Tây Âu gây sức ép buộc Iran thỏa thuận với IAEA
- Cập nhật: Thứ ba, 18/5/2010 | 2:24:21 PM
Ngày 17/5, các cường quốc Tây Âu tiếp tục gây sức ép buộc Iran phải ký thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về vấn đề nhiên liệu hạt nhân, bất chấp Tehran đã đồng ý chuyển urani được làm giàu ở cấp độ thấp của nước này tới Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy nhiên liệu hạt nhân dùng cho các lò phản ứng hạt nhân.
Một cuộc tập trận của hải quân Iran.
|
Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner đề nghị IAEA lên tiếng đầu tiên về thỏa thuận giữa Iran với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.
Phó Phát ngôn viên Chính phủ Đức Christoph Steegmans khẳng định việc Iran đi đến thỏa thuận với IAEA về làm giàu urani có ý nghĩa quan trọng và không thỏa thuận nào có thể thay thế thỏa thuận giữa Tehran và IAEA.
Tại Tây Ban Nha, nơi ông đang tham dự hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ Latinh, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy tuyên bố EU không thay đổi lập trường về vấn đề hạt nhân của Iran. Ông đồng thời yêu cầu Iran khẳng định lại với cộng đồng quốc tế về những ý định hạt nhân của nước này.
Theo bà Maja Kocijancic, người phát ngôn của Ngoại trưởng EU Catherine Ashton, việc Iran đồng ý đổi urani làm giàu ở cấp thấp lấy nhiên liệu hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ là quyết định đáng hoan nghênh, nhưng không giải tỏa được những quan ngại của cộng đồng quốc tế về những cam kết sử dụng nhiên liệu hạt nhận vì mục đích hòa bình mà Tehran đã tuyên bố.
Bà Kocijancic cho rằng thỏa thuận Iran ký với Thổ Nhĩ Kỳ là sự "biến tấu" từ đề xuất của IAEA về kế hoạch làm giàu urani của Iran, do vậy chỉ IAEA mới có quyền quyết định thỏa thuận này có chấp nhận được hay không.
Quan chức này cũng cho biết bà Ashton đồng ý đối thoại với Tehran, nhưng chỉ để thảo luận về vấn đề hạt nhân.
Các nhà ngoại giao phương Tây có quan hệ mật thiết với IAEA đe dọa thỏa thuận Iran ký với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil không giúp loại bỏ được những sự trừng phạt tiếp theo của Liên hợp quốc đối với Iran.
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Lula da Silva coi thỏa thuận trên là một thắng lợi ngoại giao giúp đưa quan điểm giữa các bên liên quan xích lại gần nhau hơn và khiến Iran lần đầu tiên đồng ý chuyển urani đến nước thứ ba.
Ông Lula bác bỏ việc một quan chức cấp cao Israel cáo buộc Iran vận động Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad bày tỏ hy vọng các cường quốc tế giới sẽ đối thoại với Iran sau khi nước này công bố thỏa thuận ký với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.
Theo thỏa thuận được các ngoại trưởng Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil ký ngay trước đó trong dịp Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Brazil cùng tới Tehran, Iran sẽ chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ 1.200kg urani làm giàu cấp độ 3,5% để đổi lấy 120kg nhiên liệu làm giàu cấp độ 20%.
Số urani của Iran chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được bảo quản tại Thổ Nhĩ Kỳ và do Iran cùng IAEA giám sát, quản lý.
Giới chức phương Tây cũng như Nga nhấn mạnh đây là cơ hội cuối cùng để Tehran tránh được các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc về chương trình hạt nhân.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Iraq tuyên bố vừa phá âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào Nam Phi, nơi sẽ diễn ra vòng chung kết bóng đá thế giới tháng tới.
Chiến hạm Hải quân Hoàng gia thuộc đội chống hải tặc của NATO vừa tiết lộ họ đã phá hủy hai tàu hải tặc ở vùng vịnh Somalia, khiến mười tên cướp phải đầu hàng.
Phi cơ chở khách của hãng hàng không Pamir Airways lao xuống vùng núi Salang phía bắc Afghanistan hôm qua.
Chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ chấp nhận đề nghị ngừng bắn từ “áo đỏ” nếu các tay súng của nhóm này chấm dứt các cuộc tấn công trên những tuyến phố và trở về điểm biểu tình Rajprasong, nhưng khẳng định sẽ không thương lượng nếu “áo đỏ” chưa chấm dứt biểu tình.