bộ trưởng nông nghiệp Chung Woon Chun và Bộ trưởng tài chính Kang Man Soo.
Kể từ khi chính quyền Seoul tuyên bố nối lại việc nhập khẩu thịt bò Mỹ vào cuối tháng trước sau năm năm gián đoạn vì bệnh bò điên, ngày nào người dân cũng xuống đường phản đối. Số người biểu tình tăng dần từ vài trăm lên vài ngàn, đến đỉnh điểm là 60.000 người vào ngày 7-6. Người Hàn Quốc lo sợ thịt bò nhập từ Mỹ có nguy cơ mắc bệnh bò điên và cảm thấy bất an khi chính phủ ký thỏa thuận với Mỹ mà chẳng thực hiện một biện pháp an toàn nào. Họ đặt ra hai sự lựa chọn cho tổng thống mới nhậm chức hơn 100 ngày: hoặc đàm phán lại với Mỹ hoặc là từ chức!
Có thể hiểu tâm trạng bất an và nhu cầu chính đáng của người dân Hàn Quốc. Dù giá thịt bò nhập từ Mỹ rẻ bằng một nửa so với thịt bò trong nước (giá trong nước là 100 USD/kg) nhưng người dân xứ Hàn rất sợ bệnh bò điên. Theo báo The Guardian, đã có nhiều lời đồn xuất hiện trên mạng Internet tại Hàn Quốc nói rằng thịt bò Mỹ rẻ tiền chuyên dùng để phục vụ bếp ăn trường học, hoặc chỉ cần "3 gam thịt bò già nhập từ Mỹ là đủ lấy đi một mạng người"...
Tuy nhiên, mối lo sức khỏe dường như không phải là lý do duy nhất khiến người ta xuống đường. Một số chuyên gia Hàn Quốc cho biết đã cảm giác được yếu tố "chống Mỹ” trong những cuộc biểu tình rầm rộ gần đây. Ông Hyun Jung Taik, giám đốc Viện Phát triển Hàn Quốc, người được cho là một trong những "kiến trúc sư” của sự thành công kinh tế Hàn Quốc, đánh giá phản ứng của công chúng về vấn đề thịt bò là "khó hiểu".
"Một số hội nhóm có thái độ chống Mỹ. Nếu đây là thịt bò Anh, có lẽ người ta sẽ không phản ứng như vậy" - ông Hyun phân tích. Cựu nhân viên ngoại giao Nam Sang Wook đồng tình: "Có một lực lượng chống Mỹ rất nhỏ nhưng có tiếng nói đang lợi dụng cuộc khủng hoảng này. Họ được sự ủng hộ của những người chống toàn cầu hóa như nông dân, các nhà bảo vệ môi trường và các thành viên công đoàn thương nghiệp. Đó là một liên minh đang lớn dần như quả cầu tuyết".
Dù là nguyên nhân gì thì những diễn biến gần đây hoàn toàn không có lợi cho Chính phủ Hàn Quốc và Tổng thống Lee Myung Bak. Theo khảo sát thực hiện vào cuối tuần trước của báo Korea Times và Hankook Ilbo, tỉ lệ ủng hộ tổng thống đã giảm còn 17%.
Chính phủ đang bị đặt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi nếu không chiều lòng dân thì biểu tình sẽ còn diễn ra dài dài, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh và sự phát triển kinh tế. Còn nếu thuận ý dân thay đổi các điều khoản đã ký thì Hàn Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc đạt hiệp định tự do thương mại với Mỹ, hiện vẫn chưa được Washington phê chuẩn. Chưa kể điều này có thể tạo tiền lệ cho những đòi hỏi tương tự đối với các thỏa thuận khác trong tương lai.
(Theo TTO)
Các tin khác
Ngày 9/6, hàng chục nghìn tài xế xe tải Tây Ban Nha bắt đầu cuộc đình công vô thời hạn, nhằm phản đối giá dầu diesel tăng cao 20% tại nước này kể từ đầu năm.
Ngày 10-6, tại Slovenia sẽ diễn ra lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, với hy vọng sẽ khiến mối quan hệ giữa hai bên trở nên nồng ấm. Nhưng dự đoán của các chuyên gia phân tích đều cho rằng, có vẻ như các nhà lãnh đạo EU đang bày tỏ thái độ không trông đợi một kết quả mang tính đột phá trong hội nghị lần này do hai bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng.
Bộ tình trạng khẩn cấp Ucraina cho biết ít nhất có 3 người bị thương và 40 người khác mất tích trong vụ nổ mỏ than xảy ra sáng nay 8/6 tại một khu mỏ ở miền Đông Ucraina.
Ngày 8-6, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng nhóm G-8 (gồm các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nga và Mỹ) cùng 3 quốc gia khác là Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đã được tổ chức tại TP Aomori, Đông Bắc Nhật Bản trong bối cảnh giá dầu tiếp tục leo cao, đạt mức gần 140 USD/thùng trong những ngày qua.