Bàn Hữu An - người "tri kỷ" cùng cây quế

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/1/2018 | 8:09:25 AM

YBĐT - Nhắc đến các "đại gia” quế xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên không thể không nói đến anh Bàn Hữu An ở thôn Khe Qué. Không chỉ có diện tích quế lớn, mà anh An còn được biết đến như một người "tri kỷ" cùng cây quế.

Anh Bàn Hữu An giới thiệu kỹ thuật ươm để có những cây quế giống chất lượng cao.
Anh Bàn Hữu An giới thiệu kỹ thuật ươm để có những cây quế giống chất lượng cao.

Trong vườn, người đàn ông tóc hoa râm, dáng cao đậm đang chăm chút, phân nhóm các bầu quế giống và chỉ dừng tay khi Phó Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn Doãn Hải Sơn lên tiếng: "Chăm chỉ thế này thì tiền để đâu hết!”. "Thói quen thôi! Ngày nào không lên đồi thì ở nhà chơi với mấy bạn "nhỏ” này” - anh An vui vẻ đáp lời. Là người Dao, cũng như bao người dân nơi đây từ nhỏ đến lớn Bàn Hữu An đã gắn cuộc đời mình với quế.
 
Tham gia Hợp tác xã Cộng Lực - Hợp tác xã Anh hùng của xã Viễn Sơn cuối những năm 70 đến khi giải thể và chia đất cho người dân trồng quế những năm cuối 90, Bàn Hữu An mới chỉ biết quế là loại cây dùng làm hương liệu trong các dịp lễ, tết của người Dao. 

Khi quế trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên thị trường và lúc lại rớt giá thê thảm rồi tới lúc cây quế lại lên ngôi giúp người dân vươn lên thoát nghèo…, với Bàn Hữu An, cây quế vẫn như một người bạn "tri kỷ".
 
Anh chưa từng bỏ quế và quế cũng không hề phụ anh. Người dân thôn Khe Qué và cả xã Viễn Sơn vẫn nhớ cách đây hơn 2 chục năm, khi cây quế không có thị trường tiêu thụ và nếu có bán được thì giá cũng rất rẻ, nên một số gia đình đã phá bỏ quế để trồng loại cây khác. Song, anh An vẫn một lòng "chung thủy” và quyết tâm giữ cây quế đến cùng.
 
Trong nhiều cuộc họp thôn, anh An luôn nêu ý kiến gia đình nào có ý định phá bỏ quế thì người đứng đầu dòng họ đó phải kịp thời can ngăn, khuyên nhủ: "Giữ cây là giữ rừng, giữ rừng là giữ mối đoàn kết, đồng lòng của cả thôn".
 
Thời kỳ khó khăn đó, anh An cùng một số hộ trong thôn Khe Qué đã không mở rộng diện tích trồng quế mà chủ động giữ rừng, giữ đất, giữ cây. "Lúc ấy, tôi luôn nghĩ, chắc chắn cây quế sẽ trở lại với giá trị kinh tế cao” - lời nói của anh An như khẳng định thêm tình "tri kỷ" với cây quế.
 
Những lúc nông nhàn, anh tập trung vào nghiên cứu kiến thức gieo trồng quế đem lại năng suất cao qua sách, báo, các phương tiện thông tin đại chúng hay tham quan, học tập mô hình trồng quế ở các xã lân cận có diện tích trồng quế lớn như: Xuân Tầm, Đại Sơn, Phong Dụ Hạ…
 
Nhận thấy việc trồng quế theo phương thức truyền thống của ông cha để lại không còn phù hợp với xu thế hiện nay vì cây phát triển chậm, hàm lượng tinh dầu không cao… anh đã thử cách trồng quế theo hướng áp dụng khoa học, kỹ thuật với mật độ 1 ha trồng khoảng 3.000 cây và giống được ươm bầu, đào hố rồi bón phân, xới cỏ 2 lần để cây phát triển tốt. 

Qua thử nghiệm, giống quế tự tay anh ươm đã cho chất lượng tốt và niềm tin, lòng quyết tâm đó của anh An đã được đền bù xứng đáng.

Đưa chúng tôi đi thăm đồi quế của gia đình, anh An vui vẻ giới thiệu: "Đây là đồi quế trên 20 năm tuổi, có cây đã gần 30 - 40 năm tuổi. Tôi tiếp nối công việc của cha ông, nhưng cũng phải thực sự yêu quý nó thì mới trồng, chăm sóc, bảo vệ cẩn thận”.
 
Anh tiến lại một cây quế gần nhất, sải tay ôm và ước tính cây này đường kính khoảng 5 gang tay và cỡ 24 năm tuổi. Nếu chặt cả cây để bán, giỏi lắm cũng chỉ được 2 đến 3 triệu đồng. Nhưng nếu biết cách bóc tỉa cành, lấy lá thì vừa cho thu nhập cao lại vẫn giữ được cây.
 
Hiện nay, với trên 10 ha quế cùng công việc kinh doanh bầu quế giống khá thuận lợi đã giúp anh An trở thành một trong những "đại gia” quế nơi đây. Gia đình anh An có 4 người con, 3 cháu đã xây dựng gia đình. Ngoài 2 đến 3 ha quế làm của hồi môn cho con, anh  An còn xây dựng được nhà cửa khang trang cho các con.

Người Dao Viễn Sơn không chỉ biết đến anh An là người "tri kỷ" cùng quế, là người sống có trách nhiệm với gia đình, mà họ còn rất trân trọng anh bởi đức tính chân thành, giản dị và luôn giúp đỡ những người xung quanh. Ai khó khăn về  vốn anh sẵn sàng giúp đỡ. Ai trồng, ươm bầu quế mà chưa hiểu kỹ thuật thì anh sẵn sàng đến tận nhà chỉ bảo, hướng dẫn chu đáo.
 
Ngoài làm kinh tế giỏi, anh An còn tích cực đóng góp công sức, tiền của tu sửa đường giao thông, mương thủy lợi, trường học, nhất là phong trào cựu chiến binh giúp nhau xóa đói, giảm nghèo có địa chỉ; tích cực vận động nhân dân phát triển trồng rừng, hướng dẫn cách trồng quế đạt hiệu quả… góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Trần Ngọc

Các tin khác
Gia đình bà Dương Thị Lan phát triển chăn nuôi cho thu nhập cao.

YBĐT - Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, huyện Lục Yên đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu; trong đó, có mô hình sản xuất tổng hợp của bà Dương Thị Lan ở bản Tại, xã Tân Lập. Mới đây, bà vinh dự được đi dự Hội nghị tôn vinh nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2017 tại Hà Nội và nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương.

YBĐT- Khổ luyện thành nghề, nay ông Phạm Công Vịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Văn Yên đã có lưng vốn gần sáu mươi sáng tác nhạc ra đời, gần chục trong số đó viết để tuyên truyền về dân số - lĩnh vực chuyên môn mà ông đang phụ trách.

YBĐT - Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, trên địa bàn xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái xuất hiện nhiều tấm gương cựu chiến binh (CCB) vượt khó làm kinh tế giỏi. Một trong những điển hình ấy là CCB Trần Xuân Trường ở thôn Trực Bình II.

Xưởng gạch xi của gia đình ông Đồng Văn Ngọc -  Trưởng thôn Bản Lố, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

YBĐT - Đến thôn Bản Lốm, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn, ai cũng biết đến gia đình ông Đồng Văn Ngọc - một trưởng thôn gương mẫu, luôn hết lòng vì dân. Không những thế, gia đình ông còn làm kinh tế giỏi với nghề kinh doanh vật liệu xây dựng và sản xuất gạch xi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục