Lãi cao từ mô hình nuôi cá đặc sản

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/5/2018 | 10:16:28 AM

YBĐT - Vốn là ông chủ mô hình kinh tế trang trại kết hợp khu du lịch sinh thái rộng vài chục héc-ta, anh Trần Văn Hùng ở tổ 19, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình đã tận dụng nguồn nước mặt trên hồ Thác Bà để xây dựng mô hình nuôi cá lồng với những giống cá đặc sản như: cá quế, cá lăng đỏ, cá nheo, cá chép Koi Nhật Bản… mang lại nguồn thu lớn.

Anh Trần Văn Hùng chăm sóc lồng cá Koi.
Anh Trần Văn Hùng chăm sóc lồng cá Koi.


Mô hình nuôi cá lồng không phải là mới bởi anh Hùng đã nuôi cá lồng từ hơn chục năm trước với con số lên đến 50 lồng. Nhưng những dự định về xây dựng Khu du lịch sinh thái Ruby khiến anh không có thời gian để tỉ mẩn chăm sóc những lồng cá ấy nên đành bỏ dở.
 
Rồi mọi cố gắng đã được đền đáp khi giờ đây, Khu du lịch sinh thái Ruby của anh Hùng hàng tháng đón từ 400 đến 500 lượt khách tham quan. Khi lượng khách dần ổn định, anh năng động xây dựng thêm nguồn thực phẩm sạch và an toàn để phục vụ du khách. Với lợi thế đất đai rộng lớn, anh đã dành riêng một vài đảo chuyên trồng các loại rau xanh và chăn thả các loại gia súc, gia cầm, hoàn toàn theo cách nuôi tự nhiên.
 
Tháng 8/2017, sau hơn 15 năm bỏ dở nghề nuôi cá, anh xây dựng lại mô hình nuôi cá lồng với 10 lồng cá, một phần để tạo nguồn thực phẩm sạch cho nhà hàng, một phần để kinh doanh cá giống. Khác với lần nuôi trước, lần này, anh Hùng nuôi toàn bộ giống cá đặc sản như: cá lăng đỏ, lăng đen, cá chày, cá nheo, diêu hồng… và đặc biệt là 2 loài cá nhập ngoại là cá quế và cá Koi - loài cá được mệnh danh là quốc ngư của Nhật Bản.

Cá Koi vốn là loài cá cảnh của vùng xứ lạnh Nhật Bản, màu sắc bắt mắt xinh đẹp. Là người đầu tiên đưa cá Koi về Yên Bái, anh Trần Văn Hùng cho biết: "Nuôi cá Koi không phải dễ dàng nhưng cũng không phải quá khó. Trước khi đưa loài cá này về nuôi tại hồ Thác Bà, tôi đã đến các trang trại nuôi cá Koi ở trong miền Trung để tìm hiểu kỹ thuật nuôi giống cá này. Sau khi đưa về hồ Thác Bà, tôi nhận thấy cá Koi sống thích hợp với môi trường nước ở đây. Với 1.000 con cá giống ban đầu, nuôi trong vài tháng, tôi lại xuất bán, cũng thu lãi gần 100.000 đồng/con”.
 
Cùng với cá Koi, cá quế cũng là loài cá có nguồn gốc nhập ngoại. Sau một thời gian nuôi, anh Hùng đúc rút ra rằng, nhiệt độ nước là yếu tố quan trọng để các giống cá nhập ngoại có thể sinh sống. Nếu nhiệt độ trong nước quá nóng, cần giảm lượng thức ăn. Nếu nắng gắt nhiều ngày liền, cần đẩy lồng cá xuống sâu hoặc di chuyển lồng đến vị trí có bùn để hạ nhiệt.
 
Sau hơn nửa năm, với 3 tấn cá giống ban đầu tương đương 10 lồng cá, anh Hùng xuất bán cá giống, trung bình thu lãi 20 triệu đồng/ lồng. Theo anh Hùng, cá quế nuôi 1,5 năm sẽ cho cân nặng khoảng 2,5kg và cho thu lãi khoảng 100.000 đồng/ con. Còn cá Koi, nếu muốn thu nhập cao thì nuôi theo hướng cá cảnh. Giá trị trên thị trường hiện giờ có thể lên đến hàng trăm ngàn USD cho 1 con cá Koi nặng khoảng 20-30kg.
 
Hơn nữa, tuổi thọ của cá Koi rất cao, con kỷ lục nhất được ghi nhận sống tới 230 năm. Thời gian tới, anh dự định sẽ nuôi cá Koi bố mẹ sinh sản để nhân giống, phục vụ việc cung cấp giống các loại cá giá trị này và cam kết sẽ bao tiêu đầu ra cho bà con.

Việc năng động, nhạy bén đưa những giống cá giá trị về nuôi tại hồ Thác Bà của anh Trần Văn Hùng không chỉ tạo một khoản thu nhập không nhỏ cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới cho nền kinh tế nông nghiệp địa phương.

Hoài Anh

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hương trao giải Nhất Hội thi “Chúng em tìm hiểu và kể chuyện về Bác Hồ” của Trường THCS thị trấn Yên Bình.

YBĐT - Biết chị đã trên 10 năm nhưng qua câu chuyện chúng tôi mới thêm hiểu về gia đình, quá trình phấn đấu không mệt mỏi, nghiêm túc rèn luyện.

YBĐT - Hơn 20 năm công tác ở xã, nghỉ hưu trở về thôn xóm, bà Lê Thị Lan được bầu đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ thôn Hồng Thái, xã Nga Quán huyện Trấn Yên. Điều bà Lan trăn trở nhất bấy giờ là làm sao thay đổi được diện mạo nông thôn, bắt đầu từ vấn đề môi trường.

Cựu chiến binh Nguyễn Hùng Cường (bên trái)  giới thiệu hệ thống máy cuộn dây khâu, dây buộc.

YBĐT -  Từ công việc thu mua phế liệu, đã mở ra cho ông ý tưởng sản xuất chế biến sản phẩm dây khâu, dây buộc từ đồ nhựa phế thải, cũ hỏng để đến nay cơ sở sản xuất của ông tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định. 

Anh Giàng A Sông chăm sóc đàn dê.

YBĐT - Ở bản Kháo Giống, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, có một thanh niên với sức trẻ, dám nghĩ, dám làm đã biết phát huy thế mạnh của địa phương để vươn lên thoát nghèo, trở thành một tấm điển hình làm kinh tế giỏi cho thanh niên và nhân dân trong bản học tập noi theo. Anh là Giàng A Sông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục