Người bận rộn ở La Pán Tẩn
- Cập nhật: Thứ năm, 5/1/2017 | 8:09:42 AM
YBĐT - Những tưởng không còn bận rộn với công việc của một bí thư đảng ủy xã nữa khi đã nghỉ chế độ thì sẽ được nhàn tảng hơn nhưng với ông Giàng Chứ Ly một sự bận rộn khác dường như mới chỉ bắt đầu.
Ông Giàng Chứ Ly.
|
Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn - Giàng Chứ Ly năm nào giờ đây bận rộn với công việc của một người có uy tín ở La Pán Tẩn (Mù Cang Chải). Là những sự bận rộn khác với công việc trước kia nhưng tất cả cũng là để đóng góp cho cộng đồng, cho cuộc sống của bà con vùng cao.
Hôm tìm gặp ông, chả báo được trước, phải chờ mãi rồi mới gặp, là vì phải đúng ngày ông đi bản, xuống dân. Tôi thắc mắc một chút thì ông cười hiền, lý giải: "Ngày trước còn công tác, đi bản, xuống dân đều là chuyện bình thường. Giờ cũng vẫn xuống dân, không xuống dân, không gần dân, không hiểu dân, sao nói bà con nghe mình được, sao làm người có uy tín được".
Chả thế, bận rộn đến đâu, mải mốt công việc đến đâu, một tuần, ông vẫn dành một ngày xuống thôn bản, đi đến các hộ dân, chuyện trò với họ, biết tâm tư, hiểu nguyện vọng của họ, để tuyên truyền, vận động họ. Đơn cử, chuyện vận động đồng bào không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, ông là người năng nổ tuyên truyền, nhiệt tình vận động với cách nói dễ hiểu nhất cho bà con, tập trung vào những gia đình có con lớn, những gia đình hiểu biết còn hạn chế, theo kiểu "mưa dầm thấm lâu".
Năm 2014, xã chỉ còn 4 trường hợp tảo hôn, đến năm 2015-2016, cả xã không còn trường hợp tảo hôn. Trong 7 năm trở lại đây, La Pán Tẩn cũng không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống nào xảy ra.
Kết quả này, có sự đóng góp của ông Giàng Chứ Ly. Rồi cả những đóng góp của ông trong công tác giáo dục ở xã cũng là không nhỏ. "Cái chữ là vô cùng quan trọng. Lâu dài, giáo dục cũng chính là con đường để người dân vươn lên trong đời sống" - ông xác định rất rõ ràng vậy. Thế nên, ông đã nhiệt tình lắm với công tác khuyến học, là người đi đầu trong xây dựng hội khuyến học, dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học, phong trào xã hội học tập ở La Pán Tẩn.
Để làm được tốt những việc này ở một xã vùng cao là không dễ dàng. Ông Ly lấy việc nêu gương làm đầu, trước hết là động viên con cháu học tập. Đến nay, gia đình ông có 3 cháu học đại học, 2 cháu học trung cấp. Trong dòng họ của ông, 100% con cháu học các bậc phổ thông. Cùng với nêu gương để bà con học tập, làm theo, ông Ly kiên trì đến nhiều hộ gia đình, vận động bà con chăm lo chuyện học hành của con cái. Trước đây, nhiều người dân trong xã không tự nguyện cho con đi học thì giờ đây chuyện học hành của con cái đã thành đương nhiên.
La Pán Tẩn có tỷ lệ học sinh ra lớp hàng năm đạt 95-100%; tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp đạt từ 98-100%; duy trì vững chắc phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Xã có hai dòng họ được công nhận là dòng họ hiếu học là dòng họ Lý và dòng họ Giàng với 358 gia đình hiếu học.
Cùng đó, ngay trong những đóng góp về vật chất cho cộng đồng, ông Ly cũng luôn là người tiên phong, gương mẫu. Đất sản xuất ở vùng cao thật sự là vô cùng quý hiếm nhưng ông đã bỏ ra hơn 2.000 m2 ruộng của gia đình hiến tặng cho xã làm trường học và làm đường giao thông nông thôn.
"Bà con phải thấy việc mình làm thì mới làm theo. Mình có sức góp sức, có của góp của, đóng góp được chút nào cho cộng đồng thì đóng góp thôi" - quan điểm của ông Giàng Chứ Ly là vậy, việc làm đã chứng minh, để rồi nhiều người dân nhìn gương ông cùng chung tay hiến đất, góp công làm đường giao thông nông thôn.
Trong những câu chuyện về mình, thấy ông hào hứng nhiều với chuyện làm ăn kinh tế của bản thân. "Giờ thôi công tác ở xã, mới có thời gian phát triển kinh tế gia đình" - ông tâm sự.
Thóc lúa, trâu bò, lợn gà của gia đình ông đủ cả, cho thu nhập vào hàng đáng mơ ước với nhiều dân ở đây. Song không dừng lại ở đó, nhạy bén và năng động là điều có thể thấy ở ông khi nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng phát triển chung của địa phương. Thấy rõ du lịch Mù Cang Chải ngày càng phát triển, ông là người đầu tiên ở La Pán Tẩn làm du lịch cộng đồng.
Không những vậy, đến nay ông còn vận động được 6 hộ khác cùng thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, vận động được 110 hộ gia đình ở 3 bản làm nghề truyền thống như rèn đúc, đan lát, dệt thổ cẩm và nấu rượu thóc… vừa là để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông vừa tạo sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế gia đình. Nhưng điều ông tâm đắc nhất bây giờ chính là việc nấu cao atiso.
Bắt đầu từ việc năm 2015, huyện triển khai thí điểm trồng 1 ha atiso trên địa bàn xã La Pán Tẩn, ông đã đăng ký trồng 3.000 m2. Sau khi thu hoạch quả, ông đã mày mò để nấu thành cao atiso. Ông lên tận Sa Pa tìm hiểu cách nấu cao rồi về đầu tư đầy đủ dụng cụ, mày mò thành công với sản phẩm này. Giờ đây, cao atiso trên đất La Pán Tẩn của Giàng Chứ Ly bắt đầu có nhiều người biết đến, tìm mua...
Dường như lúc nào cũng bận rộn với công việc, cả việc của mình, cả việc cho bản, cho bà con, từ trong suy nghĩ đến việc làm - bà con ở La Pán Tẩn biết đến Giàng Chứ Ly như thế và cũng quý mến ông bởi những điều như thế.
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT - Tốt nghiệp Khoa Tài chính - Ngân hàng, Học viện Tài chính nhưng chàng thanh niên Mông Thanh Tú ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên đã quyết định về quê nuôi chim cút. Trải qua nhiều khó khăn, mô hình của Tú đang phát triển tốt, hứa hẹn thành công trong tương lai.
YBĐT - Là thế hệ hội tụ đầy đủ tính năng động và sáng tạo, 8X Nguyễn Thị Kim Khánh - chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm Xanh+ trên đường Điện Biên (thành phố Yên Bái) đang bước vào lứa tuổi đầy hoài bão và ước mơ, kỳ vọng. Với mục tiêu kết nối cuộc sống gần gũi, thân thiện và thiết thực hơn bắt đầu từ sự mạnh dạn, tự tin và sáng tạo trong kinh doanh, Kim Khánh đã dần tạo nên một dấu ấn riêng của mình cùng sự hội nhập và phát triển của quê hương...
YBĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái” và chính Người là biểu tượng của lòng khoan dung và nhân ái. Noi gương Người, trên khắp các miền quê Yên Bái, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt sẵn lòng hy sinh lợi ích riêng tư, để cùng sẻ chia những mảnh đời bất hạnh…
YBĐT - Nói đến Phạm Văn Quang - chàng trai sinh năm 1983 hiện đang công tác tại Phân xưởng Sửa chữa và Thí nghiệm (SC&TN) điện thuộc Công ty Điện lực Yên Bái ai cũng phải thán phục. Tuy tuổi đời còn trẻ, song Quang đã làm Chủ tịch Công đoàn, Tổ trưởng Phân xưởng SC&TN điện đồng thời cũng là một kỹ sư có trình độ, năng lực chuyên môn sâu với nhiều sáng kiến kỹ thuật được giải thưởng cao trong tỉnh và khu vực.