Trung Quốc đề xuất xây dựng đồng tiền chung thế giới

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/3/2009 | 12:00:00 AM

Trung Quốc đang kêu gọi triển khai sử dụng một loại tiền tệ chung cho toàn thế giới để thay thế cho đồng USD, và thể hiện mong muốn cải tổ lại nền kinh tế thế giới trước cuộc họp thượng đỉnh G20 tại London trong tuần tới để bàn về biện pháp đối phó với khủng hoảng tài chính.

Đề xuất bất ngờ của Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên phản ánh sự lo ngại của Trung Quốc đối với lượng dự trữ lớn trái phiếu của Chính phủ Mỹ của quốc gia này đồng thời gây áp lực để cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu hiện đang thống trị bởi đồng USD và Chính phủ các nước phương Tây. Cả Mỹ và EU đều phản đối ý tưởng này của Trung Quốc.

Thống đốc ngân hàng trung ương Bắc Kinh Chu Tiểu Xuyên cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chứng tỏ hệ thống tiền tệ quốc tế đang bị tổn thương và hàm chứa những rủi ro có tính hệ thống. Ông cho rằng việc tạo ra một loại tiền chung trên cơ sở giá trị các loại tiền tệ trên toàn cầu do IMF kiểm soát sẽ có thể bảo vệ được sự ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu.

Phát biểu này của Thống đốc Chu được công bố bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Trung Quốc từ lâu đã lo ngại về tình trạng phụ thuộc phần lớn vào đồng USD trong hoạt động thương mại và dự trữ ngoạị tệ. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo mới đây vừa yêu cầu Mỹ tránh mọi hành động nhằm đối phó với khủng hoảng có thể làm cho đồng USD suy yếu và làm giảm giá trị của khoản dự trữ 1 ngàn tỉ USD của Trung Quốc cũng như các khoản nợ khác của Chính phủ Mỹ.

Nhiều thập kỷ qua, đồng USD đã được sử dụng phổ biển nhất trên thế giới. Chính phủ của nhiều quốc gia hiện vẫn dự trữ một lượng lớn ngoại tệ bằng đồng USD. Dầu thô và nhiều hàng hoá khác cũng được định giá bằng USD và các giao dịch thương mại trên toàn thế giới cũng được thực hiện bằng USD.

Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính đã chứng tỏ kinh tế Mỹ có vấn đề và việc tiếp tục sử dụng đồng USD có thể gây ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia trên thế giới.

Để bảo vệ các nước, ông Chu cho rằng IMF cần phải tạo ra một “loại tiền tệ dự trữ” dựa trên số cổ phần tại IMF của 185 quốc gia thành viên. Trên thực tế, năm 1969, IMF đã lập ra một đơn vị tiền tệ có tên là Special Drawing Right (gọi tắt là SDR) được tính trên cơ sở giá trị trung bình của giỏ các đơn vị tiền tệ mạnh. Tuy nhiên, vai trò của đồng SDR chưa được phát huy một cách đầy đủ do những hạn chế trong việc sử dụng và phạm vi sử dụng."

Ông cho rằng SDR cần được sử dụng trong thương mại, định giá hàng hoá và thanh toán chứ không chỉ sử dụng trong hoạt động tài chính của Chính phủ.

Ông Chu cũng đề xuất thay đổi giá trị của SDR. Hiện tại, SDR được dựa trên giá trị của 4 loại tiền tệ là USD, Euro, Yên và Bảng Anh. Ông viết “Giỏ các loại tiền tệ làm cơ sở giá trị cho SDR cần phải được mở rộng và bao gồm tiền tệ của tất cả các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới”.

Thời gian gần đây, Trung Quốc cũng đã thẳng thắn bày tỏ sự lo lắng về việc quản lý tài chính của Mỹ cũng như ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế toàn cầu.

Phát biểu của ông Chu cũng là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm đề xuất cải tổ IMF, ngân hàng thế giới và hệ thống tài chính toàn cầu để gia tăng vai trò của Trung Quốc cũng như các nước đang phát triển khác tại cuộc họp thượng đỉnh G20 vào tuần tới.

Tại Washington, chủ tịch Cục dự trữ liên bang Ben Bernanke và Thống đốc Kho bạc Timothy Geithner đều phản đối đề xuất của Trung Quốc trong việc triển khai một đồng tiền dự trữ chung thế giới thay thế vai trò của USD.

Một quan chức kinh tế đứng đầu của EU cũng cho biết, vai trò của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ quốc tế hiện vẫn an toàn.

Kết thúc cuộc họp của Uỷ ban Châu Âu ngày hôm qua, Uỷ viên EU Joaquin Almunia cho rằng: “Các quốc gia Châu Âu vẫn nhất trí sẽ duy trì lâu dài loại tiền tệ dự trữ của thế giới hiện nay là USD”.

Yi Xianrong, nghiên cứu viên tại Viện kinh tế tài chính thuộc Học viện khoa học xã hội Trung quốc cho rằng “Việc cải tổ có thể tạo ra một vai trò thích hợp và tăng cường tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Tuy nhiên điều này cần phải có thời gian. Có thể đơn cử, với vị trí  là một nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới và là quốc gia có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, Trung Quốc cần phải có được một vị trí thích hợp trong cơ quan tiền tệ thế giới.”

Ông cũng cho rằng Mỹ và Châu Âu cần phải từ bỏ những đặc ân truyền thống là được chỉ định người đứng đầu Ngân hàng thế giới và IMF.

Ý tưởng tạo ra một loại tiền tệ dự trữ mới trên toàn cầu thực ra không phải là ý tưởng mới. Nhưng các nhà phân tích cho rằng đề xuất này chưa chắc đã thu hút được nhiều sự quan tâm bởi nó đang gặp những trở ngại lớn. Điều này cần phải có sự nhất trí của các quốc gia từ lâu đã sử dụng USD và đang nắm dữ lượng dự trữ lớn bằng USD.

Michael Pettis, một chuyên gia về tài chính tại đại học Bắc Kinh cho rằng: “Vấn đề tạo ra một loại tiền dự trữ quốc tế đã được bàn thảo nhiều thập kỷ nay, nhưng chưa đạt được một tiến triển nào”.

Theo quan điểm của ông thì quản lý một loại tiền tệ chung trên toàn thế giới sẽ đòi hỏi phải cân bằng các nhu cầu trái ngược của các quốc gia với mức tăng trưởng khác nhau, thặng dư hay thâm hụt thương mại cũng khác nhau.

Ông cũng cho biết, 16 quốc gia Châu Âu hiện đang sử dụng đồng Euro đã gặp những khó khăn lớn trong việc quản lý chính sách tiền tệ mặc dù các nền kinh tế của họ có nhiều điểm tương đồng.

Bởi vậy, ông cho rằng: “Việc quản lý đồng tiền chung trong giao dịch thương mại trên toàn thế giới chưa chắc đã dễ dàng.”

(Theo VnMedia)

Các tin khác

CHDCND Triều Tiên được cho là đã đặt tên lửa tầm xa lên bệ phóng, một động thái mà Mỹ cảnh báo sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ.

Nhật Bản đang triển khai chương trình viện trợ khẩn cấp đối với một số quốc gia đang phát triển tại châu Á, những nơi bị ảnh hưởng nặng trong khủng hoảng tài chính. Hai nước đầu tiên nhận vốn vay là Indonesia và Philippines.

Thủ tướng CH Séc Mi-rếch Tô-pô-la-nếch (giữa) đã phải “ra đi” vì không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Chính phủ liên minh ba đảng của Thủ tướng CH Séc Mi-rếch Tô-pô-la-nếch đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện ngày 24-3. Đây được xem là sự "bẽ bàng" lớn đối với ông Tô-pô-la-nếch ngay trong thời điểm nước này đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU).

Bất cứ người dân Mỹ nào cũng có thể gửi câu hỏi để Tổng thống trả lời.

Học tập người tiền nhiệm Roosevelt cách trấn an dân chúng bằng việc chat qua đài phát thanh trong thời kỳ Đại suy thoái, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Obama cũng tìm ra một cách thức của riêng mình để trả lời những câu hỏi của dân chúng về tình hình kinh tế khó khăn và những nỗ lực khắc phục của ông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục