Người phụ nữ năng động làm giàu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/2/2018 | 8:35:20 AM

YBĐT - Đến thôn Hồ Sen, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình hỏi về chị Triệu Thị Kiên thì không ai không biết, bởi chị là một tấm gương cần cù, sáng tạo trong lao động và giúp đỡ nhiều gia đình trong thôn cùng vươn lên phát triển kinh tế.

Mô hình trồng bưởi Diễn và bưởi da xanh của gia đình chị Triệu Thị Kiên.
Mô hình trồng bưởi Diễn và bưởi da xanh của gia đình chị Triệu Thị Kiên.

Xuất thân từ gia đình thuần nông, chị Triệu Thị Kiên sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vũ Linh, huyện Yên Bình luôn trăn trở, nỗ lực tìm cách làm giàu cho gia đình. Lấy chồng, theo chồng về ở xã Bạch Hà, cuộc sống mới lúc đầu của gia đình chị cũng giống bao người khác, gặp nhiều khó khăn, chỉ trồng cây lúa thuần, nuôi con gà để trang trải cuộc sống.
 
Rồi nhận thấy mảnh đất mình đang sinh sống có khí hậu, đất và nguồn nước phù hợp với trồng giống lúa Chiêm hương cho chất lượng gạo thơm ngon và được giá nên từ năm 2005, chị chuyển hẳn sang trồng giống lúa đặc sản này.
 
Với diện tích hơn 8 sào ruộng, nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, lại chịu khó học hỏi nên mỗi năm gia đình chị thu hoạch 2 lần vào tháng 3 và tháng 9 âm lịch với sản lượng trên 1,6 tấn/vụ, giá bán trung bình lúc vụ mùa là 16.000 đồng/kg, lúc giá cao nhất lên tới 18.000 đồng/kg. Giá gạo ở đây cao hơn ở những địa phương khác, song vẫn không đủ cung cấp cho những người sành ăn.
 
Nói về giống gạo đặc sản của địa phương, chị Kiên cho hay: "Được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu và nguồn nước lấy từ dãy núi Là nổi tiếng nên lúa gạo Bạch Hà được sản xuất theo phương thức truyền thống, hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên cho chất lượng thơm ngon. Song, đặc tính của giống lúa thơm là hay bị sâu bệnh nên gia đình tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Bởi vậy, hơn 10 năm trồng giống lúa đặc sản, cứ đến vụ thu hoạch là các thương lái ở trong tỉnh cũng như các địa phương khác lại đến tận nơi thu mua nên mỗi năm giống lúa gạo đặc sản mang cho gia đình khoảng 50 triệu đồng”.     
              
Là người phụ nữ năng động, nhạy bén với các mô hình phát triển kinh tế mới nên khi thấy trong thôn, trong xã nhiều hộ gia đình trồng thành công giống bưởi Diễn trên đất quê hương, chị Kiên lại mạnh dạn tiến hành san gạt, cải tạo lại đất vườn, đầu tư trồng 350 gốc bưởi Diễn. Chịu khó nghiên cứu, học hỏi nên vườn bưởi Diễn nhà chị sinh trưởng, phát triển tốt.
 
Từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch là thời điểm quả chín rộ, vàng ruộm, hương thơm bay xa nên thương lái các tỉnh lân cận đã đến đặt mua cả vườn với giá bình quân từ 15 - 20 nghìn đồng/quả. Là loại bưởi có thể bảo quản lâu, quả càng héo càng ngọt đậm nên được nhiều người ưa chuộng. Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng của người dân trong những ngày tết tăng cao nên mấy năm gần đây bưởi luôn được giá.
 
Thu nhập từ vườn bưởi Diễn của gia đình chị mỗi năm trên 100 triệu đồng. Thành công này đã khích lệ chị tiếp tục phát triển thêm mô hình bưởi da xanh vào năm 2015 và chị là hộ đầu tiên mang giống bưởi da xanh từ tỉnh Bến Tre - vùng chuyên canh bưởi da xanh lớn nhất cả nước về trồng trên đất Bạch Hà với số lượng thử nghiệm là 100 gốc.
 
Theo chị thì bưởi da xanh là loại cây phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở miền Nam, song không vì thế mà người miền Bắc không thể trồng được loại cây này. Sau ba năm vừa trồng vừa học hỏi và đúc rút kinh nghiệm chăm sóc, đến nay vườn bưởi da xanh của gia đình đang phát triển tốt, dự kiến năm 2018 này sẽ cho chất lượng quả thơm ngon không kém gì bưởi đầu dòng từ quê gốc Bến Tre.
 
Ngoài trồng bưởi và trồng giống lúa đặc sản, gia đình chị còn có 6 ha đồi rừng trồng bạch đàn và một xưởng sản xuất tinh bột sắn, mỗi năm thu mua từ 500 đến 700 tấn củ tươi, tạo công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương với lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Từ các mô hình kinh tế của gia đình, sau trừ chi phí, gia đình chị thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Nói về chị Triệu Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Hà - Bùi Xuân Quý cho biết: "Ở xã, chị Kiên được bà con làng xóm rất yêu quý bởi chị không chỉ năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Hàng năm, chị giúp đỡ khoảng 10 hộ trong xã bằng cách cho vay vốn không lấy lãi từ 10 - 15 triệu đồng để các hộ khó khăn có vốn mua cây, con giống, giúp họ có động lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Có thể nói, chị Kiên là tấm gương điển hình về tinh thần dám nghĩ, dám làm trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người phụ nữ nông thôn trong công cuộc xây dựng đời sống mới”.

Thanh Chi

Các tin khác
Gia đình anh Đặng Nho Quyên bóc tỉa quế.

YBĐT - Một nông dân người Dao thu về hơn 7 tỷ đồng tiền bán quế trong năm nay. Anh cũng vừa được vinh danh tại Hội nghị Điển hình tiên tiến làm theo lời Bác của huyện Văn Yên. 

Anh Hoàng Văn Tiện chăm sóc đàn bò.

YBĐT - "Con người trong cuộc sống ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng điều quan trọng hơn cả là người ta nhìn nhận ra sai lầm và sửa chữa sai lầm đó bằng cả tấm chân thành”. Câu nói đó thật đúng với anh Hoàng Văn Tiện ở thôn Làng Át, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên.

YBĐT - Đã từng bươn chải mưu sinh với hàng chục công việc khác nhau, cuối cùng ông cũng đã lựa chọn cây phật thủ để gắn bó dài lâu. Là người ưa tìm tòi và thử nghiệm những điều mới mẻ nên ông chẳng ngại gì những lời đàm tiếu từ hàng xóm, thậm chí cả nghi ngại của những người thân trong gia đình.

Hệ thống sấy quần áo bằng bếp lửa của 2 học sinh Lò Văn Chung và Lý Văn Tuấn - Trường THCS Tú Lệ (Văn Chấn).

YBĐT - Mùa đông ở vùng cao, thời tiết mưa lạnh triền miên. Để có quần áo mặc, giải pháp thông dụng nhất là sấy quần áo bên bếp lửa nhưng giải pháp này lại mang nhiều hạn chế. Trước thực tế đó, 2 em học sinh Lò Văn Chung và Lý Văn Tuấn - Trường THCS Tú Lệ (Văn Chấn) đã sáng tạo ra Hệ thống sấy quần áo bằng bếp lửa, khắc phục nhược điểm của việc sấy quần áo truyền thống với giá thành rẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục