Gương sáng bản Thái
- Cập nhật: Thứ tư, 15/6/2016 | 9:46:28 AM
YBĐT - Anh Điêu Sông Thao ở bản Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ đang sở hữu nhiều tài sản giá trị và thu nhập bình quân hàng năm trên 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương…
Sinh năm 1986 lấy vợ và ra ở riêng từ năm 2010 với 2 bàn tay trắng, nhưng chỉ sau 5 năm, đoàn viên Điêu Sông Thao đã có 2 xe ô tô vận tải trị giá hơn 500 triệu đồng; có 1 trại chăn nuôi và 3 thửa đất ở và nhiều tài sản có giá trị khác. Để có những tài sản này, anh Thao đã không ngại vất vả, thức khuya dậy sớm, hăng say lao động với nhiều nghề, miễn sao kiếm ra tiền bằng chính suy nghĩ chính đáng và công sức của mình để tăng thu nhập giúp cho cuộc sống, con cái được học hành đầy đủ.
Anh Thao cho biết: "Trước đây, tôi cũng đi làm ăn xa nhưng công việc rất phụ thuộc và đồng tiền kiếm được không nhiều, cuộc sống vất vả. Từ đó, mình nghĩ tuổi còn trẻ, sức khỏe tốt thì phải làm chủ cuộc sống mình. Chính vì vậy, mình mạnh dạn học lái xe, mua xe vận tải chở nguyên vật liệu và bắt đầu kiếm được tiền đầu tư vào phát triển kinh tế tại chỗ. Nhờ đó, cuộc sống bây giờ khấm khá hơn nhiều, con cái mình được đến trường học hành chu đáo".
Anh Thao cho biết, năm 2013, vợ chồng anh được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Nghĩa Lộ để thêm tiền mua chiếc ô tô tải đầu tiên.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc nhận chở vật liệu xây dựng và cung cấp cát, đá, sỏi, năm 2015 anh tiếp tục mua thêm 1 xe ô tô 2 tấn trị giá gần 300 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng anh thu về khoảng 50 triệu đồng và tạo việc làm cho từ 5 - 7 lao động địa phương.
Bà Vũ Thị Yên ở bản Xà Rèn, xã Nghĩa Lợi bày tỏ: "Tôi và nhiều chị em thường xuyên đi làm cho cháu Thao mỗi khi có việc xúc cát sỏi, đất đá. Cháu Thao trả công rất đầy đủ, giúp chúng tôi có thêm thu nhập mỗi tháng để cải thiện cuộc sống".
Không những giỏi lao động, anh Thao cùng vợ còn nhanh nhạy trong buôn bán. Nhận thấy nhu cầu trong thôn bản về dịch vụ xay xát, nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng thường nhật rất cao, nên anh Thao quyết định mở thêm dịch vụ xay xát, bán hàng tạp hóa, vật tư nông nghiệp.
Từ dịch vụ này, mỗi năm cũng cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Có tiền, anh tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi lợn với quy mô một năm 3 lứa; mỗi năm xuất chuồng khoảng 3 tấn lợn thịt, thu về khoảng 120 triệu đồng; chưa kể anh còn chăn nuôi thêm trên trăm con gà vịt và nấu rượu. Tính tổng thu nhập mỗi năm của gia đình anh Thao khoảng 500 triệu đồng.
Chị Lò Thị Thúy - Bí thư Đoàn xã Nghĩa Lợi cho biết: “Thực hiện phong trào thi đua phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên, đoàn viên Điêu Sông Thao luôn là người đi đầu. Anh Thao cũng rất nhiệt tình hướng dẫn nhiều đoàn viên trong xã làm kinh tế như: chăn nuôi, buôn bán nhỏ, cung ứng phân bón... tạo thu nhập ổn định cho nhiều gia đình đoàn viên”.
Với thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, đoàn viên Điêu Sông Thao đã được nhiều cấp khen thưởng. Điều quan trọng là, anh đã thực sự trở thành tấm gương đoàn viên người dân tộc thiểu số tiêu biểu để cho nhiều thanh niên và người dân địa phương noi theo trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Thư
Các tin khác
YBĐT - Với vai trò là Chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT), ông Thập tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền về công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT; tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, động viên con cháu lao động, sản xuất, tham gia những việc có ích cho xã hội.
YBĐT - Năm nay 38 tuổi, nhưng anh Hoàng Văn Tú ở xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong nuôi lợn sinh sản kết hợp nuôi lợn thịt. Từ nghèo khó gia đình anh đã ổn định kinh tế, xây dựng được cơ ngơi khang trang, con cái được học hành đến nơi, đến chốn.
YBĐT - Với thầy giáo Lại Xuân Duy, học Bác, làm theo Bác đơn giản chính là những công việc thường ngày và điều mà thầy luôn nung nấu là làm sao Yên Bái có nhiều học sinh giỏi, sánh với các tỉnh, thành trong cả nước.
YBĐT - Việc linh hoạt, nhạy bén đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm về xã Chấn Thịnh của ông Lò Văn Mậu không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới cho nền kinh tế nông nghiệp địa phương.