Chính phủ cộng hòa Séc sụp đổ: Sóng gió với cả châu Âu
- Cập nhật: Thứ năm, 26/3/2009 | 12:00:00 AM
Chính phủ liên minh ba đảng của Thủ tướng CH Séc Mi-rếch Tô-pô-la-nếch đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện ngày 24-3. Đây được xem là sự "bẽ bàng" lớn đối với ông Tô-pô-la-nếch ngay trong thời điểm nước này đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng CH Séc Mi-rếch Tô-pô-la-nếch (giữa) đã phải “ra đi” vì không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
|
Ngoài ra, Séc cũng đang chuẩn bị đón Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma sang thăm Pra-ha ngày 4 và 5-4 tới để hội đàm về nhiều vấn đề quan trọng trong đó có nội dung liên quan tới kế hoạch triển khai một phần hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) của Mỹ tại Séc mà đây lại chính là một trong những nguyên nhân hạ bệ uy tín của Thủ tướng M. Tô-pô-la-nếch.
Từ khi lên cầm quyền vào tháng 1-2007, tức là chỉ trong vòng hơn 2 năm, Thủ tướng
M. Tô-pô-la-nếch đã phải trải qua tới 5 lần "sát hạch" tại Quốc hội và sự "ra đi" dở chừng của ông Tô-pô-la-nếch cũng đánh dấu lần đầu tiên một chính phủ đương nhiệm phải "giữa đường đứt gánh" kể từ khi CH Séc tách khỏi Tiệp Khắc năm 1993. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân dẫn đến việc Chính phủ Séc không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần này, ngoài sự bất mãn của các cử tri với cái "gật đầu" để Mỹ triển khai một phần NMD, còn do cách điều hành kinh tế của Chính phủ trước tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Phát biểu ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Thủ tướng Tô-pô-la-nếch cho biết ông có thể sẽ từ chức sau chuyến thăm Brúc-xen (Bỉ) ngày 25-3. Hiện vẫn chưa rõ nhân vật nào sẽ được Tổng thống Séc Va-xláp Clau-xơ chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới. Nếu sau ba lần chỉ định liên tiếp của Tổng thống mà không thành lập được một chính phủ mới, Séc sẽ phải tiến hành bầu cử trước thời hạn.
Mặc dù, Thủ tướng M.Tô-pô-la-nếch cho biết sự ra đi của Chính phủ Séc trong thời điểm hiện tại sẽ không ảnh hưởng nhiều tới vai trò Chủ tịch EU của nước này trong 6 tháng đầu năm 2009, tuy nhiên, ngay từ khi đảm nhiệm vị trí "cầm trịch" câu lạc bộ 27 thành viên từ ngày 1-1, nhiều ý kiến đã cho rằng việc chèo lái nhiệm kỳ lãnh đạo EU của Séc khó có thể diễn ra suôn sẻ.
Điều đáng quan tâm là, Thủ tướng M.Tô-pô-la-nếch đảm nhận vai trò Chủ tịch EU đúng vào thời điểm nội bộ CH Séc tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất ổn. Đến nay, thời gian làm chủ tịch EU của Séc đã trôi qua gần một nửa, nhưng nếu xem xét tiến độ thực hiện những ưu tiên chính mang tên "3E" (khủng hoảng kinh tế, an ninh năng lượng và quan hệ đối ngoại) mà nước này đề ra, chắc chắn không ít ý kiến sẽ nhận định rằng "chưa đâu, vào đâu".
Đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử, châu Âu đang tỏ ra lúng túng và khó khăn để tiến tới một giải pháp chung. Đây được xem là một thất bại chung của EU và chính bất đồng giữa các nước thành viên là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại này. Nhưng sâu xa hơn nữa, các chính sách chung và công cụ để thực hiện các chính sách của EU, vốn được đưa ra vào thời điểm kinh tế tăng trưởng ổn định mà nay đã lộ rõ những hạn chế. Một lần nữa, trong bối cảnh khó khăn, vết rạn giữa lòng EU lại sâu thêm. Sự khác biệt và chênh lệch về kinh tế, quan điểm chính trị giữa các quốc gia Đông Âu và Tây Âu khiến cho những nghi ngờ về một liên minh mở rộng ngày càng gia tăng.
Bảo đảm an ninh năng lượng cũng đang là vấn đề khiến EU phải đau đầu. Dù nằm trong số những khu vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất nhưng hiện nay, 2/3 năng lượng sử dụng của EU phụ thuộc vào Nga. Mặc dù thời gian gần đây, EU và Nga đã có những tín hiệu tích cực nhằm xoa dịu căng thẳng, song quan hệ hai bên khó có thể trở lại giai đoạn trước ngày 8-8, thời điểm bùng nổ cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a. Hiện tại, những căng thẳng về năng lượng lại có nguy cơ bùng phát khi ngày 24-3, U-crai-na và EU ký một tuyên bố chung về hiện đại hóa hệ thống trung chuyển khí đốt mà không có sự tham gia của Nga. Ngoài ra, bất đồng về lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông Âu và kế hoạch Đông tiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng là nguyên nhân khiến bế tắc trong quan hệ Nga - EU khó có thể sớm được khai thông.
Hệ lụy của cuộc sụp đổ Chính phủ của Thủ tướng CH Séc M.Tô-pô-la-nếch rõ ràng không chỉ gói gọn trong biên giới quốc gia trung tâm của châu Âu này mà ảnh hưởng của nó - như một viên đá ném xuống mặt nước - sẽ khiến châu Âu phải nghiêm túc xem lại chính sách của khối trên nhiều lĩnh vực.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Học tập người tiền nhiệm Roosevelt cách trấn an dân chúng bằng việc chat qua đài phát thanh trong thời kỳ Đại suy thoái, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Obama cũng tìm ra một cách thức của riêng mình để trả lời những câu hỏi của dân chúng về tình hình kinh tế khó khăn và những nỗ lực khắc phục của ông.
Phát ngôn viên Kremlin Natalya Timakova hôm 24/3 cho biết, Tổng thống Nga và vợ cũng như toàn bộ các quan chức cấp cao của nhà nước, chính phủ nước này sẽ công khai thu nhập, tài sản, bất động sản.
Các ngân hàng Anh, Mỹ lâu nay vốn tranh nhau ngôi vị bá chủ trong ngành tài chính thế giới, nay do các khoản đầu tư mạo hiểm nên đang ngày càng tụt hạng. Trong khi đó, các ngân hàng Trung Quốc dựa trên sự tăng trưởng kinh tế vững chắc với phương thức kinh doanh bảo thủ đang có bước phát triển vượt bậc.
Ba giáo sư, phó giáo sư thuộc Trường đại học Chiết Giang đã chính thức bị cho thôi việc do dính líu đến vụ đạo văn khoa học ngành đông y. Sự kiện gióng lên hồi chuông báo động về nạn giả mạo công trình nghiên cứu khoa học đang như mạch nước ngầm chảy trong giới học thuật nước này.