Thoát nghèo từ chăn nuôi tổng hợp
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/11/2013 | 2:38:09 PM
YBĐT - Gia đình anh Hoàng Văn Khuyến, thôn Năn II, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn (Yên Bái) vốn là một hộ nghèo. Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư phát triển chăn nuôi, nay gia đình anh đã trở thành một hộ khá giả. Không chỉ vậy, anh còn thường xuyên giúp đỡ các hộ khác cùng phát triển kinh tế gia đình.
Mô hình nuôi ba ba ở Cát Thịnh được đông đảo khách thập phương đến tham quan, học hỏi.
|
Trước đó, cũng như nhiều gia đình nông thôn khác, gia đình anh Khuyến gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình. Cuộc sống chỉ trông vào mấy sào ruộng, đất đai nhiều nhưng thiếu kiến thức chăn nuôi, trồng trọt và vốn nên cái đói cái nghèo cứ bám lấy. Năm 2007, xã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông huyện tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa nước, kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm, anh Khuyến cũng đến tham gia học tập.
Sau khóa học, anh bàn với vợ con vay mượn anh em, bạn bè và vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 20 triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Do ít vốn, chưa có kinh nghiệm nên anh chỉ nuôi 4 con lợn nái sinh sản. Lợn đẻ được con nào, anh đem nuôi lợn thịt bấy nhiêu. Tuy là năm đầu chăn nuôi nhưng đàn lợn 70 con cứ ăn, cứ lớn, không bệnh tật, cuối năm bán được 4,5 tấn lợn hơi, thu 112 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 70 triệu đồng.
Có vốn, anh tiếp tục đầu tư mua máy xát nghiền thức ăn gia súc, mở rộng chuồng trại chăn nuôi, đầu tư trồng 1ha ngô đồi và chăn nuôi gia cầm. Tất cả kiến thức sau khóa học tập huấn áp dụng vào thực tế đồng thời nghiên cứu thêm sách vở, áp dụng đúng quy trình chăn nuôi nên năm 2008, hai lứa lợn của anh mỗi lứa 45 con phát triển tốt, bán được trên 7 tấn lợn hơi. Cùng với lợn, hơn một tấn gia cầm đã được bán ra thị trường và dịch vụ xay xát đã cho gia đình thu nhập trên 320 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 190 triệu đồng. Toàn bộ diện tích hơn 1ha ngô đồi trồng quanh năm, thu hoạch là anh nghiền làm thức ăn phục vụ cho chăn nuôi.
Lý giải về chăn nuôi lợn cho lãi cao, anh Khuyến nói: “Nếu chăn nuôi mà cho ăn toàn cám công nghiệp thì lãi thấp lắm, giá lợn hơi xuống thấp có khi còn lỗ. Gia đình tôi cho lợn ăn kết hợp vừa cám công nghiệp vừa cám ngô, cám gạo, giá thành thức ăn giảm 1/3, chất lượng thịt lại ngon hơn. Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải chọn giống chuẩn, công tác tiêm phòng dịch nghiêm ngặt, hạn chế tối đa người vào khu chăn nuôi. Nhờ vậy, những năm vừa qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhiều nhưng gia đình vẫn phát triển chăn nuôi ổn định”.
Từ những thành công ban đầu, có đồng lãi nào là anh lại tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Từ năm 2009 đến nay, anh ổn định quy mô nuôi 100 đầu lợn, từ 500 - 700 con gia cầm. Năm 2012, gia đình anh đạt doanh thu trên 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi 250 triệu đồng mỗi năm. Từ một hộ nghèo trải qua 5 năm đầu tư phát triển chăn nuôi, đến nay trở thành một hộ khá giả, anh đã xây được nhà 2 tầng rộng 200m2, mua sắm đầy đủ các tiện nghi, quan trọng hơn là có điều kiện chăm sóc con cái học hành đầy đủ.
Không chỉ làm giàu cho mình, anh Khuyến còn thường xuyên vận động, giúp đỡ và hướng dẫn bà con trong thôn cùng phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững. Bằng sự giúp đỡ của anh, đã có 3 hộ thoát được nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Trong nhiều năm, anh Khuyến được công nhận là hội viên nông dân sản xuất giỏi và nhận nhiều giấy khen, bằng khen từ tỉnh đến cơ sở.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình nhưng cô bé Nguyễn Thị Tâm đã theo gia đình lên xây dựng vùng kinh tế mới tại xã vùng cao Tân Thịnh, huyện Văn Chấn. Ở đây, cô bé đã được nghe kể về những đứa trẻ ở vùng cao chưa được học chữ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn… vì thế Nguyễn Thị Tâm đã sớm nung nấu mơ ước trở thành nhà giáo dạy chữ cho học trò vùng cao.
YBĐT - “Thầy đã “may mắn” trượt đại học, trò ạ!” - tiêu đề cho bài viết chỉ vỏn vẹn hơn 300 từ của một thầy giáo được lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng mạng, truyền tai những đứa học trò. Đó không phải là sự cổ vũ cho những thất bại, mà là những chia sẻ chân thành về trải nghiệm thực sự của một người đã từng trượt đại học để rồi vượt qua thất bại, vươn lên thành công.
YBĐT - Cậu sinh viên sinh năm 1992, nhà ở mãi tận xã vùng cao đặc biệt khó khăn Tà Xi Láng của huyện Trạm Tấu (Yên Bái), có dáng người thấp bé hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng bù lại, Páo có ánh mắt rất sáng, toát lên vẻ thông minh, lanh lợi hiếm gặp.
YBĐT - Xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) từ nhiều năm nay tình trạng sinh con thứ 3 đã trở thành hy hữu, số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng, nhiều gia đình tuy chỉ sinh con một bề là nữ song cũng đã yên tâm tập trung phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái trưởng thành... Kết quả này có được là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của chị Hoàng Thị Dược, người đã có thâm niên hơn 10 năm làm cán bộ chuyên trách dân số.