“Thảm họa bùn đỏ” ở Hungary: Cả châu Âu lo lắng

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/10/2010 | 8:52:53 AM

Không chỉ đất nước Hungary mà cả châu Âu đang phải đối mặt với một thảm họa sinh thái nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử.

Bùn đỏ “tấn công” một vùng rộng lớn ở Hungary.
Bùn đỏ “tấn công” một vùng rộng lớn ở Hungary.

Đúng như lo ngại của các chuyên gia, 1 triệu mét khối bùn đỏ - chứa nhiều kim loại nặng độc hại, trong đó nhiều loại có khả năng gây ung thư - từ vụ nổ bể chứa chất thải của nhà máy sản xuất nhôm Ajkai Timfolgyar ở thị trấn Ajka, cách thủ đô Budapest khoảng 160km về phía Tây nam hôm 4-10, đã lan tới sông Danube.

Đến chiều 8-10, nhiều dấu hiệu bất ổn tiếp tục xuất hiện khi dòng lũ bùn đỏ kinh hoàng - sản phẩm phụ để tinh chế quặng bauxite thành nhôm - không ngừng tấn công các nhánh nhỏ của con sông thơ mộng lớn thứ hai châu Âu này. Cuộc sống của nhiều sinh vật trên sông Raba, sông Mosoni và vùng phụ lưu theo hướng Serbia và Romania đã bị "xóa sổ". Kết quả các phân tích mới nhất cho thấy, tỷ lệ chất kiềm trong nước của sông Danube hiện lên tới 9,07%, trong khi mức trung bình được phép là 6-8%. Tình trạng ô nhiễm này có thể tác động tới gần 10 quốc gia có sông Danube chảy qua.

Theo ông Gbor Figeczky, quyền Giám đốc điều hành Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) ở Hungary, sự phá huỷ mà dòng bùn đỏ gây ra cho cuộc sống thiên nhiên sẽ nghiêm trọng đến mức "không thể đánh giá". Vì ngoài việc cướp đi sinh mạng của 4 người, làm khoảng 150 người khác bị thương, 6 người mất tích và hàng trăm gia đình buộc phải đi sơ tán, dòng bùn đỏ độc hại ở Hungary có thể để lại những hậu quả lâu dài lên đất đai, nước ngầm, cây cối và động vật ở những khu vực mà nó tràn qua. Điều đáng lo ngại nhất trong trường hợp này là lịch sử công nghệ sản xuất nhôm chưa hề biết đến chuyện một bể chứa bị vỡ, khiến biển bùn đỏ tràn ngập các khu dân cư. Do đó, đánh giá về những hậu quả của dung dịch kiềm gây ra cho môi trường và hệ sinh thái, ngắn cũng như dài hạn, phần lớn mang tính lý thuyết. Đứng trước nguy cơ thảm họa bùn đỏ tiếp tục lan rộng, Chính phủ Hungary đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) thiết lập cơ chế bảo vệ dân sự cho toàn bộ Liên minh châu Âu (EU), trong trường hợp các nước thành viên chịu thảm họa kỹ thuật tương tự vụ bùn đỏ "tấn công" này.

Trớ trêu là "thảm họa bùn đỏ" lại rơi vào đúng quốc gia từng được coi là có thế mạnh về công nghệ chế biến bauxite. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, đã có lúc Hungary đứng hàng thứ 8 trên thế giới về khai thác bauxite. Tuy nhiên, kể từ khi Liên Xô tan rã, sự thay đổi trong hệ thống chính trị ở quốc gia Đông Âu này kéo theo một thời gian dài khủng hoảng kinh tế, những điều kiện kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong công nghệ chế biến nhôm và xử lý chất thải không còn được coi trọng đúng mức. Trong khi nhiều quốc gia phát triển, kể cả Trung Quốc và Ấn Độ đang chuyển dần các nhà máy sản xuất nhôm từ quặng bauxite sang công nghệ thải bùn "khô", thì Hungary vẫn sử dụng công nghệ "ướt", nghĩa là các chất thải tồn tại ở dạng lỏng. Đây là công nghệ được coi là lạc hậu trên thế giới. Hậu quả là, niềm tự hào một thời của Hungary nay đã trở thành mối nguy hại trầm trọng đến môi trường. Hiện tại, Hungary có 4 nơi lưu giữ bùn đỏ. Đáng chú ý là tại Almásfüzitó , hơn 12 triệu tấn bùn đỏ đang "nằm" ngay cạnh sông Danube. Dù được xử lý một cách bảo đảm thế nào đi nữa, đây vẫn là "trái bom sinh thái", tiềm ẩn những nguy cơ khủng khiếp đối với cư dân và môi trường. Nếu sự cố tương tự tại Ajka xảy ra, chắc chắn dòng sông xanh biếc từng đi vào thi ca và hội họa của châu Âu sẽ bị "nhuốm đỏ".

Rõ ràng, "tấn thảm kịch bùn đỏ" ở Hungary là một lời cảnh báo đối với nền công nghiệp chế biến quặng bauxite trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển. Khi mải miết chạy theo những lợi ích ngắn hạn vì mục tiêu lợi nhuận mà phớt lờ những cảnh báo về môi sinh thì hậu quả cuối cùng sẽ là khôn lường.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Người thân các mỏ cầm lá cờ in ảnh 33 thợ mỏ bị mắc kẹt.

Các nhân viên cứu hộ Chile hi vọng mũi khoan cứu hộ được sử dụng để cứu 33 thợ mỏ bị mắc kẹt dưới lòng đất sẽ tới nơi họ đang bị kẹt trong 24 giờ nữa, mở đường cho chiến dịch giải cứu trong vài ngày tới.

Đúng như dự đoán của nhiều người, Lưu Hiểu Ba - giáo sư 54 tuổi người Trung Quốc đã đoạt giải Nobel Hòa bình 2010, theo kết quả vừa công bố chiều nay (8/10) của Ủy ban Nobel Na Uy.

S-300 là tổ hợp tên lửa đối không tiên tiến.

Phía Nga hôm 7-10 vừa tuyên bố bồi thường 800 triệu USD cho Iran sau khi hủy hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Teheran.

Một lớp học nông thôn ở Kenya.

Chính phủ Kenya cho biết qua điều tra họ đã phát hiện 1.000 giáo viên lạm dụng tình dục các em học sinh nữ ở độ tuổi từ 12-15 trong suốt 2 năm qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục