Cô giáo Nguyễn Thị Hiền thắp sáng niềm tin vào sự nghiệp “trồng người”
- Cập nhật: Thứ tư, 16/11/2016 | 8:16:03 AM
YBĐT - Suốt 27 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải miệt mài chăm lo cho các thế hệ học trò.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền luôn chăm lo cho học trò.
|
Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm 12+2 Nghĩa Lộ, cô Nguyễn Thị Hiền nhận công tác tại Trường cấp I Púng Luông nay là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Púng Luông, thuộc xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải.
Suốt 23 năm giảng dạy ở đây, cô Hiền được nhiều thế hệ học trò yêu mến, kính trọng bởi sự mẫu mực về đạo đức và khả năng chuyên môn vững vàng. Năm 2012, cô Hiền được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường TH&THCS La Pán Tẩn.
Trường đóng trên địa bàn của một xã còn nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm và khả năng quản lý nhạy bén, cô Hiền cùng Ban Giám hiệu và các thầy, cô giáo, nhà trường ngày càng phát triển. Về cơ sở vật chất, nhà trường được đầu tư tương đối hoàn chỉnh với phòng học khang trang cùng đầy đủ các phòng vi tính, thư viện, phòng học bộ môn…
Về chất lượng dạy và học, nhờ cố gắng duy trì nề nếp học tập, nâng cao chất lượng giảng dạy nên hàng năm, học sinh xếp loại học lực khá, giỏi đạt tỷ lệ cao, số học sinh có hạnh kiểm trung bình hoặc yếu luôn được hạn chế ở mức thấp nhất. Phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt” luôn được duy trì, góp phần tạo động lực để nhà trường phát triển.
Là người nhạy bén, quyết đoán, cô Hiền đã kịp thời đưa những ứng dụng mới vào giảng dạy để tạo hiệu quả hơn trong việc dạy và học.
Đối với tập thể nhà trường, cô Hiền luôn nhắc nhở, chỉ bảo những đồng nghiệp trẻ, tạo điều kiện để tất cả các giáo viên có điều kiện hoàn thiện khả năng chuyên môn, nâng cao trình độ. Nhờ vậy, từ chỗ số giáo viên của Trường đạt trình độ trên chuẩn thấp thì nay tỷ lệ đó là 49%. Sâu sát trong công tác quản lý, cô Hiền thường xuyên theo sát công việc của các tổ chuyên môn.
Đặc biệt, cô rất quan tâm tới những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng nên mỗi khi giáo viên chủ nhiệm báo có trường hợp nào là cô Hiền có hướng chỉ đạo kịp thời.
Cô còn phối hợp với Hội Phụ huynh học sinh đến nhà động viên, thuyết phục các em không bỏ học, ra lớp trở lại. Cô còn tranh thủ nguồn tài trợ của các tổ chức xã hội để giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường. Nhờ vậy, nhiều năm học vừa qua, Trường TH&THCS La Pán Tẩn không có học sinh bỏ học giữa chừng.
Gần 27 năm gắn bó với nghề, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng cô Hiền vẫn vẹn nguyên bầu nhiệt huyết với sự nghiệp "trồng người". Tâm sự với chúng tôi, cô vẫn trăn trở với nghề, đau đáu để làm sao chất lượng dạy và học của Trường TH&THCS La Pán Tẩn ngày càng nâng lên… Cô Hiền luôn được đồng nghiệp quý mến, phụ huynh và học sinh luôn tin yêu, kính trọng.
Thầy giáo Nguyễn Quyết Việt - giáo viên Tổ Toán - Lý, Trường TH&THCS La Pán Tẩn cho biết: “Cô Hiền luôn là người theo sát các hoạt động của Trường, nhiệt tình trong tất cả các phong trào. Cô là một người rất vững về chuyên môn, có khả năng quản lý và hết lòng gắn bó với nghề, là tấm gương để mỗi cán bộ, giáo viên học tập, noi theo”.
Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Đến nay, ở huyện Yên Bình đã xuất hiện hàng trăm mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, cho thu nhập từ 50 - 500 triệu đồng/năm. Đoàn viên trẻ Trần Kim Hiếu ở thôn Đại Thân 1, xã Đại Minh là tấm gương tiên tiến, điển hình như thế!
YBĐT - “Em phải cố gắng học thật giỏi để sau này làm bác sĩ, chữa bệnh cho mọi người và nghiên cứu phương thức chữa trị căn bệnh ung thư mà mẹ em đã mắc phải”. Đó là tâm sự của em Giàng A Nàng, học sinh lớp 8B, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Trạm Tấu trong câu chuyện với chúng tôi.
YBĐT - Bình quân mỗi năm, gia đình anh bán trên dưới 30 con dê giống và dê thịt. Tính ra thu nhập từ đàn dê mỗi năm cho gia đình hơn 40 triệu đồng,
YBĐT - Thông qua phong trào, nhiều tấm gương NCT tích cực phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã xuất hiện.