Châu Á trước nhiệm vụ giải quyết khủng hoảng
- Cập nhật: Thứ hai, 16/6/2008 | 12:00:00 AM
Giới lãnh đạo tài chính và doanh nghiệp cho rằng châu Á cần đi đầu trong việc tìm cách giải quyết khủng hoảng kinh tế, khi các tổ chức quốc tế đang trở nên bất lực.
|
Theo Hãng tin AP, lời kêu gọi trên được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á, một cuộc gặp gỡ thường niên của các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp được khai mạc tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào hôm 15/6. Sự kiện trên diễn ra khi thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu và lương thực ngày một nghiêm trọng.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Yashwant Sinha, cựu Bộ trưởng Tài chính và Ngoại giao Ấn Độ, cho rằng khi sức mạnh kinh tế chuyển từ Mỹ và châu Âu sang châu Á, châu lục lớn nhất thế giới phải là mũi nhọn giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế. "Tôi tin rằng các tổ chức quốc tế mà chúng ta hiện có, bao gồm Tổ chức Thương mại thế giới, không đủ năng lực giải quyết những thách thức toàn cầu", AP dẫn lời ông Sinha. Ông nêu ví dụ về cuộc khủng hoảng trên các thị trường chứng khoán thế giới bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng thế chấp ở Mỹ. "Có một sự yếu kém về luật lệ ở Mỹ. Quỹ Tiền tệ quốc tế đang làm gì đối với Mỹ? Không có gì cả". Chia sẻ ý kiến này, ông Marcus Agius, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Barclays Plc, nhận xét rằng các tổ chức toàn cầu chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề kinh tế "có vẻ như đang trở nên lỗi thời". Ông Sinha đã nhấn mạnh đến việc giá dầu cao kỷ lục, vốn đã tăng đến gần 140 USD/thùng vào tuần qua trước khi giảm xuống còn 134,86 USD/thùng hôm thứ sáu. Giá gạo và các loại nông sản khác tăng nhanh đã gây ra tình trạng bạo động và bất ổn ở châu Phi và châu Á và làm tăng thêm nỗi lo sợ về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Theo Hãng tin AFP, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 15/6 cho biết lạm phát ở châu Á sẽ lên đến mức 5,1% trong năm 2008, mức cao nhất trong 10 năm qua, và sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế khu vực. ADB hiện đang xét lại mức dự đoán tăng trưởng 7,6% cho năm nay giữa lúc có những lo ngại về việc lạm phát sẽ làm gia tăng cách biệt thu nhập và đẩy thêm nhiều người vào cảnh nghèo khổ, theo AP. Khủng hoảng giá nhiên liệu và lương thực cũng là đề tài được bàn luận tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính Á-Âu khai mạc hôm 15/6 tại Jeju (Hàn Quốc) và Hội nghị Bộ trưởng tài chính 8 nước công nghiệp phát triển (G8) diễn ra trước đó tại Osaka (Nhật Bản). Các diễn giả tại diễn đàn nhận định rằng châu Á, với đầu tàu là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ xác lập kinh tế toàn cầu trong tương lai nhờ nhu cầu tiêu dùng lớn, các cơ hội đầu tư và nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, nhiều chính phủ châu Á hiện đang phải đương đầu với hàng loạt rủi ro, đặc biệt là Trung Quốc, nơi đang phải dành nhiều tài lực để đối phó với thiên tai và những hiểm họa khác. (Theo Thanh Niên)
Các tin khác
Một trận động đất mạnh 7,2 độ Richter xảy ra vào 8 giờ 43 phút ngày 14.6 đã làm rung chuyển khu vực nông thôn phía bắc Nhật Bản. Ít nhất 6 người thiệt mạng, 8 người mất tích, hơn 100 người bị thương và tình trạng lở đất đã xảy ra tại nhiều khu vực triền núi.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hôm 14/6 đã có các cuộc hội đàm riêng với Tổng thống Bush - tín hiệu mới nhất về sự ấm lên trong quan hệ Mỹ-EU mà ông Bush đã ca ngợi suốt tuần qua.
Cuộc mít tinh trọng thể và biểu diễn văn nghệ kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Người du kích anh hùng Ernesto Che Guevara (14-6-1928 – 14-6-2008) đã được tổ chức long trọng tại Nhà hát Karl Marx ở thủ đô La Habana (Cuba).
Một trận động đất mạnh 7,0 độ richter đã tấn công miền bắc Nhật Bản sớm 14/6, làm rung chuyển nhiều tòa nhà và khiến cho các nhà chức trách phải đóng cửa nhiều tuyến quốc lộ và dừng tàu cao tốc.