Tận tâm vì sự nghiệp “trồng người”

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/7/2018 | 8:07:52 AM

YBĐT - Sinh năm 1979, quê gốc ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, từ nhỏ Nguyễn Thị Gấm đã ao ước sau này trở thành giáo viên. Vì vậy, sau khi học xong phổ thông, chị đã thi vào ngành sư phạm. Ra trường, chị về làm giáo viên môn Sinh học ở Trường THCS Nguyễn Thái Học, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên.

Những ngày đầu đứng lớp, cũng như bao giáo viên trẻ khác, cô Gấm phải trải qua nhiều bỡ ngỡ trong giảng dạy. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, mến trẻ, miệt mài trau dồi kiến thức, từng bước nâng cao nghiệp vụ nên chị sớm vững vàng về công tác chuyên môn và nhanh chóng trở thành giáo viên dạy giỏi, giúp cho nhiều học sinh đạt được thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Năm học 2014 - 2015, theo sự phân công của tổ chức, cô Gấm chuyển về giảng dạy tại Trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên. Với chuyên môn vững chắc, chị được giao nhiệm vụ vừa giảng dạy, vừa bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học.
 
Để truyền đạt được những kiến thức tốt nhất cho các em trong quá trình học tập, ôn luyện, cô Gấm tâm sự: Trước hết, bản thân mình phải luôn xác định tinh thần lao động với tất cả niềm đam mê nghề nghiệp. Hiệu quả của niềm đam mê ấy, chỉ được khẳng định bằng sự yêu thích của học sinh đối với môn học Sinh học, vốn không phải là môn hấp dẫn đối với học sinh hiện nay. Hơn nữa, việc nâng cao chất lượng giảng dạy còn như một trọng trách được nhà trường, phụ huynh trao gửi niềm tin đối với bản thân mình.

Từ những tâm sự ấy, cô luôn tìm cách thu hút học sinh hướng đến yêu thích môn Sinh học bằng những sáng kiến, kinh nghiệm của mình.
 
Tiêu biểu như từ năm học 2011 đến nay, cô đã đưa những sáng kiến, kinh nghiệm được đánh giá cao và được áp dụng nhiều trong giảng dạy môn Sinh học như: "Rèn kỹ năng làm tiêu bản thực vật cho học sinh lớp 6 cấp THCS”; "Một vài kinh nghiệm dạy học phần di truyền và biến dị Sinh học 9 theo phương pháp dạy học tích cực”.
 
Đặc biệt, có 2 sáng kiến kinh nghiệm được đánh giá xuất sắc đó là: "Những kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh cấp THCS”; "Đổi mới phương pháp dạy học các bài thực hành cấp THCS theo định hướng phát triển năng lực học sinh".

Những sáng kiến, kinh nghiệm của cô giáo Nguyễn Thị Gấm đã được đúc rút trong quá trình giảng dạy bộ môn Sinh học của cô và kết hợp giữa nghiên cứu thực tiễn, lý luận được áp dụng rất hiệu quả trong giảng dạy môn Sinh học ở cả 2 phía giáo viên, học sinh. Điều đó, đã được chứng minh qua các kỳ thi học sinh giỏi môn Sinh học cấp huyện, tỉnh.
 
Trong 7 năm học trở lại đây, cô giáo Nguyễn Thị Gấm đã có 49 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện; 27 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh; 4 học sinh đạt giải trong Kỳ thi Vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết tình huống thực tiễn cấp tỉnh; 2 học sinh đạt giải trong Kỳ thi Vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết tình huống thực tiễn cấp quốc gia. Đây là phần thưởng xứng đáng cho một cô giáo luôn tận tâm với sự nghiệp "trồng người”.

Không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, cô giáo Nguyễn Thị Gấm còn sống hòa nhã, chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm với đồng chí, đồng nghiệp, trung thực, giản dị, gương mẫu nên được đồng nghiệp tín nhiệm, học sinh yêu mến. Chị và gia đình cũng luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc.

Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người", dù ở đâu, đảm nhận công việc gì, cô giáo Nguyễn Thị Gấm cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với những cống hiến đó, liên tục từ năm học 2003 - 2004 đến nay, cô Gấm đều đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; nhiều năm đạt Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 4 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ qua các năm học; Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh về thực hiện tốt Phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
 
Đồng thời, cô Gấm cũng xuất sắc đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong nhiều năm; được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Cô cũng là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh Yên Bái.

Sơn Nam

Các tin khác
Anh Vàng A Rua (trái) trao đổi kinh nghiệm trồng  ngô với cán bộ khuyến nông.

YBĐT - Khi cây ngô trở thành hàng hóa, Trạm Tấu đã có những gia đình nông dân thoát nghèo trở nên khá giả ở địa phương với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nổi bật trong số họ là anh Vàng A Rua ở thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu.

Nông dân xã Khánh Hòa trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cam.

YBĐT - Hơn chục năm về trước, ông Tạ Quốc Bảo là một trong số ít những hộ đi tiên phong phát triển cây cam sành ở xã Khánh Hòa (Lục Yên).

YBĐT - Anh Giàng A Lểnh ở xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn khi lập gia đình và ra ở riêng được bố mẹ cho 2 con trâu và hơn 1 nghìn mét vuông ruộng. Nhờ chăm chỉ làm lụng và chăm sóc tốt nên trâu không bệnh, sinh sản nhanh.

YBĐT - Anh Lý Văn Ngọc, sinh năm 1970, là người dân tộc Dao, quê gốc ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, rồi đi sơ tán về xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục