Phía sau việc Nhật Bản mở rộng vai trò quân sự
- Cập nhật: Thứ hai, 23/3/2009 | 12:00:00 AM
Đại úy Kenji Sawai, Tư lệnh Trung đoàn bộ binh 18 của Nhật Bản, đứng ở sở chỉ huy. Ông mặc bộ quần áo ngụy trang trắng từ đầu tới chân. Trong nhiều thập kỷ qua, sứ mạng của các sĩ quan Nhật như Sawai khá minh bạch: Bảo vệ đất nước.
Binh sĩ Nhật.
|
Đối với Sawai và các binh sĩ của ông, điều đó đồng nghĩa với việc bảo vệ Hokkaido, nơi trung đoàn của ông đóng tại đó, khỏi các cuộc xâm lược.
Giờ định nghĩa này đang thay đổi
Với sự ủng hộ của Washington, giới lãnh đạo chính trị và các nhà hoạch định quân sự Nhật Bản đang thận trọng mở rộng vai trò bấy lâu của quân đội nước này. Trước đây, quân đội Nhật là một lực lượng chỉ ở trong lãnh thổ Nhật Bản. Lập trường mới, trong khi vẫn tập trung vào bảo vệ đất nước, cho phép đưa quân đội ra nước ngoài để tiến hành một loạt sứ mạng lớn.
Các nghị sĩ Nhật Bản đang cân nhắc việc Mỹ kêu gọi Tokyo gửi quân tới Afghanistan để hỗ trợ cho các nỗ lực của Tổng thống Mỹ Obama lập lại hòa bình và trật tự ở quốc gia này. Mỹ đã nói sẽ hoan nghênh việc Nhật Bản gửi quân chiến đấu tới đó.
Chuyển tiếp mang tính thăm dò
Trong khi một động thái như vậy sẽ gây ra sự tranh cãi trong công chúng và sẽ không sớm xảy ra, Chính phủ Nhật Bản đã làm một số việc mà không thể hình dung được cách đây một thập kỷ. Tokyo đã gửi 600 quân phi chiến đấu tới Iraq. Nhật Bản còn đảm nhiệm sứ mạng tiếp nhiên liệu ở Ấn Độ Dương nhằm hỗ trợ quân Mỹ ở Afghanistan. Gần đây, hai tàu của hải quân Nhật đã được cử tới ngoài khơi Somalia để giúp chống cướp biển.
Sự chuyển tiếp mang tính thăm dò này đang tái định hình cán cân sức mạnh ở Đông Bắc Á - một trong những khu vực vũ trang nhiều nhất thế giới. Sự chuyển tiếp đó cũng có thể là chìa khóa đối với an ninh của Nhật Bản khi quân đội Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh và CHDCND Triều Tiên tiếp tục là một quốc gia hạt nhân.
Tại cuộc tập trận "Gió bấc" năm 2009 - cuộc diễn tập quân sự hàng năm với Mỹ, các tư lệnh Mỹ nói rằng, việc huấn luyện liên quan nhiều hơn tới các cuộc tấn công chung, tăng cường hợp tác, chỉ huy và kiểm soát - kiểu huấn luyện cần phải có nếu binh sĩ Nhật chiến đấu bên cạnh Mỹ ở Iraq hoặc Afghanistan.
"Chúng tôi chưa bao giờ thực sự tham chiến và có nhiều điều mà chúng tôi muốn học từ binh sĩ Mỹ", Sawai nói sau khi phát biểu trước các binh sĩ của ông và hàng trăm lính canh phòng bờ biển Mỹ, những người đã tới từ Kentucky để tham gia các cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày.
Đây quả thật là một sự tương phản rõ nét: Nhiều binh sĩ Mỹ tham gia tập trận lần này đã được gửi tới các vùng chiến sự hai hoặc ba lần, trong khi không có binh sĩ Nhật nào từng bắn một viên đạn trên chiến trường kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chủ yếu là do hiến pháp hòa bình mà quân đội Mỹ soạn thảo để ngăn Nhật Bản khỏi tái vũ trang.
Sawai nhấn mạnh rằng, các cuộc tập trận không phải nhằm mục đích chuẩn bị cho quân đội Nhật triển khai ở nước ngoài. "Phòng vệ là sứ mạng của chúng tôi. Sứ mạng này không thay đổi", Sawai nói.
Tuy nhiên, thật khó có thể bỏ qua vai trò mới, xông xáo hơn của quân đội Nhật.
Hai tàu khu trục của Nhật rời căn cứ ở miền Trung tới Somalia. |
Nhật Bản có khoảng 240.000 quân chính quy và chừng 130.000 trong số này là bộ binh hay lực lượng phòng vệ trên bộ.
Hiến pháp Nhật cấm quân đội trang bị hàng không mẫu hạm hoặc một số phương tiện tiếp nhiên liệu trên không cần cho các cuộc tập kích tầm xa. Không giống chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc mà tăng trưởng ở mức hai con số, chi tiêu quân sự của Nhật Bản vẫn không tăng trong nhiều năm. Nhiều năm qua, Trung Quốc đã chi nhiều hơn Nhật Bản, với ngân sách quốc phòng 70 tỷ USD trong năm 2009 so với 49 tỷ của Nhật.
Mặc dù vậy, Nhật Bản có một trong những đội quân được đánh giá cao nhất và được tài trợ nhiều nhất trên thế giới. Hải quân Nhật được coi là hoạt động tốt nhất trong khu vực, chỉ đứng sau Mỹ.
Đảm nhận vai trò lớn hơn
Đầu tháng này, sau nhiều lần trì hoãn trong Quốc hội, hai tàu khu trục của Nhật đã được cử tới ngoài khơi Somalia để tham gia chiến dịch đa quốc gia chống hải tặc. Hai tàu khu trục nữa đã được cử tới biển Nhật Bản để giám sát hoạt động tên lửa của Triều Tiên.
Trước đó, cuối năm ngoái, quân đội Nhật đã kết thúc sứ mạng nhân đạo và cầu hàng không kéo dài 4 năm ở Iraq, chiến dịch lớn nhất ở nước ngoài mà quân đội Nhật tiến hành kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai tới nay.
Ở trong nước, Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ để xây dựng một hệ thống tên lửa phòng thủ trị giá nhiều tỷ USD để bảo vệ đất nước khỏi một cuộc tấn công tiềm năng bởi nước láng giềng Triều Tiên. 50.000 lính Mỹ vẫn đóng tại quốc đảo này.
Các yếu tố của lá chắn tên lửa trên sẽ sớm được thử thách nếu CHDCND Triều Tiên phóng thử các tên lửa đạn đạo tầm xa vào tháng tới. Triều Tiên khẳng định lần phóng này là nhằm đưa một vệ tinh viễn thông vào quỹ đạo. Tuy nhiên, các quan chức Nhật Bản nói rằng, họ sẵn sàng phản công nếu đường đi của tên lửa Triều Tiên hướng tới lãnh thổ Nhật
Đưa quân đội tới Afghanistan hoặc những nơi khác chắc sẽ làm dấy lên sự phản đối của nhiều người Nhật - những người vẫn nhớ hậu quả thảm khốc của các cuộc phiêu lưu quân phiệt thập kỷ trước và phản đối mạnh mẽ mọi hành động có thể khiến Nhật Bản một lần nữa rơi vào chiến tranh.
"Tôi dự đoán Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ đảm nhận một vai trò lớn hơn nhiều trên trường quốc tế trong những năm tới. Có một số nhân tố trong nước và nước ngoài chỉ theo cùng một hướng như vậy", nhà khoa học chính trị Eric Heginbotham thuộc RAND Corporation ở Mỹ nói.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, triển vọng Nhật gửi quân tới Afghanistan là chưa chắc chắn trừ khi tình hình ở đó ổn định hoặc SDF có thể tìm thấy một góc an toàn ở Afghanistan. "Nhật vẫn cực kỳ nhạy cảm với những thương vong".
Các láng giềng của Nhật Bản cũng thận trọng về những bước đi như vậy.
Tuy nhiên, sự phản đối chính trị ở trong nước đang yếu dần. Hai đảng lớn nhất của Nhật Bản đều ủng hộ việc quốc gia này đảm nhận một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế, chủ yếu là vì những lý do dân tộc chủ nghĩa.
Lập trường mới này xuất hiện cùng với áp lực từ Mỹ - nước sẽ hoan nghênh một Nhật Bản mạnh hơn, có thể trợ giúp lực lượng Mỹ đang bị kéo mỏng và là một đối trọng cho sức mạnh quân sự đang tăng lên của Trung Quốc.
"Nhật Bản đang dần đi theo hướng đó", nhà nghiên cứu Tsuneo Watanabe thuộc Viện Tokyo nhận định.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
Tổng thống thứ 44 của Mỹ, người da màu đầu tiên đứng đầu Nhà Trắng thành anh hùng trong vô số sách cho thiếu nhi ngập tràn ở Mỹ.
Liên minh châu Phi tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Madagascar và không có bất kỳ nhà ngoại giao nào tham dự lễ nhậm chức của ông Rajoelina
Trong phản ứng chính thức đầu tiên của La Havana sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ B.Obama thông qua luật chi tiêu tài khóa 2009 nới lỏng một số biện pháp cấm vận chống Cuba, Thứ trưởng Ngoại thương và Ðầu tư nước ngoài Cuba Ricardo Guerrero cho rằng, những nới lỏng này mới là "cử chỉ nhỏ nhoi", đồng thời yêu cầu Mỹ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Cuba kéo dài đã 47 năm nay.
Một chiếc máy bay đã rơi ở bang miền Bắc Montana của Mỹ vào sáng 23/3 (giờ Hà Nội), khiến 17 người thiệt mạng, các quan chức hàng không cho biết. Cùng ngày, một chiếc máy bay của hãng chuyển phát nhanh FedEx đã lao khỏi đường băng và bốc cháy ở Nhật Bản.