Ông Ba trồng cam Vinh cho thu nhập cao

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/8/2016 | 10:01:34 AM

YBĐT - Dày công cho hẳn một năm làm mọi công việc tại một hộ trồng cam Vinh ở xã Minh Tiến, huyện Lục Yên để tìm hiểu thực tế, nắm bắt kỹ thuật và tin vào hiệu quả mang lại, ông Nông Văn Ba ở thôn 4 Nà Bó, xã Mường Lai, huyện Lục Yên chính thức đưa cây cam Vinh về trồng năm 2007.

Cây cam Vinh mang về 180 triệu đồng trong năm 2015 cho gia đình ông Nông Văn Ba ở thôn 4 Nà Bó, xã Mường Lai, huyện Lục Yên.
Cây cam Vinh mang về 180 triệu đồng trong năm 2015 cho gia đình ông Nông Văn Ba ở thôn 4 Nà Bó, xã Mường Lai, huyện Lục Yên.

 Đầu tiên, ông trồng 100 gốc. Khi thấy cây cam phát triển tốt, ông đi mua về trồng tiếp 50 gốc và giá cây giống lúc này đã tăng lên gấp đôi. Trong khoảng 3 năm, 4 năm sau đó, dù ông cố gắng rất nhiều trong quá trình chăm sóc vườn cam nhưng một số cây vẫn chết. Không chịu bó tay, ông Ba tiếp tục tìm sang huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang để học hỏi kinh nghiệm trồng cam của người dân địa phương.

“Tôi đã chịu khó lần mò, thật thà, khiêm tốn để có thể nắm bắt các kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cam” - ông Ba kể lại - “Có nhiều việc, nhiều bệnh trong thực tế mình chưa làm, chưa gặp nên phải chú tâm quan sát, tìm hiểu, gợi mở thì mới nhận được nhiều nhất thông tin mà mình muốn có”. Ông bảo rằng kinh nghiệm chăm sóc cây cam cũng như việc học tập, phải tích lũy dần dần theo thời gian. Cũng bởi thế mà việc chăm sóc vừa dễ vừa khó, nếu biết thì dễ, không biết thì khó.

Đối với cây cam Vinh của gia đình, trong chăm sóc hàng năm, ông Ba tuyệt đối không phun bất cứ loại thuốc gì khoảng 2 tháng trước khi thu quả. Sau khi thu hoạch xong toàn bộ là công đoạn vệ sinh vườn, phun thuốc trừ nấm tổng hợp. Tới lúc cây cam ra lộc, ông phun thuốc trừ sâu và trước 15 ngày cây ra hoa sẽ tiến hành phun thuốc kích ra hoa. Ông sử dụng bón lót cho cây cam khi đào hố bằng supe lân Lâm Thao, cây lớn dùng NPK, sau khi thu hoạch xong thì bón lót với lân 777.

Thời gian 10 năm trồng cam thực tế, ông Ba cho biết có một số bệnh thường gặp trên cây cam là vàng lá, gỉ sắt, ghẻ cam, phấn trắng, muội đen. Có một bệnh ông thấy khó nhất ở cây cam là vàng lá gân xanh, tuy đã thử nhiều loại thuốc và đã đỡ nhiều nhưng vẫn chưa cho hiệu quả triệt để. Việc sử dụng các loại thuốc trị những loại bệnh này, ông đều học hỏi những người trồng cam ở Hà Giang. Cẩn thận đến mức với mỗi loại bệnh, ông không chỉ đọc kỹ cách hướng dẫn sử dụng trên bao bì mà còn đi đến nhiều hộ khác nhau để so sánh, đối chứng thực tế để xem họ có làm cùng một cách hay không.

Hiện ông Ba muốn tìm phân chuồng để chăm sóc cho vườn cam nhưng nguồn cung còn khó khăn, nhất là phân gà. Khắc phục điều này, ông đã nghĩ ra cách đặt 3 máng ăn cho gà, vịt quanh mỗi gốc cam với mục đích tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên cho gia cầm, cỏ quanh gốc cam cũng chết một cách tự nhiên lại có phân bón cho cây. Ông làm theo kiểu cứ 5 ngày đến 7 ngày luân phiên 3 máng ăn từ gốc này đến gốc kia cho toàn bộ khu vườn trồng cam của gia đình.

Trồng cây bao nỗi gian nan để mong ngày thu quả ngọt. Cây cam trồng sau 3 năm đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế vượt trội so với cây lúa. Năm đầu thu ít, các năm sau cao hơn dần. Năm 2015, ông Ba xuất bán 8 tấn cam Vinh, thu về 180 triệu đồng và năm nay dự ước sẽ đạt từ 200 - 250 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ cam của gia đình ngay trên địa bàn huyện Lục Yên, thương lái vào tận nhà thu mua và có thời gian là vợ ông mang ra chợ huyện bán.

Ông vui vẻ cho hay: “Thích nhất là nghe vợ tôi đi chợ về kể lại, khách hàng bảo cứ phải đợi bà ấy mang cam ra thì mới mua mặc dù có nhiều người cũng bán loại quả này. Đấy chính là điều tôi theo đuổi, là sự tạo dựng uy tín từ khi tôi theo cây cam Vinh”.

Năm nay, các cành chiết mới bắt đầu cho thu hoạch vì hàng năm ông vẫn liên tục nhân cành chiết, cành ghép. Tin tưởng cây cam Vinh và nhận thấy cây cam này hợp nhất với đất vườn, đất bãi soi của gia đình, ông đã mở rộng diện tích thêm 700 m2 nhờ dồn đổi đất ruộng bên cạnh 400 gốc hiện có. Xởi lởi và nhiệt tình, ông Ba tâm niệm: “Lời nói là chia sẻ. Chia sẻ để giúp nhau. Tôi đã đi qua những ngày tháng đầu tiên gian khó cùng cây cam. Tôi sẵn sàng cho đi những kiến thức, kinh nghiệm của mình nếu mọi người thật lòng mong muốn học hỏi”.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Bí thư Bàn Văn Lương (áo đen) giới thiệu với lãnh đạo xã chiếc máy tuốt lúa anh vừa đầu tư để phục vụ bà con trong thôn.

YBĐT - Nhiệt tình, năng nổ, có uy tín, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua ở thôn; phát huy tốt vai trò bí thư chi bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, những quy định, quy ước của xã, thôn... Đó là những lời nhận xét từ người dân khi nói về anh Bàn Văn Lương - Bí thư Chi bộ thôn Khe Mạ, xã Tân Hương, huyện Yên Bình.

Anh Ngô Văn Tài chăm sóc đàn vịt trời.

YBĐT - “Lấy vợ xong rồi muốn làm gì thì làm, nuôi vịt trời nhỡ nó bay mất thì sao…” - những lời can ngăn ấy không cản được niềm đam mê của chàng thanh niên Ngô Văn Tài, thôn 4, xã Đại Phác, huyện Văn Yên.

Mô hình nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao của hội viên CCB Đặng Văn Hãnh.

YBĐT - Phát huy những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống, hội viên cựu chiến binh (CCB) Đặng Văn Hãnh ở Chi hội thôn Hồng Quân 1, xã Hán Đà (Yên Bình) không chỉ là tấm gương sống mẫu mực cho mọi người học tập noi theo mà ông còn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ngoài chăn nuôi giỏi, gia đình ông Bùi Văn Đoan còn mạnh dạn đầu tư kinh doanh thức ăn chăn nuôi tăng thêm thu nhập.

YBĐT - Trở về sau chiến tranh, cứ “trái nắng, trở trời”, mảnh đạn nằm trong cơ thể lại “hành hạ” ông Bùi Văn Đoan, thương binh 1/4 ở thôn Lương Thịnh 3, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái. Thế nhưng, không ngừng “chiến đấu”, chống chọi với bệnh tật, vượt qua biết bao khó khăn trong cuộc sống, người thương binh ấy vẫn nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục