Trưởng thôn mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất
- Cập nhật: Thứ năm, 22/12/2016 | 1:57:45 PM
YBĐT - Sau gần 3 năm sử dụng chế phẩm EMINA trong thực tế sản xuất trồng trọt và chăn nuôi của gia đình, ông Nguyễn Quý Thu - Trưởng thôn Làng Ngòi, xã Yên Bình, huyện Yên Bình thật sự hài lòng với lựa chọn của mình.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam (bên trái) thăm mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học EMINA trên cây chè của hộ ông Nguyễn Quý Thu (giữa) ở thôn Làng Ngòi, xã Yên Bình, huyện Yên Bình.
|
Ông Thu bày tỏ: “Hiện nay, trong thực tế sản xuất của người nông dân, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn là điều ai cũng mong muốn và quan tâm. Bản thân tôi cũng không phải là ngoại lệ và tôi đã mạnh dạn thử nghiệm việc này”.
Nhà ông Thu hiện có 1,6 ha chè giống LDP 1, LDP 2. Được một người cùng xã giới thiệu, ông Thu bắt đầu ứng dụng chế phẩm sinh học EMINA trên toàn bộ diện tích chè của gia đình từ tháng 4 năm 2014. Chế phẩm này ông đã biết đến qua các phương tiện thông tin đại chúng trước đó với các ưu điểm là không độc hại cho sản phẩm, không độc hại cho người sử dụng.
Qua thời gian sử dụng trên cây chè, ông Thu cũng nhận thấy rõ hiệu quả của chế phẩm. Khi sử dụng chế phẩm đúng hướng dẫn, quá trình sinh trưởng của cây chè đã rút ngắn, cụ thể từ 45 ngày một lứa chè được thu hái giảm xuống còn 42 ngày.
Toàn bộ diện tích chè của nhà ông cứ vào khoảng tháng 7 âm lịch hàng năm, thời tiết mưa nhiều, nắng ít khiến lá chè rụng nhiều nhưng khi chuyển sang sử dụng chế phẩm EMINA đã giảm tỷ lệ rụng lá, mặt khác cũng không cần phải sử dụng thuốc trị nấm chống rụng lá như trước. Đặc biệt, chế phẩm giúp cho màu lá chè xanh hơn, lá chè sạch hơn vì không có rêu và muội bám, mật độ búp cũng dày hơn.
Nếu tính về giá trị kinh tế, mỗi một lứa chè, sản lượng chè búp tươi mà gia đình ông thu hái trên mỗi héc - ta tăng thêm khoảng 10% so với trước khi sử dụng chế phẩm đồng thời tăng thêm nửa lứa mỗi năm. Mỗi lứa chè, ông còn giảm được 50 kg phân đạm cho mỗi héc - ta.
Trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, cây chè mắc bệnh gì thì phải nhanh chóng phun thuốc cho bệnh đó song điều ông thật sự thấy mừng là chế phẩm sinh học đã hạn chế được việc phải sử dụng phân hóa học. Cuối cùng chính là công lao động đối với cây chè cũng giảm đi.
Cùng với cây chè, ông Thu đã mạnh dạn sử dụng men EMINA để tận dụng ủ cám ngô, cám gạo, cám sắn làm thức ăn cho lợn thịt. Các loại cám này được ủ với men có mùi thơm giống mùi men rượu, không gắt mùi như cám công nghiệp. Cám này còn có ưu điểm là có thể đổ một lần nhưng lợn ăn được vài ngày do không bị chua.
Việc ủ cám với men này rất đơn giản, cứ 10 kg cám trộn với 6 lít nước sạch và 100 ml men, cho vào chum đậy kín và 3 ngày sau thì cho lợn ăn.
Ông Thu tính cụ thể thì mỗi ngày, gia đình tiết kiệm được 3.000 đồng tiền cám ăn của một con lợn so với chi phí cho ăn cám công nghiệp như trước kia. Tỷ lệ nạc của lợn ăn cám ủ men thấp hơn so với ăn cám công nghiệp nhưng lại ít bị hao hơn, thịt lợn không có mùi hôi và không nhiều nước. Ăn cám ủ men này, phân lợn cũng giảm được mùi hôi.
Gia đình ông bình quân mỗi lứa cũng chỉ nuôi khoảng 10 con lợn thịt để lấy chất đốt sinh hoạt hàng ngày và một lượng phân bón cho cây trồng. Xử lý triệt để vệ sinh môi trường chuồng trại, ông Thu sử dụng cả chế phẩm EMINA để giảm mùi hôi. Giá thành của chế phẩm sinh học này cũng hoàn toàn có thể chấp nhận được theo chia sẻ của ông Thu.
Sau gần 3 năm sử dụng chế phẩm EMINA trong thực tế sản xuất trồng trọt và chăn nuôi của gia đình, ông Thu thật sự hài lòng với lựa chọn của mình.
Ông cho biết sẽ tiếp tục sử dụng chế phẩm này một cách lâu dài cũng chính là một cách đầu tư theo chiều sâu, phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp an toàn hiện nay. Ngoài yếu tố bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng thì điều mà ông cũng đặc biệt quan tâm là bảo đảm sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình và cho chính mình.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
YBĐT - Không chỉ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, anh Mông Văn Tiềm - Phó Bí thư Chi bộ thôn Làng Phạ, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên còn là một trong những người luôn đi đầu trong phát triển kinh tế để có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
YBĐT - Phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm là một hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân xã Liễu Đô nói riêng, huyện Lục Yên nói chung lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình và làm giàu. Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của gia đình chị Hoàng Thị Nhị, thôn Tiền Phong, xã Liễu Đô là một điển hình như thế.
YBĐT - Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh vinh dự được lựa chọn là một trong 30 đại biểu tiêu biểu cho nữ công công đoàn toàn tỉnh tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
YBĐT - Xấp xỉ tuổi “lục tuần” - cái tuổi mà nhiều người đã nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, con cháu, song với bà Bùi Thị Phương - Giám đốc Doanh nghiệp Chế biến gỗ lâm sản Phương Vinh ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình thì dường như niềm đam mê công việc và trách nhiệm với gia đình chưa “cho phép” bà làm như vậy.