Cựu chiến binh Hoàng Ngọc làm kinh tế giỏi
- Cập nhật: Thứ tư, 31/8/2016 | 8:40:25 AM
YBĐT - Đứng trước hơn một mẫu đất trồng cây ăn quả của gia đình, ông Hoàng Ngọc - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên vẫn không khỏi xúc động trước thành quả từ bao nhiêu công sức, mồ hôi của mình nay đã được đền đáp.
Cựu chiến binh Hoàng Ngọc chăm sóc vườn cây ăn quả.
|
Theo chân ông Hà Đình Dương - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) thị trấn Cổ Phúc, tôi đến nhà ông Hoàng Ngọc, 64 tuổi, là một hộ tiêu biểu làm kinh tế giỏi của Hội CCB thị trấn. Trước khi đi bộ đội, ông Ngọc làm việc trong một đơn vị thuộc lĩnh vực kiến trúc đường sắt ở Gia Lâm, Hà Nội.
Tháng 3/1975, ông nhập ngũ thuộc Trung đoàn 42, Quân khu Tả Ngạn tại Đông Triều, Quảng Ninh và rồi có một thời gian sang Campuchia tham gia chiến đấu. Năm 1981, ông xuất ngũ, trở về quê hương Hưng Yên. Do có gia đình anh trai ở thị trấn Cổ Phúc nên cuối năm 1982, ông Ngọc theo đi làm thêm. Năm 1984, ông đưa vợ con lên cùng và bám trụ tới bây giờ.
Sinh ra ở Hưng Yên - vùng đất nổi tiếng với cây ăn quả, ông được các anh chị em, họ hàng khuyến khích làm nghề. Bắt đầu theo nghề trồng cây, nghe nói xã Việt Thành có thể phát triển được nghề này, ông Ngọc quyết tâm vay mượn tiền những người quen thân để thuê một mẫu rưỡi đất trồng đủ loại cây: cam, quýt, bưởi, ổi...
Không may cho ông Ngọc, năm 1986, lũ kéo về, vỡ đê, vườn cây của gia đình ngập úng hết. Thiệt hại nặng nề, đã nghèo lại càng nghèo hơn nhưng không vì thế mà ông nản lòng. Ông quyết định bán đất của gia đình để trả nợ, khôi phục kinh tế. Ông chăm chỉ, cần mẫn tìm hiểu qua sách, báo cũng như các mô hình trồng cây của người dân Hưng Yên quê hương mình để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm sản xuất trong rất nhiều năm.
Ông Ngọc kể: “Để nói về lợi nhuận có thể kiếm được qua việc trồng cây ăn quả thì cũng 10 năm rồi nhưng thời kỳ hưng thịnh nhất của tôi là 5 năm trở lại đây”. Năm 2010, ông về thị trấn Cổ Phúc làm và thuê một mẫu hai đất, quyết định cải tạo và trồng các loại cây ăn quả, cây cảnh có giá trị kinh tế cao như: cam, quất, nhãn, bưởi, táo...
Tính đến nay, vườn nhà ông Ngọc có khoảng 140 đến 150 cây ăn quả các loại đều đã cho thu hoạch cùng với 150 cây cảnh để bán. Trung bình mỗi năm, trừ tất cả chi phí, gia đình ông thu hơn 100 triệu đồng nhờ việc bán cây cảnh và các loại quả. Ông phấn khởi nói: “Đến tết là thời điểm tôi làm ăn được nhất, chủ yếu bán cây quất cảnh, cam Đường canh. Rẻ nhất một cây quất tôi cũng bán được 150.000 đồng, còn đắt nhất thì lên tới gần chục triệu đồng”.
Ông Hà Đình Dương - Chủ tịch Hội CCB thị trấn Cổ Phúc cho biết: “Gia đình ông Ngọc là hộ tiêu biểu của Hội CCB thị trấn với nghị lực vượt khó, làm kinh tế giỏi. Ông được như ngày hôm nay nhờ đã nỗ lực không ngừng. Ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 3”.
Ông Ngọc chia sẻ thêm: “Trồng cây ăn quả dễ hơn các loại cây nông nghiệp khác, cơ bản người trồng phải biết và hiểu rõ đặc tính của từng loại cây. Thời gian đầu, mình phải đặc biệt quan tâm, phải bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng, nắm chắc hàm lượng phân bón cho từng loại cây, việc phòng trừ sâu, bệnh cũng không được lơ là”.
Để làm được điều đó, ông thuê người làm về giúp mình tập trung chăm sóc vườn cây, phòng tránh trường hợp xấu nhất khi ông vắng mặt. Một ngày của ông bắt đầu từ 5 giờ sáng để tỉa lá, tưới nước, chăm sóc... cho cây. Gia đình ông là một trong số ít hộ của thị trấn Cổ Phúc được Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên lựa chọn đầu tư thực hiện Dự án thí điểm trồng cây măng tây. Dự án mới bắt đầu được hơn một tháng và khoảng 6 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, ông cũng đang rất mong chờ kết quả tốt đẹp.
Với ý chí, bản lĩnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Hoàng Ngọc vừa là một chi hội trưởng gương mẫu được nhiều người quý mến, nể phục vừa là một tấm gương vượt khó, làm kinh tế giỏi để mọi người học hỏi.
Hải Hà
Các tin khác
YBĐT - Khi có tiếng nói của ông, mọi người đều nghe theo, từ đó mọi việc đều được giải quyết suôn sẻ, từ vận động bà con trong thôn đóng góp xây bể chứa nước dẫn về bản đến đồng lòng hiến đất, đóng góp tiền, công sức làm đường bê tông, xây dựng hệ thống kênh mương, đường điện sinh hoạt, chung tay xóa nhà dột nát, làm nhà sinh hoạt cộng đồng…
YBĐT - Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ nuôi ong, ông Thắng quyết định cùng 11 người có chung hướng phát triển kinh tế ở thành phố Yên Bái, thị trấn Cổ Phúc, xã Nga Quán, xã Minh Quán (Trấn Yên) thành lập Hợp tác xã (HTX) Ong mật Hoàng Liên Sơn. HTX Ong mật Hoàng Liên Sơn đã có trên 2.000 đàn ong, không kể các đàn ong được nuôi vệ tinh.
YBĐT - Tại thôn Quyết Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên, anh Vũ Thanh Tùng nổi tiếng với biệt danh “Triệu phú ở làng nghèo” bởi ý chí vượt khó trở thành ông chủ một trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn trên địa bàn.
YBĐT - Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, từ một hộ nghèo nhất nhì trong thôn, đến nay, gia đình anh Hoàng Văn Toàn, thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã trở thành hộ khá giả với mô hình nuôi cá lồng cho thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm.