Mãi mãi là người lính đi đầu

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/10/2016 | 7:03:26 AM

YBĐT - Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm là yếu tố đã góp phần tạo nên thành công cho cựu chiến binh Lưu Văn Thiết trong phát triển kinh tế gia đình.

“Những năm tháng rèn luyện trong quân ngũ đã giúp tôi trở nên kiên cường và mạnh mẽ. Bởi thế, khi về với cuộc sống đời thường, khó khăn, vất vả không làm tôi gục ngã. Ước mơ về một cuộc sống hết đói nghèo, lam lũ là động lực để tôi nỗ lực vươn lên trong cuộc sống” - đó là lời chia sẻ chân thành của cựu chiến binh Lưu Văn Thiết  (ảnh) ở thôn 12, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn - người đi đầu trong phát triển kinh tế của địa phương.

Tới thăm mô hình phát triển kinh tế của cựu chiến binh (CCB) Lưu Văn Thiết, điều đầu tiên khiến ai cũng bất ngờ, thán phục chính là trông thấy một cơ ngơi hoành tráng với đầy đủ tiện nghi và các khu chăn nuôi, trồng trọt được bố trí khoa học.

Từ hai bàn tay trắng, không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong việc nhà nông, song với tinh thần ham học hỏi và ước mơ làm giàu chính đáng đã thôi thúc ông Thiết quyết tâm tìm hướng thoát nghèo. Thay vì chăn nuôi các giống lợn truyền thống, ông Thiết đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi lợn rừng. Với số lượng ban đầu chỉ có 5 con, nay đàn lợn của gia đình ông đã tăng lên vài chục con.

CCB Lưu Văn Thiết cho biết, chăn nuôi lợn rừng không khó, song đòi hỏi phải có kỹ thuật và tuân thủ tốt các quy trình trong công tác phòng chống dịch bệnh, nếu không thiệt hại kinh tế sẽ không nhỏ. Do đó, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, ông lại nghiên cứu, tìm hiểu các loại sách, báo, tài liệu hướng dẫn về cách chăm sóc và nuôi dưỡng lợn rừng.

Nhờ có sự tâm huyết, hiểu biết trong chăn nuôi, nên chưa khi nào đàn lợn rừng của gia đình ông Thiết bị dịch bệnh và chất lượng thịt luôn được các thương lái đánh giá cao. Năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế, tận dụng lợi thế đất đai của gia đình, ông Thiết còn đầu tư chăn nuôi dê với số lượng trên 100 con.

Được chăn thả trong điều kiện tự nhiên kết hợp với chăm sóc tốt, đàn dê luôn khỏe mạnh, nhanh lớn, do đó đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Trung bình với việc xuất bán hàng trăm con dê và lợn rừng mỗi năm, gia đình CCB Lưu Văn Thiết thu về 400 - 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn thu lãi khoảng trên 200 triệu đồng.

Chưa dừng lại với những kế hoạch trong chăn nuôi, nhận thấy diện tích đất trồng chè lâu năm của nhà mình đã trở nên cằn cỗi, bạc màu, năng suất, chất lượng chè đạt thấp, ông Thiết đã cải tạo đồi chè, chuyển hẳn sang trồng cam đường canh và cam sành. Sau một thời gian trồng, nhận thấy cây cam phát triển tốt, ông đã mua thêm 2 ha đất đồi để trồng cam.

Hiện tại, gia đình ông đang có gần 1.000 gốc cam, bước đầu đã cho thu hoạch với số tiền lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm. CCB Lưu Văn Thiết tâm sự: “Để kinh tế gia đình ngày càng phát triển vững mạnh, tôi dự định, thời gian tới sẽ trồng thêm 200 gốc chanh, đào ao để thả cá và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà và trâu, bò”.

Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm là yếu tố đã góp phần tạo nên thành công cho CCB Lưu Văn Thiết trong phát triển kinh tế gia đình; đồng thời, trở thành tấm gương sáng cho các đồng chí, đồng đội và bà con trong vùng học tập, noi theo. Với vai trò Chi hội phó Chi hội CCB thôn 12, xã Thịnh Hưng, CCB Lưu Văn Thiết còn luôn tận tình giúp đỡ các gia đình hội viên và bà con trong thôn, xã thay đổi cung cách làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp nói chung.

Với sự lãnh đạo của ông, từ năm 2011 - 2016, Chi hội CCB thôn 12 đã giúp đỡ được 6 gia đình hội viên vươn lên thoát nghèo, riêng gia đình CCB Lưu Văn Thiết đã ủng hộ 16 triệu đồng để giúp đỡ các gia đình hội viên và bà con trong thôn có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Với những kết quả đạt được, trong nhiều năm liên tục, gia đình CCB Lưu Văn Thiết đã được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và bản thân CCB Lưu Văn Thiết được tặng danh hiệu “Cựu chiến binh gương mẫu” do Hội CCB tỉnh trao tặng.

 Hồng Oanh

Các tin khác
Đoàn viên Dương Văn Thu (phải) thôn Hin Lò, xã Yên Thắng (Lục Yên) giới thiệu mô hình 300 gốc cam của mình.

YBĐT - “Về quê có người thân gia đình, có đất làm nhà, đất trồng rừng, trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, có ruộng để tăng gia sản xuất... đi xa làm gì, mình sợ lắm rồi!” - Đó là những lời chia sẻ của Dương Văn Thu, sinh năm 1983 ở thôn Hin Lò, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên mà tôi đặc biệt ấn tượng.

Chị Hoàng Thị Phượng kiểm tra quy trình sản xuất phân bón tại xưởng sản xuất của Công ty.

YBĐT - “Đối với khởi nghiệp, vấn đề tuổi tác không thật sự quá quan trọng. Hãy tìm một nguồn cảm hứng cho doanh nghiệp bạn và luôn tin rằng, dù trẻ hay già, bất kỳ ai có niềm đam mê, quyết tâm đều khởi nghiệp thành công”. Tôi đọc được câu này của một vị tiến sĩ, xin được mượn nó để dành cho chị Hoàng Thị Phượng - Giám đốc Công ty TNHH Phân bón An Phú Điền (Văn Chấn) - người phụ nữ dân tộc Tày không ngại chọn khởi nghiệp ở tuổi 54.

YBĐT - Ở vùng cao Púng Luông (Mù Cang Chải) đã có nhiều mô hình cựu chiến binh điển hình giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏ.i 

Chị Nguyễn Bảo Ngọc trao quà của các nhà hảo tâm cho cháu Bàn Thị Lưu ở thôn Khe Hóp, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

YBĐT - Tôi gặp chị lần đầu trong Chương trình “Nồi cháo nghĩa tình” do Câu lạc bộ thiện nguyện Thanh niên Khối Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Chị là người bảo trợ duy nhất của tỉnh Yên Bái được đi dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V năm 2016.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục