Nước Mỹ bầu Tổng thống thứ 44: Một kết quả mang tính lịch sử

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/11/2008 | 12:00:00 AM

Chỉ còn vài tiếng nữa (giờ Việt Nam) nước Mỹ sẽ biết mặt vị Tổng thống thứ 44. Theo khảo sát mới nhất của hãng Reuters/Zogby, hiện ứng cử viên tổng thống da màu Ba-rắc Ô-ba-ma của đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng khi dẫn trước đối thủ đảng Cộng hòa Giôn Mắc-kên tại 5/8 bang quan trọng. Hơn 150 triệu người Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này, con số kỷ lục kể từ năm 1960 và khoảng 30 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm.

Người dân thủ đô Oa-sinh-tơn xếp hàng đi bầu cử ngày 4-11.
Người dân thủ đô Oa-sinh-tơn xếp hàng đi bầu cử ngày 4-11.

Ngay từ thời điểm ngày 4-11 mới bắt đầu được vài phút (giờ địa phương), các cử tri tại thị trấn Hát Lô-cây-sơn và Đi-vin Nớt-chơ của bang Niu Hem-sơ đã hoàn tất nghĩa vụ công dân của mình sau khi đi bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ. Và theo hãng tin AP, kết quả kiểm phiếu cho thấy tại Hát Lô-cây-sơn, ông Ô-ba-ma đã nhận được sự ủng hộ của 17/29 cử tri đăng ký. Trong khi đó, số phiếu mà đối thủ Giôn Mắc-kên của đảng Cộng hòa giành được chỉ là 10. Tại Đi-vin Nớt-chơ, tỷ lệ phiếu bầu là 15/6 nghiêng về ông Ô-ba-ma. Đây cũng là lần đầu tiên các cử tri thị trấn này bỏ phiếu cho một ứng cử viên đảng Dân chủ kể từ năm 1968.

Từ đầu cuộc vận động tranh cử, ưu thế đang nghiêng về ứng cử viên trẻ tuổi da màu đầu tiên của đảng Dân chủ B. Ô-ba-ma với  cương lĩnh mang khẩu hiệu “Thay đổi, chúng ta có thể tin tưởng”. Đưa ra cương lĩnh tranh cử với những ưu tiên là cam kết chấm dứt chiến tranh I-rắc, phục hồi nền kinh tế đang vô cùng khó khăn, ứng viên tổng thống  Ô-ba-ma đã đánh trúng tâm lý người dân Mỹ hiện đang suy giảm lòng tin vào chính phủ của đảng Cộng hòa. Nền kinh tế tụt dốc, thất nghiệp gia tăng trong khi tiền của cứ phải đổ vào các “vũng lầy” - chiến tranh ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan... đã làm cho người Mỹ ngán ngẩm. B. Ô-ba-ma  tỏ ra tự tin trước cuộc khủng hoảng tài chính, đưa ra một kế hoạch khôi phục kinh tế có phần rõ ràng và khả thi hơn, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng thuế đối với tầng lớp giàu có, dùng tiền đó để tăng phúc lợi xã hội cho người dân nghèo, tăng sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế, vì thế nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri vào thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, theo nhận định của giới báo chí  thì ứng viên của  đảng  Cộng  hòa G. Mắc-kên không có sở trường thực sự trong lĩnh vực kinh tế. Là người có nhiều kinh nghiệm trong đối ngoại, G. Mắc-kên lại ưu tiên quân sự, cam kết tăng cường sức mạnh quân sự, tăng cường công tác tình báo, duy trì vai trò trung tâm của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong những cơ hội cuối cùng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri, ứng viên Ô-ba-ma tiếp tục khoét sâu vào điểm yếu của đảng Cộng hòa khi để cho nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào thời kỳ ốm yếu. Theo  Ô-ba-ma, các chính sách của Thượng nghị sĩ Mắc-kên chỉ làm trầm trọng thêm khủng hoảng tài chính và cuộc “chiến tranh không lối thoát” tại I-rắc dưới thời Tổng thống Bu-sơ.

Chính vì thế, trong những cuộc thăm dò cuối cùng trước ngày bầu cử, tỷ lệ ủng hộ giữa  hai ứng cử viên  tổng thống  dao động ở mức từ 2-11%, nghiêng về ông Ô-ba-ma. Thực tế này vô  hình  trung  khiến  khoảng 6-10% cử tri còn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà hai ứng cử  viên  Tổng  thống  Mỹ  Ba-rắc Ô-ba-ma  và Giôn Mắc-kên “phá lệ”, tiếp tục cuộc vận động tranh cử cho tới giờ bầu cử. Có thể nói, chưa bao giờ lá phiếu của các cử tri Mỹ gốc Á, gốc Tây Ban Nha và người Do Thái lại được trân trọng như lúc này ở Mỹ, bởi đây sẽ là ẩn số khó lường. Sau thời gian “đấu tranh tư tưởng”, họ sẽ bỏ phiếu cho người có khả năng thay đổi nước Mỹ.

Theo   kết  quả   thăm  dò  của  Reuters/C-SPAN/Zogby công bố ngày 3-11, ứng cử viên Ô-ba-ma dẫn trước ứng cử viên Mắc-kên 7,1 điểm, nới rộng thêm khoảng cách 5,7 điểm một ngày trước đó. Tỉ lệ ủng hộ của cử tri dành cho ông Ô-ba-ma là 50,9% so với mức 43,8% của ông Mắc-kên. Về phần ứng cử viên Giôn Mắc-kên, ông hầu như không xoay chuyển được tình thế với mức ủng hộ từ 44,1% xuống 43,8% và giữ nguyên ở mức này. Còn theo thăm dò của Ga-lúp công bố ngày 3-11, 53% số cử tri chắc chắn đi bầu cử cho biết sẽ ủng hộ ứng cử viên B. Ô-ba-ma, trong khi tỷ lệ này dành cho G. Mắc-kên là 42%.

Cuộc bầu cử năm 2008 là cuộc bầu cử đặc biệt, dù thắng lợi thuộc về đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa thì  chắc chắn đó là một kết quả mang tính lịch sử. Nếu đảng Dân chủ thắng, lần đầu tiên Mỹ có một tổng thống là người da màu. Nếu đảng Cộng hòa thắng, lần đầu tiên Mỹ có một phó tổng thống là phụ nữ. Lợi ích kinh tế sát sườn, hay vấn đề chủng tộc đã thấm sâu vào máu, cử tri Mỹ sẽ trả lời câu hỏi này sau vài giờ nữa.

(Theo HNMĐT)

Các tin khác
Barack Obama.

Ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 khi giành được 15 trong tổng số 21 phiếu ở thị trấn Dixville Notch, bang New Hampshire.

Các nhà kinh doanh ở sàn ngoại hối Tokyo theo dõi tỉ giá đồng yen với USD

Lãnh đạo các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ cùng dự hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Fukuoka (Nhật Bản) vào tháng mười hai để bàn phương thức hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Sách báo về bầu cử Mỹ được bày bán tại một sạp hàng thuộc chợ sách Al-Mutanabi ở thủ đô Baghdad, Iraq hôm 24/10.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008 hiện không chỉ là tâm điểm chú ý tại nước này mà còn là sự kiện được theo dõi sát sao của đông đảo dư luận quốc tế.

Thượng nghị sĩ Obama.

Thượng nghị sĩ Obama đã đứng trên ngưỡng cửa của một chiến thắng lịch sử khi các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ông này đang dẫn trước đối thủ McCain ở một khoảng cách chắc chắn và an toàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục