Báo chí Trung Quốc kêu gọi xóa bỏ hộ khẩu
- Cập nhật: Thứ năm, 4/3/2010 | 1:41:46 PM
Ngày 1-3, lần đầu tiên 13 tờ nhật báo ở Trung Quốc đã liên kết với nhau khi cùng đăng một xã luận chung đề cập một vấn đề nóng bỏng liên quan đến cuộc sống của người dân: hộ khẩu.
Người lao động nhập cư tại Bắc Kinh.
|
Bài xã luận được đăng trước ngày khai mạc hai kỳ họp Chính hiệp và Quốc hội vào ngày 3 và 5-3, trong đó khẩn thiết kêu gọi các ủy ban Chính hiệp và đại biểu Quốc hội “sử dụng các quyền mà nhân dân đã đặt vào tay mình để thúc đẩy các cơ quan chính phủ bãi bỏ quy định về đăng ký hộ khẩu từ năm 1958 và đưa ra một lịch trình rõ ràng để bãi bỏ chế độ hộ khẩu trên phạm vi toàn quốc”.
Một câu hỏi
"Chúng tôi không chỉ là những nhân chứng mà còn là những người tham gia" Báo Quan Sát Kinh Tế, Trung Quốc, viết về sáng kiến của 13 tờ báo |
Thế nhưng, như số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu phát triển Trung Quốc, ngoài những người có hộ khẩu ở nông thôn, 230-240 triệu lao động nhập cư từ lâu đã không được tiếp cận với các dịch vụ công và xã hội, bởi những cải cách lẻ mẻ trong nhiều năm qua cũng không thay đổi là bao đối với hiện trạng này.
Xã luận nêu rõ chính sách hộ khẩu hiện hành đã tạo khoảng cách bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn, hạn chế sự tự do của người dân nông thôn khi đến các thành phố lớn mưu sinh. Ngoài ra, quyển hộ khẩu thành thị cũng đã biến thành đối tượng mua bán ở các thành phố lớn... Nhật Báo Phương Nam còn cho rằng hộ khẩu là rào cản khiến lao động nhập cư mất đi nhiều quyền lợi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...
Bởi vậy, xã luận chung của 13 tờ báo viết: “Thế hệ những lao động đầu tiên từ nông thôn đã phải trả giá cho sự phát triển của các thành phố bằng lao động của họ. Thế nhưng, con cái họ đến nay vẫn luôn không có cách gì giải quyết nổi những khó khăn về nhân thân của mình. Con cái họ vẫn phải gánh chịu những khó khăn mà cha mẹ mình từng phải chịu đựng. Các thành phố, nơi chúng đang sinh sống, vẫn không cho phép chúng hội nhập. Chúng tôi xin đặt câu hỏi: sự ngăn cách này sẽ còn được duy trì trong bao thế hệ nữa?”.
Dương Thành - người Hồ Bắc, nhà tạo mẫu tóc ở Thượng Hải - là một trong những người trẻ thuộc thế hệ con cái của thế hệ đầu tiên. Từ một công nhân nhà máy sản xuất đồng hồ với lương tháng khoảng 1.500 nhân dân tệ (220 USD), Dương đã chủ động đi học nghề làm tóc và chuyển đến Thượng Hải với mức thu nhập 5.000 nhân dân tệ/tháng. Tuy nhiên, Dương đã chua chát nhận ra với chế độ hộ khẩu hiện hành thì anh còn phải chật vật nhiều hơn nữa mới có thể trở thành công dân thành thị và an cư lạc nghiệp.
Cải cách hộ khẩu
Chính vì vậy, Nhật Báo Trung Quốc đánh giá vấn đề cải cách hộ khẩu có thể sẽ trở thành đề tài nóng trên bàn nghị sự của “hai kỳ họp” bắt đầu từ ngày 3-3. Trước khi bài xã luận được đăng, vấn đề cải cách chế độ hộ tịch cũng đã được các giới chức có uy tín ở Trung Quốc đề cập. Nhân Dân Nhật Báo dẫn lời ông Hàn Trường Phú, tân bộ trưởng nông nghiệp Trung Quốc, nhận định lao động nhập cư sinh cuối thập niên 1980 và 1990 đang ý thức rất rõ về công bằng và dân chủ trong một xã hội mở hơn.
“Họ không chấp nhận khoảng cách thành thị và nông thôn và đang đòi hỏi sự đối xử công bằng trong việc làm, dịch vụ công và quyền lợi về chính trị ngang bằng với cư dân thành thị”, và hộ khẩu là một điều kiện để họ được hòa nhập và phát triển bình đẳng hơn về mọi mặt.
Ngày 27-2, Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong dịp giao lưu trực tuyến với người dân qua mạng cũng đã khẳng định chính phủ cần thông qua cải cách chế độ hộ tịch, tạo điều kiện cho lao động nhập cư công tác và sinh hoạt lâu dài ở thành thị có đủ điều kiện hòa nhập cuộc sống ở nơi họ làm việc.
Thật ra, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đã nới lỏng quy định về hộ khẩu đối với lao động nhập cư từ những năm qua, và điều này cho phép những nông dân nhập cư được hưởng các chế độ bảo hiểm và các dịch vụ công như giáo dục chẳng hạn. Từ tháng 3-2008, các thành phố như Từ Khê (Chiết Giang), Trường Xuân (Cát Lâm) đã bắt đầu loại bỏ chế độ tạm cư và cấp giấy cư trú dài hạn cho người dân. Đến ngày 1-1-2010 các thành phố như Quảng Châu, Đông Quản (Quảng Đông) cũng đã thực hiện chế độ này.
Tính đến nay toàn Trung Quốc có 10 thành phố thực hiện chế độ trên, trong đó có năm thành phố quy định nếu lao động nhập cư được cấp giấy cư trú sau một năm sẽ được nhập hộ khẩu. Thế nhưng, như xã luận viết: “Trong rất nhiều địa phương, chúng tôi đang chứng kiến hộ khẩu còn như một mắt xích thắt chặt biết bao người. Đối với họ, mỗi giây phút qua đi trong sự chờ đợi cuộc cải cách hộ tịch càng như dài thêm”.
Lưu ý sự tự do đi lại là cần thiết cho nền kinh tế thị trường, xã luận còn nhấn mạnh cuộc cải cách hộ tịch sẽ không chỉ đem lại lợi ích cho nền kinh tế và đô thị hóa, mà còn phù hợp với điều chính phủ nói là “lấy con người làm trung tâm” và là cơ sở cho việc xây dựng một xã hội hài hòa.
* Ông Dụ Quốc Minh, giám đốc Viện Nghiên cứu dư luận thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định: đây là lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Trung Quốc, các báo liên kết với nhau để đăng bài xã luận về một chủ đề, và đây là một thử nghiệm mới. Theo ông Trương Hồng - phó tổng biên tập báo mạng Quan Sát Kinh Tế, sự hợp tác này được thực hiện theo cách của báo The Guardian (Anh), trong đợt khởi xướng hoạt động 56 tờ báo lớn trên toàn cầu cùng đăng xã luận về biến đổi khí hậu Copenhagen hồi tháng 12-2009. * Từ ngày 1-3, an ninh đang được thắt chặt ở Bắc Kinh để chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba khóa 11 của Chính hiệp và Quốc hội Trung Quốc khai mạc ngày 3 và 5-3. Nhân Dân Nhật Báo cho biết hơn 700.000 nhân sự đã được huy động để giữ trật tự công cộng suốt 10 ngày diễn ra kỳ họp với hơn 5.000 đại biểu trên toàn Trung Quốc về Bắc Kinh dự họp. Từ ngày 2-3, các lực lượng công an, cảnh sát cơ động, cảnh vệ tuần tra liên tục ở khu vực xung quanh Đại lễ đường Nhân Dân, đặc biệt sáng 3-3 lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã được bố trí dày đặc trên đại lộ Trường An (Bắc Kinh), gần nơi diễn ra hội nghị. |
Các tin khác
Với 243 phiếu thuận trên tổng số 404 phiếu, quốc hội Ukraine đã thông qua kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Yulia Tymoshenko.
Ngày 2/3, phái đoàn quan chức cấp cao Mỹ đã tới Bắc Kinh, một động thái được đánh giá nhằm hàn gắn quan hệ giữa hai nước đã bị “sứt mẻ” trong thời gian gần đây.
Hãng AP cho biết khoảng một giờ sau khi trận siêu động đất mạnh 8,8 độ richter xảy ra 3 đợt sóng thần liên tiếp cao khoảng 6 m đổ vào thị trấn ven biển Talcahuano, cuốn gần như toàn bộ thị trấn này ra biển.
Số người chết trong trận động đất kinh hoàng mạnh 8,8 độ richter cuối tuần trước tại Chile hiện đã lên đến 795 người, trong khi vẫn còn 19 người khác mất tích.