G8 sẽ cắt giảm 80% lượng khí thải vào 2050
- Cập nhật: Thứ năm, 9/7/2009 | 12:00:00 AM
Tại hội nghị thượng đỉnh G8 đang diễn ra ở miền trung Italy, các nhà lãnh đạo G8 nhất trí duy trì giới hạn đà tăng nhiệt độ trái đất ở mức tối đa 2 độ C đến năm 2050.
Hội nghị ở thành phố L’Aquila cũng đặt ra những mục tiêu mới về cắt giảm lượng khí thải carbon được xem là cần thiết để đạt được giới hạn trên.
Các quốc gia phát triển sẽ cắt giảm 80% lượng khí thải carbon đến năm 2050 để đạt tới mục tiêu giảm 50% lượng khí này trên toàn cầu vào cùng mốc thời gian này. Theo giới phân tích, hiện không có dấu hiệu về việc làm thế nào để đáp ứng các mục tiêu đó.
Từ lâu, nhóm nước phát triển đã bị chỉ trích là tránh né các cam kết tạm thời. Các đại biểu sẽ còn trải qua nhiều cuộc hội đàm cam go trước khi xác định được các mục tiêu tham vọng. Bên cạnh đó, việc cắt giảm khí thải sẽ cần sự hợp tác của những nước đang phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ.
Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết, ông tin các nước ngoài khối G8 sẽ ủng hộ những cam kết nói trên khi vấn đề biến đổi khí hậu được thảo luận trong ngày hôm nay (9/7). Theo nhà lãnh đạo này, thỏa thuận của G8 sẽ dọn đường cho một thỏa thuận toàn cầu tại hội nghị của Liên Hợp Quốc ở Copenhagen tháng 12 tới.
Chương trình nghị sự của G8 tại L’Aquila còn bao gồm các vấn đề khủng hoảng kinh tế toàn cầu, an ninh lương thực, khủng bố, CHDCND Triều Tiên và Iran.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ không đưa ra một quyết định nào về chương trình hạt nhân Iran cho đến hội nghị G20 ở Mỹ vào tháng 9 tới. "Nếu đến lúc đó không có tiến bộ nào, chúng tôi sẽ phải đưa ra quyết định", Sarkozy khẳng định trước các phóng viên.
Iran đã phớt lờ lời kêu gọi ngừng làm giàu uranium của Liên Hợp Quốc. Nước này khẳng định chương trình hạt nhân của họ là để phục vụ các mục đích hòa bình trong khi Mỹ và nhiều quốc gia khác nghi ngờ Iran đang nỗ lực chế tạo vũ khí nguyên tử.
Hội nghị của các nước G8 - gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Nga, Anh và Mỹ - còn có sự tham dự của đại diện 5 nền kinh tế mới nổi (G5) gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Nam Phi.
Về vấn đề kinh tế toàn cầu, một thông báo chính thức của hội nghị đã nêu ra "một số dấu hiệu bình ổn" nhưng viễn cảnh vẫn còn bất trắc với "nhiều rủi ro lớn". "Riêng từng nước và chung các nước, chúng ta sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết để đưa kinh tế toàn cầu trở lại con đường phát triển khỏe mạnh, ổn định và bền vững", trích thông báo trên.
L’Aquila, địa điểm tổ chức hội nghị 3 ngày của G8, vẫn phải hứng chịu các cơn dư chấn từ trận động đất thảm khốc hồi tháng 4. Do vậy, các nhà tổ chức đã xây dựng một kế hoạch sơ tán phòng trường hợp lại có động đất mạnh xảy ra ở đây.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
Theo kết quả bầu cử sơ bộ không chính thức, đương kim Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đang dẫn trước các đối thủ chính và nhiều khả năng tiếp tục làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa.
Theo Reuters và Tân Hoa xã, tại cuộc họp báo ngày 7-7 ở Geneve (Thụy Sĩ), Trợ lý Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Keiji Fukuda thông báo, dịch bệnh cúm A (H1N1) đã lan ra 134 nước và vùng lãnh thổ với hơn 98 nghìn người nhiễm bệnh, trong đó có 440 người chết.
Mười bốn trường hợp mắc cúm A H1N1 đã xuất hiện trong số các lính Mỹ đóng tại căn cứ quân sự lớn nhất ở Afghanistan, nguồn tin chính phủ và quân đội hôm nay (8/7) cho biết.
Khi hai tổng thống Mỹ và Nga tuyên bố về hòa giải, họ nhất trí là vẫn còn nhiều bất đồng, và đã cẩn thận lựa chọn những từ ngữ giống nhau nhưng được hiểu theo cách khác nhau.