Ông Sinh thoát nghèo nhờ nuôi gà thả vườn

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/12/2016 | 8:12:17 AM

YBĐT - Đến nay, mỗi lứa gà nhà ông Sinh nuôi khoảng trên 600 con và sau 120 - 140 ngày nuôi, khi đã trừ chi phí đầu vào, ông thu về gần 30 triệu đồng.

Đàn gà của gia đình ông Kim Tiến Sinh, thôn Loan Hương, xã Tân Hương, huyện Yên Bình.
Đàn gà của gia đình ông Kim Tiến Sinh, thôn Loan Hương, xã Tân Hương, huyện Yên Bình.

Đứng trước đàn gà trên 600 con của gia đình ông Kim Tiến Sinh ở thôn Loan Hương, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, ai cũng phải nể phục và mừng cho ông, vì trước kia gia đình ông thuộc hộ nghèo trong xã. Ở đây, không ai là không biết đến gia đình ông bởi sự cần cù, sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo nhờ đầu tư vào mô hình nuôi gà thả vườn.

Trước đây, kinh tế gia đình ông Sinh chỉ trông vào 4 sào ruộng, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn. Vất vả hơn nữa, năm 2010, vợ ông bị mắc chứng bệnh rối loạn thần kinh thực vật, nên gia đình phải vay mượn tiền mọi nơi từ người thân đến bạn bè để có tiền chữa trị.

Đồng thời, con cái ông lúc này cũng đang tuổi đi học, một mình ông phải gồng mình xoay sở, lo toan mọi việc trong gia đình, nên khó khăn chồng chất khó khăn.

Ông kể lại: “Vợ tôi bị bệnh này nhiều khi không ý thức được hành vi của mình. Có lần, đang nửa đêm, cô ấy chạy ra ngoài trời đứng, phải có người ra gọi mới tỉnh. Tôi phải vay mượn tiền để tập trung vào chữa trị bệnh cho vợ, chẳng còn thời gian mà làm ăn, lo kinh tế cho gia đình”.

Đến năm sau, bệnh của vợ ông được chữa khỏi và từ lúc đó 2 vợ chồng mới quyết định chọn cách chăn nuôi gà thả vườn để phát triển kinh tế gia đình. Thời gian đầu do chưa có ai định hướng cũng như hướng dẫn cách chăn nuôi, nên gia đình ông Sinh chỉ dám nuôi khoảng 200 con gà được nhập từ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển chăn nuôi Hòa Phát. Không may cho ông, cũng năm đó, cả đàn gà 200 con chết gần hết, do ông không có kinh nghiệm nuôi cũng như xử lý thuốc và tiêm phòng bệnh cho gà.

Điều đó không hề làm ông nản lòng. Sau thất bại của lần nuôi trước, lần này ông rút kinh nghiệm hơn và vừa nuôi vừa tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Trạm Khuyến nông mở. Đồng thời, nghiên cứu tài liệu, học tập kinh nghiệm của những người đi trước từ khâu chọn giống đến cách làm chuồng, trại hợp lý, phòng, chống dịch bệnh. Ngay cả việc cho ăn cũng phải hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của gà để chúng hấp thụ thức ăn một cách tốt nhất.

Sang năm 2012, ông mạnh dạn đầu tư nuôi thêm trên 600 con gà và 200 con vịt siêu trứng. Ông Sinh chia sẻ: do gia đình có diện tích chăn thả rộng nên gà khỏe mạnh, chỉ cần đảm bảo máng ăn, nước uống đầy đủ là gà có thể tự do phát triển. Cách nuôi gà cũng rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Gà con từ 1 đến 2 tháng tuổi cho ăn 100% cám công nghiệp và trước khi bán cho ăn với tỷ lệ 1 cám +1 ngô đảm bảo thịt gà chắc và thơm ngon.

Nhờ được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện trực tiếp xuống tư vấn, hỗ trợ kiến thức phòng bệnh, nên đàn gà nhà ông phát triển ổn định, không bị dịch bệnh. Đến nay, mỗi lứa gà nhà ông nuôi khoảng trên 600 con và sau 120 - 140 ngày nuôi, khi đã trừ chi phí đầu vào, ông Sinh thu về gần 30 triệu đồng.

Chỉ vào đàn gà hơn 2 tháng tuổi đang phát triển tốt, ông Sinh tâm sự: “Đàn gà này nếu phát triển bình thường thì hơn 1 tháng nữa là có thể bán được và con lớn cũng trên 2 kg. Thời điểm đó, cận tết Nguyên đán nên nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, gà hút hàng, giá sẽ tăng mạnh. Năm nào cũng vậy, tôi canh ngay đợt tết để xuất chuồng, nên bán được giá cao”.

Với thu nhập này, gia đình ông Sinh hoàn toàn có thể làm giàu từ việc nuôi gà thả vườn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công mà gia đình ông đạt được, ông cũng chia sẻ thêm: hiện giờ có rất nhiều các chợ đầu mối, trang trại còn bán trôi nổi con giống không đảm bảo về nguồn gốc cũng như chất lượng.

Bên cạnh đó, đầu ra của nhưng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như gia đình ông cũng đang gặp khó khăn trong việc xuất bán ra thị trường. Ông rất mong các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn quan tâm hơn nữa đến việc kiểm tra, kiểm duyệt chặt chẽ chất lượng đầu vào như: con giống, thức ăn, vật tư thú y… và mở hướng đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của các hộ chăn nuôi.

Hải Hà

Các tin khác
Cô giáo Trần Thị Trà Giang - người nhen nhóm ước mơ lý tưởng cho các em học sinh.

YBĐT - Thương yêu học sinh, tâm huyết với nghề, luôn trăn trở với từng bài giảng và mỗi trang giáo án, cô giáo Trần Thị Trà Giang - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đông An, xã Đông An (Văn Yên) là một giáo viên gương mẫu, có nhiều thành tích trong sự nghiệp “trồng người”.

YBĐT - Cô giáo Lò Thị Én Xuân – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Mười, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn là một trong 52 bông hoa rực rỡ nhất trong vườn hoa giáo dục vùng cao được tuyên dương tại buổi gặp mặt cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu vùng khó khăn do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái tổ chức ngày 16/11 vừa qua nhân kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2016).

Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt - Lý A Sử (áo trắng) đang hướng dẫn đồng bào Mông trong xã kỹ thuật canh tác.

YBĐT - Tháng 3 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Đưa 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước, Lý A Sử đã trúng tuyển và được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt phụ trách mảng kinh tế.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền luôn chăm lo cho học trò.

YBĐT - Suốt 27 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải miệt mài chăm lo cho các thế hệ học trò.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục