Đồng loạt hạ lãi suất trên toàn cầu
- Cập nhật: Thứ năm, 9/10/2008 | 12:00:00 AM
Mỹ, Canada, EU, Anh, Trung Quốc và nhiều nơi khác đồng loạt cắt giảm lãi suất, một động thái chưa có tiền lệ, với hy vọng hồi phục đà tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn cuộc khủng hoàng tài chính lan rộng.
Các nhà đầu tư chứng khoán tại Anh.
|
Ngày 8/10, lần đầu tiên sau hơn 7 năm, Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoA) quyết định hạ lãi suất, từ mức 5% xuống còn 4,5%. Lần cắt giảm lãi suất gần đây nhất của BoA là vào ngày 18/9/2001, khi đó lãi suất hạ từ 5% xuống còn 4,75%. Trước đó, chính phủ đã thông qua gói giải pháp trị giá 50 tỷ bảng để cứu hệ thống ngân hàng trong cơn bĩ cực.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cắt giảm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất đồng euro xuống còn 3,75%.
Ngân hàng trung ương các nước Canada, Thụy Sĩ, Hà Lan có những động thái tương tự, nhằm phối hợp với các nước trong khu vực ngăn chặn sự tuột dốc không phanh của nền kinh tế. Tại châu Á, Trung Quốc và Hong Kong cũng bất ngờ nới lỏng chính sách tiền tệ. Đến lượt mình, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đưa lãi suất cơ bản của đồng đôla từ mức 2% xuống còn 1,5%.
Cắt giảm lãi suất trên toàn cầu:
1. Mỹ: từ 2% xuống 1,5%
2. Canada: 3% xuống 2,5%
3. EU: 5% xuống 4,5%
4. Thụy Sĩ: 2,75% xuống 2,25%
5. Thụy Điển: 5% xuống 4,25%
6. Trung Quốc: 7,24% xuống 6,93%
7. Hong Kong: 3,5% xuống 2,5%
8. Nhật Bản: Giữ nguyên lãi suất 0,5%
Động thái chưa từng có trong lịch sử này là nỗ lực chung của các nước nhằm ngăn chặn khủng hoảng kinh tế đang rơi vào những phút giây tồi tệ nhất trong lịch sử, đặc biệt là sự sụt giảm thảm hại trên các thị trường chứng khoán.
Chưa đầy một tháng, hàng loạt các định chế tài chính từng là pháo đài của các cường quốc kinh tế thế giới đã ra đi. Kẻ nộp đơn xin phá sản, người bị mua lại bởi đối thủ, hoặc ngồi chờ chính phủ ra tay, thậm chí mất quyền kiểm soát. Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư Mỹ phá sản. Tập đoàn Merrill Lynch về tay Bank of America. AIG phải cần đến sự cứu trợ khẩn cấp của chính phủ để duy trì hoạt động. Goldman Sachs và Morgan Stanley buộc từ bỏ mô hình hoạt động truyền thống (ngân hàng đầu tư) để chuyển đổi thành ngân hàng thương mại.
Theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ, việc hạ lãi suất lần này được cân nhắc kỹ lưỡng vì áp lực lạm phát ít nhiều đã dịu lại, vấn đề chính là nền kinh tế đang đối mặt vô vàn khó khăn, tăng trưởng chậm chạp và gần như bằng không. Chuyên gia kinh tế tại tập đoàn EEF của Anh cho rằng các tập đoàn doanh nghiệp Anh rất ủng hộ biện pháp cắt giảm lãi suất này của chính phủ, hơn nữa nó ngăn chặn được một điều tồi tệ hơn đó chính là "khủng hoảng niềm tin". ECB thì nhận định lạm phát giảm trên nhiều quốc gia, cơn sốt lương thực và nhiên liệu đã không còn ám ảnh nặng nề như trước.
Trong tháng 6 vừa qua, FED và ECB đều giữ nguyên lãi suất cơ bản do ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan", cùng lúc phải giải bài toán lạm phát leo thang và kinh tế tăng trưởng chậm chạp. Tuy nhiên, kinh tế vẫn ngày càng kiệt quệ. Quyết định hạ lãi suất được FED đưa ra sớm hơn so với dự báo. Trước đó FED sẽ định bàn thảo trong cuộc họp vào 28-29/10. Tình trạng hấp hối của nền kinh tế và thị trường chứng khoán sôi lên trong mấy ngày qua khiến FED không thể chần chừ.
Mặc dù lạm phát ở Mỹ còn cao nhưng FED tin rằng sự hạ nhiệt của giá dầu sẽ kéo chỉ số giá tiêu dùng xuống, và ảnh hưởng ít đến hoạt động kinh tế. Tại Mỹ, thất nghiệp ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua đã khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu. FED cũng hy vọng nguồn dự trữ quốc gia cuối năm nay sẽ vực đỡ nền kinh tế trong năm sau.
Các chuyên gia lại cho rằng tỷ lệ người không có việc làm tại nước này sẽ còn tăng cao và kinh tế còn rất lâu mới có thể hồi phục. Họ dự tính năm sau, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể tới 7,5%, mức cao nhất từ cuộc đại khủng hoảng năm 1990-1991.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Hàng trăm tỉ USD tiếp tục được chính quyền phương Tây bơm vào các ngân hàng trong nỗ lực giải cứu thị trường tài chính.
Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat tuyên bố sẽ không từ chức bất chấp tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay mà đỉnh cao là cuộc bạo loạn vừa xảy ra làm hàng trăm người bị thương.
Một người phụ nữ mang theo bom đã kích hoạt ngòi nổ tại tỉnh Diyal, nằm ở phía đông bắc Thành phố Baghdad, Iraq khiến 11 người thiệt mạng và 19 người bị thương.
Gói giải cứu 700 tỷ USD, IMF, Ngân hàng Thế giới, nhóm G7… đều chưa tỏ ra hiệu quả trước cuộc khủng hoảng tài chính.