Các nước đồng loạt ra tay

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/10/2008 | 12:00:00 AM

Hàng trăm tỉ USD tiếp tục được chính quyền phương Tây bơm vào các ngân hàng trong nỗ lực giải cứu thị trường tài chính.

Dòng chữ “cuộc khủng hoảng tài chính” ngoài trường quay của NBC ở New York.
Dòng chữ “cuộc khủng hoảng tài chính” ngoài trường quay của NBC ở New York.

Anh: gói 870 tỉ USD

Ngày 8-10, sau một đêm họp khẩn căng thẳng, chính quyền của Thủ tướng Anh Gordon Brown đã công bố gói cứu trợ gồm ba phần cho các ngân hàng gặp khó khăn của mình với trị giá lên đến xấp xỉ 550 tỉ bảng (870 tỉ USD), trong đó bao gồm cả tiền tín dụng, bảo đảm nợ và tiền mặt để phục hồi niềm tin ở trung tâm tài chính lớn thứ hai thế giới. Quy mô gói cứu trợ đã vượt gói 700 tỉ USD trước đó của nước Mỹ.

Theo International Herald Tribune, Bộ Tài chính Anh sẽ bơm ít nhất 350 tỉ USD “cho các ngân hàng theo một chương trình bơm tiền đặc biệt” để chấm dứt tình trạng đóng băng trong hoạt động cho vay liên ngân hàng. Số tiền này gấp đôi mức tín dụng Ngân hàng Trung ương Anh áp dụng khi cuộc khủng hoảng tài chính mới bắt đầu. Ngoài ra, chính phủ đảm bảo khoản nợ của ngân hàng lên tới 432,7 tỉ USD. Đồng thời Chính phủ Anh cũng cam kết chi 87 tỉ USD hỗ trợ trực tiếp cho tám ngân hàng lớn của nước này - số tiền bao gồm cả việc quốc hữu hóa một số ngân hàng.

Thủ tướng Gordon Brown cho biết các ngân hàng sẽ phải đáp ứng những điều kiện nhất định và chính phủ sẽ mua cổ phần của các ngân hàng chứ chính phủ “không đơn thuần chỉ đưa tiền.” Đây là số tiền cam kết kỷ lục khi chi ngân sách cho năm tài chính 2008-2009 của Anh cũng chỉ là 618 tỉ bảng (1.068 tỉ USD).

Đồng loạt giảm lãi suất

Cùng ngày, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới - trong đó có FED, ECB, Anh, Thụy Sĩ, Canada và Trung Quốc - cùng thông báo cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất sau khi các nhà đầu tư Á, Âu tiếp tục bán ồ ạt cổ phiếu của mình. Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đều đã phản ứng tích cực trước tin này và vực dậy đôi chút. Trong ngày, chỉ số Nikkei 225 của Nhật đã rớt 9,4%, mức sụt thê thảm nhất trong suốt 20 năm qua. Ở Indonesia, chính phủ đã phải đóng thị trường ngay buổi sáng khi chỉ số chứng khoán rớt tới 10,4%. Trước đó một ngày, chỉ số Dow Jones và S&P đã rớt hơn 500 điểm.

Một số chuyên gia cũng phản ứng tích cực trước thông tin này. “Ít nhất đã có một sự phối hợp” - Ian Shepherdson, kinh tế trưởng tại High Frequency Economics, nói. Dù vậy, hiện nhiều nhà kinh tế vẫn thận trọng về việc liệu một loạt biện pháp khác nhau này có thành công hay không.

Quyết định trên được đưa ra sau khi cổ phiếu của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) và Ngân hàng Halifax của Scotland (HBOS) rớt giá 40%. Trong ngày 8-10, báo chí Anh loan tin giám đốc điều hành Fred Goodwin và chủ tịch Tom McKillop của RBS sẽ từ chức.

Nga: hơn 36 tỉ USD

Trong khi đó, nhằm vực dậy thị trường tài chính đang đình trệ, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố sẽ hỗ trợ thêm 950 tỉ rúp (36,4 tỉ USD) cho các ngân hàng trong cuộc họp khẩn ở điện Kremlin ngày 7-10. Trước đó, vào tháng chín, chính quyền đã cam kết gói hỗ trợ trị giá 150 tỉ USD cho các công ty tài chính và ngân hàng cho vay. “Toàn bộ ý nghĩa của công việc chúng tôi là ra quyết định càng nhanh càng tốt. Giờ đây, tốc độ là thứ vô giá” - ông Medvedev nói với các phóng viên.

Interfax cho biết số tiền trên dùng để cho các ngân hàng vay trong thời hạn tối thiểu năm năm, trong đó 500 tỉ rúp dành cho Sberbank - ngân hàng cho vay lớn nhất nước Nga, số còn lại cho Ngân hàng VTB, Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) và một số ngân hàng khác.

Với dự trữ ngoại tệ khổng lồ (563 tỉ USD) và nguồn dầu mỏ dồi dào, Nga được đánh giá là một trong những quốc gia có thể trụ vững trước làn sóng khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Matxcơva lại là một trong những thị trường bị ảnh hưởng nặng nhất. Cuộc họp khẩn của Tổng thống Medvedev diễn ra một ngày sau khi chứng khoán nước này rớt điểm thê thảm, chỉ số RTS mất giá 19,1%, mức sụt giảm trong một ngày cao nhất từ trước đến nay.

Không chỉ giúp đỡ các ngân hàng trong nước, chính quyền Nga còn chuẩn bị chìa tay ra với đảo quốc Iceland. Trong một động thái được cho là bất ngờ, Iceland đã ngỏ ý vay của Nga 5,4 tỉ USD để giải quyết khó khăn trong nước. Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin, Matxcơva đánh giá yêu cầu của Iceland là “tích cực” và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi thương lượng với các quan chức Iceland.

Theo TTO

Các tin khác
Thủ tướng Thái Lan Somchai (giữa) tới Quốc hội trong điều kiện an ninh được thắt chặt.

Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat tuyên bố sẽ không từ chức bất chấp tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay mà đỉnh cao là cuộc bạo loạn vừa xảy ra làm hàng trăm người bị thương.

Một người phụ nữ mang theo bom đã kích hoạt ngòi nổ tại tỉnh Diyal, nằm ở phía đông bắc Thành phố Baghdad, Iraq khiến 11 người thiệt mạng và 19 người bị thương.

Khủng hoảng tài chính đang đẩy kinh tế thế giới tới nguy cơ suy thoái

Gói giải cứu 700 tỷ USD, IMF, Ngân hàng Thế giới, nhóm G7… đều chưa tỏ ra hiệu quả trước cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo Ria Novosti, ngày 6/10 Hy Lạp đã tiến hành thoả thuận với Nga về một hợp đồng mua 420 xe chiến đấu do Nga sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục