Chăn nuôi lợn sạch
Sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi cũng gặp được chủ cơ sở chăn nuôi "lợn sạch” lớn và hiện đại thuộc hạng bậc nhất tỉnh Yên Bái. Vào đến cổng trang trại, tôi phải qua một vũng nước có chất khử trùng. Tiếp và chia sẻ về cơ duyên làm giám đốc nuôi lợn với cơ ngơi vài chục tỷ đồng này.
Ông kể, sinh ra ở Hưng Yên lớn lên ở Hà Nội, năm 2013, khi đang làm giám đốc của một công ty thuộc Tập đoàn Hà Đô thì một biến cố đã đến với ông khi phát hiện bị ung thư vòm họng giai đoạn 2. Sau 2 lần phẫu thuật ông bị mất tiếng và xin về hưu sớm với thâm niên 34 năm công tác. Sau khi bỏ chức giám đốc với mức lương cao, ông đã có một quyết định khiến nhiều người bất ngờ là rẽ sang chăn nuôi lợn - một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Từ kỹ sư xây dựng lao vào nuôi lợn, không một chút kinh nghiệm khiến nhiều người e ngại.
Ông Thanh cho biết: "Tôi đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn đang cực kỳ hưng thịnh, nên đã bỏ thời gian nghiên cứu”.
Ông không ngừng học hỏi kinh nghiệm, thông qua các hội thảo, các chuyên gia hàng đầu về chăn nuôi. Sau khi nghiên cứu, ông đã nhận ra rằng, yếu tố quan trọng cần đầu tư là phải đưa sức mạnh công nghệ vào chuỗi con giống, thức ăn và chuồng trại.
Năm 2014, ông Thanh tìm đến Yên Bái thành lập Công ty TNHH Đầm Mỏ và đầu tư hơn 20 tỷ đồng để xây dựng trang trại trên diện tích 5 ha, quy mô 800 lợn nái, 2.000 lợn thịt. Tất cả các yêu cầu về xây dựng chuồng trại, con giống, chăm sóc đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vốn là dân kỹ thuật, ông đã tự nghiên cứu và thiết kế chuồng trại xây dựng theo mô hình thiết kế của Công ty cổ phần CP Việt Nam. Nhiều thiết bị được nhập khẩu từ Đài Loan, Hà Lan, Đan Mạch, trong đó có hệ thống cho ăn, uống tự động nhập từ Trung Quốc.
Giới thiệu quy mô chuồng trại qua hệ thống camera, tôi không khỏi choáng ngợp bởi quy mô đầu tư bài bản. Đàn lợn được nuôi trong nhà kính, có máy điều không khí được chia thành các khu: lợn bầu, lợn nái, lợn cai sữa, lợn thịt. Tất cả mọi người kể cả công nhân, cán bộ kỹ thuật của Công ty và các phương tiện khi ra vào trại lợn đều phải khử trùng bằng hệ thống tự động.
Để đảm bảo chất lượng lợn giống cung cấp cho nông dân cũng như lợn thịt bán cho các cơ sở giết mổ tập trung khắp các tỉnh, thành phố trong nước, Công ty nhập con giống tiêu chuẩn từ nước ngoài và chỉ riêng lợn đực giống nguồn gốc Đan Mạch đã có giá 55 triệu đồng/con. Đàn lợn nái cũng là giống Đan Mạch được nhập khẩu từ Thái Lan qua Công ty CP Mitraco Hà Tĩnh. Thức ăn cho lợn được mua của Tập đoàn Thức ăn chăn nuôi De Heus Hà Lan. Với việc đầu tư công nghệ và sản xuất theo quy trình VietGAP, lợn của ông được tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh phía Bắc.
Thời kỳ cao điểm đàn lợn có quy mô 800 lợn nái và trên 2.000 lợn thịt. Hỏi về kinh nghiệm chăn nuôi, ông Thanh bảo rằng: "Tất nhiên là phải đảm bảo đúng quy trình chăm sóc, kỹ thuật chăn nuôi, nhưng quan trọng nhất là không bao giờ bỏ đói đàn lợn và không bỏ bất cứ một mũi vắc - xin nào. Chính vì thế, năm thứ 4 dấn thân vào chăn nuôi, nhưng trang trại của tôi chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh”.
Khu chăn nuôi lợn nái của Công ty.
Tìm đường "vượt bão”
Từ cuối năm 2016, bước sang năm 2017 "bão giá lợn” khiến người chăn nuôi điêu đứng. Công ty của ông Thanh cũng không nằm ngoại lệ. Trung bình mỗi tháng, tổng chi phí từ điện nước, thức ăn, tiêm phòng vắc -xin, nhân công lên đến gần 2 tỷ đồng. Trong khi đó, trong chuồng vẫn còn hàng nghìn con lợn. "Thật sự hoang mang lắm chứ! Mọi công sức tiền bạc đều đổ vào đây rồi. Nếu bán trang trại treo chuồng chỉ là giải pháp mong cho nhẹ đầu khi không phải suy nghĩ đến con lợn mà thôi!” - ông Thanh chia sẻ.
Để thoát khỏi cơn khủng hoảng, Giám đốc Thanh đã chủ động ứng phó bằng nhiều cách. Bài toán đầu tiên nghĩ đến là phải giảm đàn bằng mọi cách để cắt lỗ. Ông đã gọi điện cho tất cả các bạn bè để tìm đầu ra. Qua ngược xuôi tìm đầu ra, Công ty của ông đã xuất được một chuyến xuất sang Lào với hơn 1.000 con, Campuchia 500 con. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, để bền vững thì phải tính bài liên kết.
Phải liên kết mới tồn tại được, liên kết từ nhà sản xuất đến giết mổ để đưa ra thị trường, nếu anh không liên kết chơi vơi, sản phẩm làm ra không được ai đánh giá. Vì vậy, tôi tìm lối thoát cho mình bằng cách liên kết với Công ty De Heus Việt Nam và Công ty Thực phẩm sạch Vinh Anh - Hà Nội để thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm. Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm sạch Vinh Anh.
Trong đó, Công ty Vinh Anh thuộc hàng lớn nhất miền Bắc có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giết mổ, chế biến và bảo quản các sản phẩm từ thịt, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm được tiêu thụ ở các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn công nghiệp, chợ truyền thống. Với sự liên kết này, sản phẩm không phải lo đầu ra kể cả khi giá lợn xuống thấp.
Bên cạnh đó, với mong muốn người Yên Bái được sử dụng thực phẩm sạch, ông cũng đã mở chuỗi cửa hàng cung cấp thịt lợn sạch ở thành phố Yên Bái. Song, ông Thanh bảo rằng: việc tiêu thu sản phẩm sạch còn rất nhiều khó khăn do người tiêu dùng chưa quen với việc sử dụng thịt mát, thịt cấp đông. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước khiến nhiều cơ sở chăn nuôi tập trung khó tiếp cận. Vì thế, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về an toàn thực phẩm, làm thay đổi thói quen tiêu dùng từ sử dụng thịt nóng sang thịt mát, thịt cấp đông.
Khi đề cấp đến giải pháp cho ngành chăn nuôi hiện nay, Giám đốc Thanh chia sẻ: "Liên kết sản xuất theo chuỗi, đây là xu thế tất yếu. Việc xây dựng liên kết chuỗi sẽ giúp cải thiện dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phân biệt rõ ràng những khâu yếu kém; giải quyết vấn đề cung cầu” và đây cũng là hướng đi mà ngành chăn nuôi Yên Bái đang hướng tới.
Văn Thông