Cháy mãi một tình yêu

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/8/2017 | 7:01:10 AM

YBĐT - Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vợ chồng ông bà Hà Văn Đổi, Hà Thị Piển, dân tộc Tày ở thôn Ao Sen, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn vẫn dành trọn đam mê với những nhạc cụ cổ của dân tộc mình.

Vợ chồng ông bà Hà Văn Đổi cùng nhau biểu diễn đàn tính - hát nôm.
Vợ chồng ông bà Hà Văn Đổi cùng nhau biểu diễn đàn tính - hát nôm.

Nơi ở của ông bà là căn chòi lá không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc quạt, chiếc đài cũ được dùng để nghe nhạc và 3 nhạc cụ dân tộc là đàn tính, đàn nhị, "pí thiu” được treo cẩn thận trên tường nhà. Ngoài sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc mình, ông Đổi còn tự chế tác chúng. Mỗi một loại nhạc cụ đều phát ra những âm thanh kỳ diệu, độc đáo và rất lạ. Tất cả đều được làm lại bằng những vật dụng thay thế, tiếng có thể không trong, không hay bằng chiếc đàn chế tác tinh xảo nhưng với ông bà đó là đam mê, là tình yêu với âm nhạc dân tộc.
 
Ông Đổi cho biết, đam mê và tình yêu với âm nhạc dân tộc đến với ông từ khi còn bé. Ngày ấy, cứ dịp tết đến xuân về, ông thường theo các thầy mo trong bản đi làm lễ để được nghe tiếng đàn, tiếng hát rồi từ đó học cách chơi. Khi tham gia kháng chiến, để cổ vũ tinh thần cho anh em, ông tự mày mò làm các loại đàn của dân tộc mình bằng cách sử dụng các chất liệu thay thế mà ông tìm được lúc ấy. Giờ sau bao nhiêu năm, dù tuổi đã cao nhưng tình yêu với âm nhạc thì không thay đổi gì so với thuở đôi mươi.

Từ những vật liệu như tre, nứa, quả bầu khô… những vật tưởng chừng như vô tri, vô giác dưới bàn tay khéo léo, sự đam mê, cần mẫn của ông, những nhạc cụ dân tộc như sáo, nhị, đàn tính… được khôi phục và không chỉ biểu diễn trong những lễ hội của thôn, bản mà còn ở các chương trình nghệ thuật trong huyện, trong tỉnh.
 
Cây đàn tính, nhị, sáo cùng tiếng hát nôm của bà đã theo ông Đổi tham gia rất nhiều hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện, của tỉnh và đạt nhiều thành tích cao. Mỗi lần tham gia hội thi là một lần ông bà hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa của các dân tộc và giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình. Đó còn là dịp để sưu tầm thêm các làn điệu mới, từ đó làm phong phú bộ sưu tập của mình. Hiện nay, ông bà Đổi đang lưu giữ khoảng gần 100 bài hát nôm cổ được ông chép lại cẩn thận trong cuốn sổ tay nhỏ.
 
Ông Đổi chia sẻ: "Nhiều hôm học được bài hát mới và hát cho bà con trong thôn nghe, họ thích lắm, nhất là những người già. Họ nói với tôi rằng, ông bà đã đánh thức cái thời của ông bà mình ngày xưa. Điều này càng thôi thúc tôi sưu tầm thật nhiều bài hát mới để phục vụ bà con”.
 
Hiện nay, tại huyện Văn Chấn, số người biết sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc Tày chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn tại Đồng Khê, chỉ có ông Đổi là sử dụng thành thạo. Bởi vậy, trong các buổi sinh hoạt đoàn thể của thôn, của xã, tiếng đàn của ông Đổi là một phần không thể thiếu, tạo không khí sôi nổi, qua đó, giáo dục truyền thống dân tộc cho lớp trẻ. Hàng năm, thôn Ao Sen đều dành 1 ngày để các cụ cao tuổi tập trung sinh hoạt, để ôn lại những câu chuyện cũ rồi cùng nhau nghe đàn, hát nôm cổ, múa xòe, tạo thành phong trào văn hóa văn nghệ rất sôi nổi, thu hút khoảng 100 cụ tham gia.

Ông Đổi tâm sự: "Văn hóa dân tộc cũng giống như lớp phù sa theo dòng thời gian ngày đêm trôi về bồi đắp cho những người yêu thích chúng. Càng đi sâu vào tìm hiểu càng thấy có sức hấp dẫn riêng biệt”. Với ông bà thì đó không chỉ là sở thích, đam mê mà còn là cuộc sống, là người bạn thân thiết để bộc bạch, trút bầu tâm sự những lúc buồn vui, là tình yêu dân tộc để góp phần bảo vệ truyền thống âm nhạc dân tộc mình.

Hoài Anh

Các tin khác

YBĐT - Lũ dữ đi qua, tình người ở lại. Mù Cang Chải vẫn ngổn ngang bùn đất và còn 9 người mất tích chưa được tìm thấy. Trong đau thương, mất mát, ngọn lửa tình người lại được thắp sáng lên và những tấm gương quên mình cứu người trong lũ như chàng trai người Mông Giàng A Già thực sự trở thành động lực giúp vùng cao đau thương vượt lên mất mát.

Ông Nguyễn Hoàng Quyết ở tổ dân phố Trung Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng từ nuôi ba ba gai.

YBĐT - Ông Nguyễn Hoàng Quyết ở tổ dân phố Trung Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn đã khởi nghiệp làm giàu từ nuôi con đặc sản là ba ba gai, mỗi năm thu về trên 1 tỷ đồng.

Ông Thi (bên phải) giới thiệu vườn cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao của gia đình.

YBĐT - Từng tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường từ trong Nam, ngoài Bắc, khi về nghỉ, ông Đậu Xuân Thi ở thôn Lưỡng Sơn, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái là bệnh binh 2/3, tỷ lệ thương tật mất 62% sức khỏe. Song với ý chí quyết tâm và nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống và xây dựng thành công mô hình kinh tế hộ.

Thương binh Triệu Quang Vân tự hào với những phần thưởng cao quý được trao tặng.

YBĐT - Trở về sau chiến tranh với một cơ thể không lành lặn nhưng với bản lĩnh, phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, thương binh hạng 4/4 Triệu Quang Vân hiện đã 80 tuổi ở tổ dân phố 17, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên đã nỗ lực vượt qua thương tật tiếp tục cống hiến cho xã hội. Ông là tấm gương người bí thư chi bộ, người đảng viên tiêu biểu trong các hoạt động xã hội ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục