Người “tiếp sức” cho Sình ca Cao Lan

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/1/2017 | 2:46:31 PM

YBĐT - Trân trọng và luôn ý thức gìn giữ vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, ở cái tuổi ngoài 70, ông Lạc Văn Sinh đã nỗ lực rất nhiều để phục dựng thành công lễ cấp sắc; các điệu múa chim gâu, múa xúc tép...

Ông Lạc Văn Sinh (giữa) trao đổi với cán bộ văn hóa huyện Yên Bình về các tài liệu đã sưu tầm Sình ca Cao Lan.
Ông Lạc Văn Sinh (giữa) trao đổi với cán bộ văn hóa huyện Yên Bình về các tài liệu đã sưu tầm Sình ca Cao Lan.

Yêu Sình ca từ thuở thiếu thời và gắn bó với những làn điệu hát giao duyên mê đắm ấy như thể nợ duyên, gần ba chục năm nay, ông Lạc Văn Sinh ở thôn Khe Gầy, xã Tân Hương, huyện Yên Bình cứ lặng lẽ sưu tầm, cần mẫn truyền dạy lại những làn điệu Sình ca cho từ những người già biết hát Sình ca đến những lớp trẻ trong xã. Nhiệt huyết của ông đã truyền lửa đam mê, đưa Sình ca trở thành phong trào ca hát sôi nổi ở địa phương.

Nói về cái duyên với Sình ca, ông Sinh như cởi tấm lòng: “Ngày còn nhỏ, tôi hay được các anh, chị lớn tuổi hơn mình cho đi chơi cùng. Nghe những cặp đôi yêu nhau, thích nhau, hát đối đáp với nhau, khi ấy mình chỉ thấy thích. 14, 15 tuổi, tôi đã thuộc khá nhiều những làn điệu Sình ca. Cái duyên để mình thực sự gắn bó với Sình ca, đau đáu với Sình ca lại được khởi lên từ tâm sự của một người bạn là người Cao Lan sống xa quê mỗi đêm theo anh đi nghe hát Sình ca trong đám cưới, đám hỏi... khi thì bên Tuyên Quang, lúc lại ở các xã trong huyện, trong tỉnh.

Chẳng biết có phải nợ duyên với những làn điệu dân ca nghe mộc mạc nhưng đầy triết lý nhân sinh của dân tộc mình hay không mà tôi đâm ra mê, ra say, để rồi gần 30 năm nay dốc cả thời gian, công sức cho việc sưu tầm, truyền dạy, những mong gìn giữ vốn văn hóa đặc sắc này cho các thế hệ mai sau”.

Như thể sợ người nghe không tin ở những gì mình nói, ông Sinh mang ra cho chúng tôi xem những tập tài liệu quý mà ông đã bỏ ra nhiều công sức để sưu tầm. Ông Sinh cho biết, hiện ông đã sưu tầm được 5 tập trong tổng số 12 tập hát Sình ca, tương đương với 12 đêm hát của nữ thần ca hát Lưu Tam mà truyền thuyết của người Cao Lan để lại.

Yêu Sình ca như thể chính cuộc sống của mình. Nhiều năm qua, ông Sinh cứ lặn lội đi từng ngõ, gõ từng nhà, kiếm tìm những người biết hát Sình ca, những người yêu thích Sình ca ở các thôn, bản trong xã để rồi thành lập nên những nhóm hát Sình ca sinh hoạt tự nguyện.

Ông Sinh nhớ lại: “Quả thật những ngày đầu rất khó khăn. Ban đầu chỉ tập hợp được vài ba người, chủ yếu là người già. Chúng tôi cứ tụ hội nhau lại hát và truyền dạy cho nhau những làn điệu Sình ca mới sưu tầm được. Hát ở mọi lúc mọi nơi, khi đám cưới, lúc đám hỏi, trong lễ mừng nhà mới, lễ cấp sắc, có khi lồng gắn trong sinh hoạt của các đoàn thể. Người già truyền dạy lại cho con trẻ. Người biết nhiều truyền dạy cho người biết ít. Lâu dần, nhóm hát cứ đông lên. Người Cao Lan ở Tân Hương biết hát Sình ca mỗi ngày một nhiều hơn. Năm 2005, tôi đã thực hiện được dự định lớn ấp ủ rất nhiều năm, đó là thành lập và cho ra mắt được Câu lạc bộ Dân ca các dân tộc xã Tân Hương. Đến nay, Câu lạc bộ đã có trên 70 thành viên tham gia biểu diễn. Thành viên nhiều tuổi nhất là trên 80 tuổi, trẻ nhất có cả học sinh tiểu học và trung học cơ sở”.

Không cứ người Cao Lan mới biết hát Sình ca, bằng niềm đam mê ca hát của mình, ông Sinh đã sẻ chia niềm tự hào về Sình ca cho các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn. Chẳng thế mà ở Tân Hương người Kinh, người Dao trong xã cũng đều biết hát Sình ca.

Trân trọng và luôn ý thức gìn giữ vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, ở cái tuổi ngoài 70, ông Lạc Văn Sinh đã nỗ lực rất nhiều để phục dựng thành công lễ cấp sắc; các điệu múa chim gâu, múa xúc tép...

Tới đây, ông ấp ủ dự định phục dựng cho được các lễ hội truyền thống của đồng bào Cao Lan, trong đó có lễ tế thần thổ địa. Ông làm công việc này một cách tự nguyện với tất cả tâm huyết của mình chỉ mong sao cho lớp trẻ hiểu để biết tự hào về cội nguồn dân tộc; biết giữ gìn truyền thống văn hóa để thêm yêu quê hương mình. 

 Minh Thúy

Các tin khác
Anh Bùi Sỹ Tới bên sản phẩm cơ khí tự sáng chế.

YBĐT - Mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, quyết tâm vượt khó để khẳng định bản thân cũng như nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng và góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp - họ là những người nông dân năng động, giàu nghị lực.

Thầy Nguyễn Quang Hạnh.

YBĐT - 25 năm công tác giảng dạy tại vùng cao Trạm Tấu, thầy Nguyễn Quang Hạnh - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Bản Mù, Trạm Tấu có 18 năm dạy tại trường bán trú.

YBĐT - Gương mẫu, tận tụy, trách nhiệm với công việc là sự ghi nhận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn dành cho ông Hà Văn Làm - Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên.

YBĐT - Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, khởi nghiệp niềm từ đam mê sáng tạo và bước đầu có những thành công, Nguyễn Văn Huỳnh đang trên con đường trở thành một doanh nhân nhân trẻ thắp sáng lên ngọn lửa đam mê sáng tạo và khởi nghiệp trong thanh niên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục