Thế giới: Vị thế Việt Nam đang lên
- Cập nhật: Thứ tư, 2/7/2008 | 12:00:00 AM
Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an LHQ, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới. Tuần trước, Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, đã thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống George W.Bush.
Quốc kỳ Việt Nam tung bay trước Lầu Năm Góc.
|
Quan hệ song phương
Sự kiện này đã trở thành một kiểu nghi thức hàng năm kể từ 2005, khi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam sau chiến tranh, đến thăm Mỹ.
Mặc dù thời gian diễn ra hai sự kiện này là khá ngẫu nhiên, nhưng nó cũng thể hiện quan hệ giữa Washington và Hà Nội ngày càng gần gũi hơn. Và Việt Nam đang trở thành một nước có vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế. Hiện tại, có lẽ, đây là thời gian thích hợp để thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa hai quốc gia từng là đối thủ của nhau.
Viết trên Wall Street Journal Asia hồi cuối tháng 5, Thượng nghị sĩ John McCain và Joseph Lieberman đã nhắc tới Việt Nam:
Tổng thống mới của Mỹ sẽ thừa hưởng những liên minh và quan hệ hữu nghị tại châu Á đang phát triển tốt... Liên minh cốt lõi của chúng ta với Nhật, Hàn Quốc và Australia chưa từng mạnh hơn thế, quan hệ với những bạn bè cũ tại Đông Nam Á như Singapore rất tuyệt vời, những đối tác hứa hẹn đã được thúc đẩy trong vài năm gần đây như Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia.
Tổng thống mới phải mở rộng các thành tựu hơn nữa với một tham vọng, tập trung vào chương trình nghị sĩ để thúc đẩy hơn, mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn các mối quan hệ. Đặt liên minh của chúng ta lên đầu tiên, đưa các quan hệ đối tác hữu nghị vào việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế, là chìa khóa để giải quyết các thách thức mà chúng ta đối mặt trong một châu Á thay đổi, một thế giới thay đổi.
Đây là một lời khuyên hợp lý, thực tế với Washington, khi một số nhà lập pháp chỉ nhìn Việt Nam qua những ghi chép về nhân quyền. Đó cũng là những tin tức tốt đẹp cho Hà Nội sau một chặng đường dài từ năm 1975. Hai thập niên sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khó khăn trong phát triển kinh tế và ổn định chính trị.
Tuy nhiên, kể từ khi chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang thị trường năm 1986, sự thay đổi chuyển mình của Việt Nam đã diễn ra rất ấn tượng. Mọi thứ thay đổi tới mức rất nhiều ’’thuyền nhân’’ kể cả vợ con họ, đã trở về.
Tăng trưởng kinh tế
Từ một đất nước đứng bên bờ vực đói nghèo, Việt Nam ngày nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nước sản xuất cà phê lớn thứ hai và nhà xuất khẩu cà phê hạt robusta lớn nhất thế giới.
Trong thập niên trước, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam đạt 7,5%. Các nhà sản xuất từ hãng dệt may nhỏ tới những tập đoàn lớn như Intel đã không ngại ngần đầu tư vào Việt Nam. Intel có dự án đầu tư xây dựng nhà máy bán dẫn mới trị giá 1 tỉ USD.
Khác với nước láng giềng Trung Quốc, Việt Nam đã tỏ ra đáng tin cậy trong việc xóa đói giảm nghèo và duy trì sự gắn kết xã hội. Ví dụ, hệ số Gini của Việt Nam, hệ số đánh giá bất bình đẳng giàu nghèo vẫn giữ ở mức 37, trong khi đó Trung Quốc hiện nay đã cao hơn 10 điểm và có xu thế tăng hơn.
Lời giải thích và việc duy trì phát triển tầng lớp trung lưu của Việt Nam, cùng với tỉ lệ người nghèo ở mức dưới 14% trong năm ngoái so với hơn 75% năm 1990. Thành tựu này được ngân hàng thế giới cho là "một trong những chiến dịch xóa đói giảm nghèo thành công nhất từ trước tới nay’’.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm thành công với Tổng thống Bush. |
Ở tầm vĩ mô, dự trữ tiền tệ của Việt Nam đã tăng gấp đôi năm nay. Khó có thể nghi ngờ về việc Chính phủ Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đặt ra, là đưa đất nước vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010 và có lẽ sẽ thành công trong việc trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại một thập niên sau đó.
Và khác với các quốc gia công nghiệp, Việt Nam không ở trong tình trạng thiếu hụt năng lượng. Ước tính, Việt Nam chỉ chiếm 1% nhu cầu dầu mỡ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi đang sản xuất 4,5 nguồn cung tại 9 khu khai thác dầu (điểm thứ 10 sẽ đi vào hoạt động trong vài tháng tới).
Theo cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, lượng dầu dự trữ 600 triệu thùng của Việt Nam dường như sẽ tiếp tục tăng đáng kể trong những năm tới. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroViet) đã bắt đầu dùng nguồn tiền thu được nhằm đa dạng hóa vị trí của mình bằng việc góp vốn ở một số nhà sản xuất mới nổi khác.
Vị thế ngoại giao
Chưa hết, gần đây, Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm vị thế ngoại giao tương xứng với sự phát triển kinh tế.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ đầu năm nay, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Christopher Hill, đã mô tả Việt Nam ’’có ảnh hưởng ngày càng gia tăng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)”.
Năm 2006, Hà Nội đã đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC. Đầu năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam cũng có các hoạt động tích cực trong nhiều vấn đề tại LHQ.
Đại sứ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, Lê Lương Minh, còn là Chủ tịch Ủy ban giám sát Cộng hoà Sierra Leone.
Trong tháng 3, Hà Nội là nơi tổ chức cuộc họp giữa các bên liên quan bàn về vấn đề Iran. Một tháng sau, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã kêu gọi các nước hỗ trợ tài chính và hậu cần cho lực lượng gìn giữ hòa bình ở Darfur. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã xác nhận rằng, Việt Nam đã chuẩn bị cho việc gánh vác nhiệm vụ của mình trong lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Và không chỉ tham gia Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Iraq tổ chức ở Stockholm cuối tháng 5, đại diện của Việt Nam tại LHQ còn ủng hộ Mỹ - nước đưa ra dự thảo tuyên bố của Hội đồng bảo an về tình hình Iraq trong một cuộc tranh luận hồi tháng trước.
Trong năm 2006, thương mai song phương Việt - Mỹ đạt 9,6 tỉ USD và hơn 75.000 người Mỹ đã thăm Việt Nam. Điều này đã thúc giục Nhà Trắng, đặc biệt là Lầu Năm góc bắt đầu đưa ra những sáng kiến chiến lược.
Tháng 6/2005, lần đầu tiên, Việt Nam ký một thỏa thuận cho phép tham gia Chương trình Giáo dục và Đào tạo Quân sự quốc tế của Mỹ, sau đó tiếp nhận tài chính hỗ trợ cho các khóa học tiếng Anh dành cho sĩ quan quân đội Việt Nam.
Tháng 6/2007, lần đầu tiên, Việt Nam trở thành nhà quan sát cuộc tập trận hải quân giữa Mỹ với 6 nước Đông Nam Á khác (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan). Năm ngoái, Việt Nam đã đón tiếp 5 tàu hải quân Mỹ trong đó có hai tàu thuộc Hạm đội 7. Đây là lần đầu tiên, tàu vũ trang Mỹ thăm Việt Nam trong thời bình.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Bush hồi tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: ’’Việt Nam vui mừng nhận thấy, quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những phát triển nhanh chóng theo hướng đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi’’.
Vấn đề không còn là việc ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, Chính phủ tiếp theo sẽ cần xây dựng nền tảng, thúc đẩy quan hệ với một đất nước ngoan cường trong chiến tranh, và trong thời bình, lại đang minh chứng vị thế địa chính trị gia tăng đáng kể.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
Ngày 1/7, Pháp chính thức giữ vị trí Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU)với lời kêu gọi thay đổi một cách toàn diện trong các chính sách xây dựng châu Âu của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Tổng thống Mông Cổ ngày 1/7 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp 4 ngày tại Thủ đô Ulan Bator sau khi xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực liên quan tới kết quả của cuộc tổng tuyển cử.
Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski ngày 1-7 đã từ chối phê chuẩn Hiệp ước Lisbon, hiệp ước đặt nền tảng cho các cải cách EU, đẩy hiệp ước này vào tình thế khó khăn mới.
Trung Quốc vừa chính thức khánh thành cây cầu dây văng lớn nhất thế giới có chiều dài 32,4 km ở tỉnh Giang Tô, sau 5 năm xây dựng.