Gương sáng Lý A Sử
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/11/2016 | 8:11:17 AM
YBĐT - Tháng 3 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Đưa 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước, Lý A Sử đã trúng tuyển và được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt phụ trách mảng kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt - Lý A Sử (áo trắng) đang hướng dẫn đồng bào Mông trong xã kỹ thuật canh tác.
|
Năm 2010, học xong Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Lý A Sử - chàng thanh niên người Mông sinh năm 1986 tại thôn La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải trở về địa phương với mong muốn áp dụng những kiến thức vào phát triển kinh tế gia đình.
Từ mảnh đất 2 ha của bố mẹ để lại, Sử đã gây dựng mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi lợn, gà, trồng xoài, trồng rau... theo hướng hàng hóa. Vốn là con nhà nông, lại có kiến thức nên mô hình trang trại của Sử phát triển tốt, đem lại những thành công bước đầu.
Năm 2012, Sử lần đầu tiên bán rau, củ, quả, thảo quả, lợn, gà... và thu nhập trên 100 triệu đồng. Thành quả bước đầu này là tiền đề để giúp gia đình Sử ổn định kinh tế, thoát nghèo và trở thành mô hình kinh tế điển hình của xã La Pán Tẩn được nhiều người đến tham quan học tập.
Lý A Sử chia sẻ: "Hàng năm, mô hình kinh tế vườn rừng của gia đình phát triển bền vững, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhiều người trong bản, xã thường xuyên tới thăm quan, học tập luôn được tôi giúp đỡ. Đặc biệt, với các bạn đoàn viên thanh niên mong muốn phát triển kinh tế tại địa phương, tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn về phương thức sản xuất và áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất".
Tháng 3 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Đưa 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước, Lý A Sử đã trúng tuyển và được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt phụ trách mảng kinh tế. Lần đầu tiên làm công tác lãnh đạo lại công tác tại địa phương khác, Sử tích cực học tập, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Với đức tính chăm chỉ, ham học hỏi, không ngại khó khăn, Sử nhanh chóng đáp ứng được nhiệm vụ, chủ động công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương về các phương án, phương pháp, mô hình phát triển kinh tế và phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ chuyên môn, cán bộ Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y huyện và các bí thư chi bộ, trưởng bản, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi các dự án, mô hình sản xuất, đề ra phương án phòng cháy chữa, cháy rừng và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm...
Đặc biệt, Sử đã trực tiếp tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương mạnh dạn đưa giống mới và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với địa phương được cấp ủy, chính quyền đưa vào thực hiện có hiệu quả, được nhân rộng như: mô hình trồng lúa mì vụ đông xuân, trồng khoai tây vụ đông, khoai tây vụ xuân trên chân ruộng một vụ; mô hình trồng nấm và đang xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây tam thất...
Nhận xét về Phó Chủ tịch UBND trẻ tuổi - Lý A Sử, đồng chí Thào A Sinh - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khắt cho biết: "Đồng chí Lý A Sử tham gia công tác tại xã đã tích cực tham mưu với cấp ủy và phối hợp với các ngành đưa các giống mới vào sản xuất đạt hiệu quả cao như giống ngô Nk56, giống Việt lai 20... Đặc biệt, đồng chí Sử đã trực tiếp tham gia với bản Nậm Khắt chỉ đạo nhân dân trồng mới được 80 ha sơn tra và vận động nhân dân xây nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo các tiêu chí về nông thôn mới, giữ vững các chuẩn về y tế. Đồng chí Sử luôn nhận được sự tín nhiệm, quý mến của các cán bộ và nhân dân trong xã".
Nhờ những đóng góp cho chính quyền, nhân dân tại xã Nậm Khắt, Lý A Sử đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, UBND tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, Lý A Sử được Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2013.
Văn Dương - Duy Quỳnh
Các tin khác
YBĐT - Suốt 27 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải miệt mài chăm lo cho các thế hệ học trò.
YBĐT - Đến nay, ở huyện Yên Bình đã xuất hiện hàng trăm mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, cho thu nhập từ 50 - 500 triệu đồng/năm. Đoàn viên trẻ Trần Kim Hiếu ở thôn Đại Thân 1, xã Đại Minh là tấm gương tiên tiến, điển hình như thế!
YBĐT - “Em phải cố gắng học thật giỏi để sau này làm bác sĩ, chữa bệnh cho mọi người và nghiên cứu phương thức chữa trị căn bệnh ung thư mà mẹ em đã mắc phải”. Đó là tâm sự của em Giàng A Nàng, học sinh lớp 8B, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Trạm Tấu trong câu chuyện với chúng tôi.
YBĐT - Bình quân mỗi năm, gia đình anh bán trên dưới 30 con dê giống và dê thịt. Tính ra thu nhập từ đàn dê mỗi năm cho gia đình hơn 40 triệu đồng,